Những phát ngôn thù địch và phân biệt đối xử đang là vấn đề nhức nhối của thế giới nói chung và nước Nhật nói riêng.
Những phát ngôn vô cùng tiêu cực, có nguy cơ ảnh hưởng không tốt tới sự bình yên của xã hội chính là “hate speech”. Theo Ủy ban châu Âu (EC), thuật ngữ này bao gồm các hình thức phát ngôn về thù hận sắc tộc, bài ngoại, kỳ thị hay sỉ nhục, kêu gọi bạo lực, sự căm ghét vì khác biệt trong sắc tộc, tôn giáo, giới tính... Khi thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, mạng xã hội thâm nhập vào đời sống con người, “hate speech” không chỉ là lời nói mà còn là những dòng bình luận, “ném đá” công khai thậm tệ của cư dân mạng.
Lời nói tuy vô hình nhưng lại chứa lực sát thương cực kỳ lớn. Ảnh: Bloomberg
Vì vậy mỗi quốc gia đã có cách giải quyết vấn đề này dựa trên lịch sử, bối cảnh và hoàn cảnh của từng đất nước. Các nước ở châu Âu như Đức, Pháp hay một số nước phát triển khác là Canada và New Zealand đã áp dụng một hệ thống luật xử phạt những ai có phát ngôn đi quá giới hạn vì “lạm dụng” quyền tự do ngôn luận.
Nhật Bản cũng có đạo luật chống “hate speech” ban hành vào tháng 6 năm 2016. Đạo luật này thúc đẩy nỗ lực loại bỏ lời nói và hành vi phân biệt đối xử không công bằng chống lại những người có nguồn gốc từ nước ngoài đang sinh sống tại Nhật Bản. Lời nói thù hận cùng hành vi phân biệt đối xử không chỉ gây ra cảm giác lo lắng, bất an đến nạn nhân mà còn có thể vi phạm nhân phẩm, tạo ra xung đột xã hội. Đạo luật này đưa ra chủ yếu để bảo vệ Zainichi.
Ảnh: Medium
Từ
Zainichi mang nghĩa chung là chỉ công dân nước ngoài tạm trú tại Nhật Bản. Đặc biệt thuật ngữ này sử dụng chủ yếu để chỉ cư dân quốc tịch Triều Tiên hoặc Hàn Quốc thường trú, định cư tại Nhật Bản.
Vấn nạn “hate speech” với người gốc Hàn Zainichi
Theo thống kê, trong Thế chiến 2 có khoảng 634.000 nam giới Hàn Quốc đã được đưa đến Nhật Bản để làm việc tại các ngành công nghiệp hầm mỏ, xây dựng, chế tạo và máy móc. Đến năm 1945, có hơn 2 triệu người Hàn Quốc sống ở Nhật Bản.
Chiến tranh kết thúc, những người Hàn trở về quê hương, số còn lại thì quyết định an cư lập nghiệp tại nước Nhật; họ được gọi là Zainichi. Thời gian trôi đi, con cháu của những người này dần sử dụng họ tên tiếng Nhật để tránh bị chú ý hoặc phân biệt đối xử.
Ảnh: Bloomberg
Từ năm 2002, vị lãnh đạo Kim Jong Il của Triều Tiên đã nhận trách nhiệm về
vụ bắt cóc công dân Nhật Bản, từ đây làn sóng chống đối Zainichi nổi dậy mạnh mẽ. Người gốc Hàn dần trở thành cái gai trong mắt của nhiều người dân Nhật.
Zainichi nổi tiếng nhất xứ Nhật, vị tỷ phú điều hành Tập đoàn SoftBank là ông
Masayoshi Son từng chia sẻ rằng bản thân đã phải chịu các cuộc tấn công bằng lời nói và thể chất trong thời gian còn đi học. Ông tâm sự trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia vào năm 2015 là: “Nếu bạn sinh ra trong một gia đình gốc Hàn, bạn sẽ phải chịu sự phân biệt đối xử vô căn cứ”.
