Trong thời đại của mạng xã hội, một số người Nhật lại chọn quay về hình thức kết bạn qua thư từ như ngày xưa, có lẽ bởi vì những bức thư tay có thể đem trái tim của người gửi đến gần hơn với người nhận.
Buntsumura là dịch vụ cho phép mọi người trao đổi thư từ với người khác trong khi giữ bí mật các thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ cư trú. Sự ra đời của dịch vụ này tại Nhật đã mang lại luồng gió mới trong cuộc sống của nhiều người, giúp họ vượt qua nỗi cô đơn bủa vây trong thời điểm xảy ra đại dịch.
Những tâm hồn xích lại gần nhau nhờ thư tay
Gần đây, một phụ nữ 74 tuổi ở tỉnh Saitama đã nhận được lá thư từ người bạn tâm thư cũng ở độ tuổi 70, sống tại tỉnh Chiba. Trong thư, người bạn này viết: “Sự ấm áp và thấu hiểu (tôi) cảm nhận được qua bức thư hẳn xuất phát từ những trải nghiệm của chính bà”.
Bà đã làm quen với người bạn tâm thư của mình được 2,5 năm. Họ chia sẻ cùng nhau những câu chuyện đời thường, và khi các cuộc trao đổi được tiếp nối, bà cảm nhận được tình cảm ấm áp cùng sự đồng cảm từ người bạn ấy.
Mỗi lần nào viết thư hồi đáp, bà lại sắm cho mình tập giấy viết thư mới, bì thư, cầm bút và cẩn thận ghi lại từng suy nghĩ của mình. Gửi thư đi rồi, bà háo hức chờ đợi hồi âm từ người bạn ở Chiba.
Bà bộc bạch: “Viết thư có thể là một cách hơi rắc rối nhưng nó đọng lại nhiều điều trong tôi. Tôi nhận ra những mối quan hệ không quá thân thiết ở ngoài đời lại cho phép chúng ta trao đổi với nhau một cách thoải mái”.
Xem thêm: “Đừng quẹt, hãy viết”: Chiến dịch nâng cao sự lãng mạn qua việc viết thư tình
Sự ra đời của Buntsumura
Cách đây vài thập kỷ, bạn tâm thư khá phổ biến tại xứ sở hoa anh đào. Nhiều tờ tạp chí có riêng chuyên mục ghi địa chỉ của những người đang tìm kiếm bạn qua thư. Tuy nhiên, với việc ban hành Đạo luật Bảo vệ thông tin cá nhân tại Nhật vào năm 2013, nhiều quy tắc nghiêm ngặt đã được áp dụng trong việc xử lý thông tin cá nhân. Cùng với sự lan rộng của Internet, mục trao đổi qua thư từ trên các tạp chí đã lần lượt biến mất.
Vì lẽ đó, Naoki Hoshina (39 tuổi) sinh sống tại Narita, tỉnh Chiba đã ra mắt Buntsumura, dịch vụ cho phép người dùng trao đổi thư trong khi vẫn giữ bí mật thông tin cá nhân vào năm 2009.
Với dịch vụ này, người dùng chỉ cần đăng ký địa chỉ của mình trên website của Buntsumura hoặc qua điện thoại. Kế đó, họ được cấp một địa chỉ ảo để sử dụng trong quá trình trao đổi thư từ.
Người dùng của Buntsumura có thể tìm kiếm bạn tâm thư tiềm năng trên website. Nếu đã tìm được đối tượng phù hợp, họ bắt đầu gửi một lá thư đến cho ban thư ký của dịch vụ kèm địa chỉ ảo đã được cung cấp và bút danh muốn sử dụng. Tiếp đó, ban thư ký sẽ chuyển thư đến địa chỉ của người nhận.
Nguy cơ tên thật cùng địa chỉ nhà hay những thông tin cá nhân khác của người dùng bị tiết lộ cho người kia là điều sẽ không xảy ra.
