“Trần nhà thủy tinh”: rào cản thăng tiến sự nghiệp của phụ nữ Nhật

Bài: Natsume
Aug 11, 2021

Nguồn: globalriskinsights, investopedia, cnbc

Dù là một trong những cường quốc của thế giới nhưng tại Nhật Bản, sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động vẫn thấp so với nhiều quốc gia, phần nhiều do ảnh hưởng của những rào cản vô hình.

Trần nhà thủy tinh hay “Glass Ceiling” là thuật ngữ sử dụng phép ẩn dụ để ám chỉ một rào cản vô hình, ngăn cản phụ nữ nói chung hoặc một số đối tượng khác được đề bạt lên các vị trí cấp quản lý và điều hành trong một tổ chức. Cụm từ “Glass Ceiling” dùng để mô tả những khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt khi chuyển sang  vai trò cao hơn trong hệ thống phân cấp, chủ yếu do nam giới thống trị. Đa phần các khó khăn và thành kiến phụ nữ gánh chịu thường là quy tắc ngầm trong doanh nghiệp, không nằm trong các chính sách công ty quy định. 

trần nhà thủy tinh
Ảnh: My Jewish Learning

Tại Nhật Bản, nơi có sự phân chia khắt khe giữa giới tính trong môi trường công sở, phụ nữ thường sẽ chịu nhiều áp lực hơn. Sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động của Nhật Bản đã tăng lên trong vài thập kỷ qua nhưng Nhật Bản vẫn xếp hạng thấp về tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị và giữ chức quản lý tại các tổ chức doanh nghiệp so với các nền kinh tế phát triển khác. Những sáng kiến để điều chỉnh sự bất bình đẳng này cũng được đưa ra nhưng chưa có tín hiệu khả quan.

trần nhà thủy tinh

Ảnh: Nikkei Asia

Rào cản từ quan niệm về vai trò của phụ nữ

Một trong những lý do chính đó là sự kì vọng của xã hội, khi người phụ nữ ở thế đảm nhiệm phần lớn việc chăm sóc con cái và nội trợ. Một nghiên cứu năm 2018 kết luận rằng sự khan hiếm các nữ chính trị gia Nhật Bản là do họ khó cân bằng giữa nhiệm vụ chuyên môn và việc nội trợ. Trong một cuộc khảo sát về lý do tại sao phụ nữ không thăng tiến trong lĩnh vực chính trị, nguyên nhân hàng đầu được đưa ra là do họ phải làm các công việc nhà, theo sát đó là quan niệm của phụ nữ cho rằng chính trị là mục tiêu theo đuổi của nam giới. Văn hóa làm việc của Nhật Bản nổi tiếng là đặc biệt khắt khe, do đó, thách thức cân bằng giữa công việc nhà và sự nghiệp thậm chí còn khó khăn hơn so với các nước phát triển khác.
trần nhà thủy tinh
Việc đảm bảo cân bằng giữa nội trợ và công việc đã tạo áp lực không nhỏ cho người phụ nữ. Ảnh: fortinberry Murray

Vị thế của phụ nữ trong nền kinh tế Nhật Bản

Năm 2010, tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động của Nhật Bản là 63,2% , thấp hơn so với nhiều nước phát triển khác bao gồm Vương quốc Anh, Pháp, Hoa Kỳ và Úc ở cùng thời điểm. Vào năm 2013, Thủ tướng khi đó là ông Shinzo Abe đã công bố một loạt các chính sách được đặt tên là “Womenomics” nhằm nỗ lực thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động. Kết quả, hơn 7 năm sau (2017), tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động Nhật Bản tăng lên khoảng 72,6%, cao hơn hẳn mức trung bình của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) là 65,1%. 
trần nhà thủy tinh
Bà Kathy Matsui là người đã đặt ra thuật ngữ “Womenomics” vào năm 1999. Bà cũng là trụ cột chính trong các cải cách kinh tế của cựu Thủ tướng Shinzo Abe nhằm giúp Nhật Bản thúc đẩy nền kinh tế thông qua việc đưa phụ nữ vào lực lượng lao động. Ảnh: Japan Times

Theo bà Kathy Matsui, cựu phó chủ tịch kiêm chiến lược gia tại Goldman Sachs Japan, cho biết Nhật Bản đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động, vượt qua Mỹ và châu Âu về tỷ lệ phần trăm, nhưng vẫn có một giới hạn đối với phụ nữ trong vai trò lãnh đạo.

Việc đưa phụ nữ vào các vị trí quyền lực và ra quyết định là một chặng đường dài cần phải thực hiện.