Tỷ phú Masayoshi Son cũng là một Zainichi.
Năm 2009, một nhóm người Nhật cực đoan đã biểu tình bên ngoài trường tiểu học Hàn Quốc, tấn công các học sinh và kêu gọi các em rời khỏi đất nước. Ông Kim Myung Soo, giáo sư xã hội học tại Đại học Kwansei Gakuin, phía Tây Osaka cho biết ngoài những phát ngôn, hành động thù địch công khai, Zainichi gốc Hàn còn bị thiệt hại về mặt kinh tế.
Nghiên cứu của ông Kim chỉ ra rằng Zainichi thường làm những công việc được trả lương thấp hơn, ít có cơ hội thăng tiến trong công việc.
"Tại Nhật, nếu bạn sinh ra trong một gia đình gốc Hàn, bạn sẽ chịu sự phân biệt đối xử vô căn cứ."
Ngăn chặn “hate speech” - vấn đề nan giải
Trước tình hình căng thẳng, gây ảnh hưởng đến xã hội cùng mối quan hệ chính trị giữa Hàn Quốc/Triều Tiên - Nhật Bản thì chính phủ xứ Phù Tang đã đưa ra đạo luật "Hate Speech Act" vào năm 2016. Đạo luật này xác định phát ngôn gây thù hận là hành động không công bằng, lạm dụng quyền tự do ngôn luận và phân biệt đối xử, chống lại những người không phải gốc Nhật.
Các cuộc biểu tình chống Triều Tiên là một lý do khiến đạo luật được thông qua, với gần 100 cuộc biểu tình như vậy chỉ trong năm 2013.
Tuy nhiên, đạo luật không xác định bất kỳ hình phạt cụ thể nào đối với những người vi phạm. Một số chuyên gia cho rằng không thể thực sự chấm dứt ngôn từ, hành vi kích động thù địch nếu không có các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ. Còn với một số người thì đạo luật phần nào đó đã góp xây dựng nhận thức và tiền lệ pháp lý, thể hiện sự quan tâm của chính quyền Nhật trong việc bảo vệ quyền lợi cho Zainichi.
Ảnh: Japan Times
Chính quyền các thành phố Tokyo, Kobe và Osaka cũng đã tổ chức tuyên truyền về đạo luật trong quần chúng nhân dân. Thành phố Kawasaki đã tiến một bước xa hơn và thực hiện luật về lời nói thù địch với các hình phạt thực tế. Điều luật quy định về mức phạt được thông qua vào năm 2020, trong đó các trường hợp liên tục vi phạm có thể bị phạt với mức phạt đến 500.000 yên.
Tuy nhiên việc áp dụng vẫn còn nhiều hạn chế và các cuộc biểu tình chống Triều Tiên/ Hàn Quốc tại địa phương này ngày càng diễn ra gay gắt hơn từ khi đạo luật được ban hành.
Ảnh: cmu.edu
Vấn nạn “hate speech” còn hoành hành dữ dội và khó kiểm soát hơn trên internet do đối tượng là người dùng ẩn danh. Các trang web và dịch vụ truyền thông xã hội cũng có chính sách riêng về ngôn từ kích động thù địch nhưng cũng bị chỉ trích là thiếu tính thực thi.
Chính sách, điều luật, quy định đề ra nhưng thực tế, pháp chế là chưa đủ mạnh để răn đe. Bên cạnh đó việc khởi kiện những người có phát ngôn thù hận thường mất thời gian, tiêu tốn nhiều công sức và tiền bạc nên nhiều nạn nhân chọn cách im lặng là vàng.
Thế nên việc ngăn chặn “hate speech” vẫn là một bài toán khó giải. Hy vọng rằng trong tương lai, không chỉ xã hội Nhật Bản mà cả thế giới sẽ có biện pháp xử lý nghiêm minh, hợp lý để mọi người sống với nhau trong hòa bình, không còn sự phân biệt, căm ghét xuất phát từ lời nói đến hành động mang tính “hate speech”.
kilala.vn