Địa chỉ hư cấu được đặt theo tên nhân vật nổi tiếng hay đặc sản ở nơi người đó sinh sống, chẳng hạn như đường Shingen được lấy cảm hứng từ lãnh chúa Takeda Shingen ở thế kỷ 16, hay đại lộ Momiji Manju-dori lại liên quan đến một món bánh ngọt nổi tiếng tại tỉnh Hiroshima.
Do đó, người gửi thư có thể đoán được bạn tâm thư đang sống ở tỉnh nào, cho phép cả hai chuyện trò về những chủ đề thú vị của từng địa phương họ đang sống. Phí dịch vụ chưa bao gồm thuế của Buntsumura là từ 700 - 970 yên/tháng.
Vào năm 2016, dịch vụ chỉ có khoảng 340 người dùng, nhưng sau đó đã tăng vọt lên khoảng 2.200 thành viên. Đặc biệt, số lượng người dùng đã tăng lên ngay khi chính phủ áp dụng biện pháp hạn chế di chuyển để phòng dịch bệnh. Được biết, 90% người dùng của Buntsumura là phụ nữ.
Machiko Kazama, 69 tuổi, sống tại tỉnh Niigata từng trải qua một kỷ niệm không mấy vui vẻ trên mạng xã hội. Khi đang lướt Instagram, bà trông thấy một bức ảnh chụp chiếc cốc xinh đẹp bao quanh bởi sóng biển nên đã để lại bình luận khen ngợi và hỏi thêm rằng: “Bạn đã tìm thấy nó ở đâu?” Thế nhưng, bà lại nhận được phản hồi gay gắt: “Tự đi mà tìm hiểu”. Bà Kazama đã rất sốc trước sự việc này.
Từ khoảng năm 2016, Kazama bắt đầu trao đổi thư tay với khoảng 8 người thông qua Buntsumura và không một ai trong số họ sử dụng lối nói chuyện thiếu lịch sự như trên Instagram. Khi xã hội Nhật Bản ngập tràn lo âu do sự lan rộng của dịch bệnh, bà cũng đã được động viên rất nhiều sau khi đọc lá thư gửi cho mình: “Thật khó khăn nhưng chúng ta hãy cùng cố gắng nhé”.
Kazama giải thích lý do bà yêu thích dịch vụ Buntsumura: “Nhiều lá thư chứa những trao đổi tích cực, nên hai bên đều tìm thấy sự thoải mái khi viết cho nhau. Khi quan hệ giữa hai bên khăng khít hơn, chúng tôi có thể xây dựng mối quan hệ của sự sự tin tưởng, khiến cho cả hai muốn gặp gỡ riêng”.
Hoshina, người sáng lập Buntsumura lý giải: “Điều hấp dẫn hơn cả là bạn không thể nhìn thấy mặt của đối phương, nên chỉ có thể cảm nhận được tính cách của họ thông qua các đoạn văn, câu chữ. Hình thức này cũng trở nên hấp dẫn vì việc phản hồi thư giúp bạn có thể sống trong những suy tưởng của bản thân”.
Nói về lý do tại sao trao đổi thư tay có nhiều mặt tích cực, Hoshina cho rằng: “Ngay cả khi ẩn danh, mọi người cũng có thể dùng toàn bộ thời gian để tập trung nói chuyện một – một với ai đó và không lo sợ việc những lời nhắn gửi bị nhìn trộm bởi ai khác. Cả hai bên đều có thể bày tỏ tình cảm và sự cảm thông cho đối phương thông qua các lá thư”.
Tính đến nay, ban thư ký của Buntsumura đã đảm trách việc chuyển giao khoảng 720.000 lá thư. Một người dùng đã gửi thư cảm ơn đến họ, trong đó viết: “Tôi đã có thể đón nhận sự ấm áp của mọi người. Mặc dù hiện nay, email và mạng xã hội đang đóng vai trò chủ chốt, nhưng một lần nữa tôi nhận ra giá trị của việc trao đổi thư tay”.
Để có thể gửi thư đến người lạ, bạn có thể tham khảo qua website của Buntsumura tại địa chỉ fumibito.com.
kilala.vn