Dữ liệu do The Economist cung cấp cho thấy, phụ nữ chỉ nắm giữ 10% số ghế trong Hạ viện Nhật Bản, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của OECD là 31,5%. Tương tự, vào năm 2019, phụ nữ chỉ nắm giữ 10,7% số ghế trong ban điều hành công ty và dường như ở các vị trí cấp thấp hơn, họ cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự.

Vì sao phụ nữ tham gia vào hoạt động kinh tế lại quan trọng?

Lợi ích kinh tế bắt nguồn từ việc thúc đẩy quyền tiếp cận bình đẳng về nơi làm việc. Việc tăng số lượng lao động nữ và nâng cao vai trò dành cho họ sẽ giúp Nhật Bản đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động do dân số già. Hơn nữa, phụ nữ Nhật Bản thường có trình độ học vấn và kỹ năng cao hơn so với nam giới. Tính đến năm 2018, 64% phụ nữ trong độ tuổi 25-34 đã tốt nghiệp đại học so với 58% nam giới ở cùng độ tuổi.
trần nhà thủy tinh
Ảnh: Tokyoesque
Ngoài ra còn có những lợi ích cụ thể từ việc cải thiện mức độ tham gia của phụ nữ vào chính trị. Thứ nhất, để xây dựng một nền dân chủ thực sự, cần phải có nhiều phụ nữ hơn nữa đảm nhiệm các vai trò lãnh đạo chính trị. Thứ hai, tiếng nói của phụ nữ Nhật Bản sẽ có sức nặng để giải quyết các vấn đề cụ thể của phụ nữ như: quấy rối tình dục hay các dịch vụ chăm sóc trẻ em..., điều mà phụ nữ sẽ hiểu rõ hơn nam giới. 

Những triển vọng tương lai

Tỷ lệ nữ giới tham gia vào lực lượng lao động của Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục tăng trong thập kỷ tới, nếu những diễn biến tích cực xảy ra. Có khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ thực hiện một số chính sách để giảm bớt gánh nặng cho lao động nữ, điều đó sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động của Nhật Bản. Các biện pháp thúc đẩy có thể bao gồm hỗ trợ tài chính cho việc chăm sóc trẻ em hoặc các chiến lược dài hạn như có các phương án thay thế tạm thời và hỗ trợ phụ nữ trở lại vị trí lãnh đạo sau khi nghỉ việc để nuôi dạy con cái. Nếu được thực hiện, các chính sách này sẽ thúc đẩy xu hướng tích cực hướng tới sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào các vai trò lãnh đạo tại nơi làm việc.
trần nhà thủy tinh
Ảnh: JapanTimes

Mặc dù có tiềm năng cải cách từ các tác nhân thương mại, nhưng không may, chính phủ Nhật Bản không có khả năng trở thành động lực thúc đẩy các chính sách bình đẳng giới trong tương lai gần. Vào năm 2010, chính phủ đã soạn thảo một kế hoạch về bình đẳng giới, các đề xuất trong đó phần lớn vẫn chưa được thông qua và thực hiện.

Nhật Bản vẫn còn một chặng đường dài phía trước để nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội, nhưng quốc gia này đang dần cải thiện cơ hội để phụ nữ đảm nhận các vai trò cấp cao trong các lĩnh vực chính trị và doanh nghiệp. Điều cần thiết là chính phủ Nhật Bản phải có những biện pháp phù hợp để hỗ trợ phụ nữ trở thành nhà lãnh đạo và người có ảnh hưởng.

kilala.vn

Quan niệm về “Trần nhà thủy tinh”

Marilyn Loden là người đầu tiên đặt ra cụm từ này khi phát biểu với tư cách là một tham luận viên tại sự kiện “Women's Exposition” vào năm 1978 ở New York. Với vai trò là giám đốc điều hành nữ duy nhất lúc bấy giờ, Loden được mời thảo luận về việc phụ nữ phải chịu áp lực như thế nào trước những rào cản ngăn cản họ thăng tiến trong sự nghiệp. Sau đó thuật ngữ này được đề cập trong một bài báo trên Wall Street Journal năm 1986, thảo luận về hệ thống phân cấp của công ty và những rào cản vô hình ngăn cản phụ nữ thăng tiến trong sự nghiệp của họ. Vào năm 2015, chính The Wall Street Journal đã đính chính rằng rằng khái niệm này có từ những năm 1970 và có thể bắt nguồn từ hai phụ nữ ở Hewlett-Packard.

Hiện nay, khái niệm Glass Ceiling đã mở rộng hơn, không chỉ về phụ nữ mà còn đối với các nhóm thiểu số trong xã hội.

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU