Tâm sự của một cựu TTS Việt: Khi giấc mơ hóa cơn ác mộng

Bài: Rin
Apr 6, 2022

Nguồn: Asahi

Một thực tập sinh Việt Nam mang theo ước mơ giúp gia đình thoát nghèo khi đặt chân đến nước Nhật. Nhưng chỉ sau 3 năm, anh đã bị trục xuất về nước vì phạm tội, giấc mơ về “miền đất hứa” Nhật Bản cũng theo đó mà tan thành mây khói. 

Qua tấm acrylic ở trại tạm giam, một thực tập sinh ở độ tuổi đầu 20 rối rít xin lỗi và nói: “Cuối cùng tôi cũng được trở về Việt Nam”. Người thanh niên, tạm gọi là A, khi ấy đang bị tạm giam ở Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản ở Tokyo trước khi bị trục xuất về Việt Nam.

Tờ Asahi Nhật Bản đã liên lạc và gặp mặt thực tập sinh này vào cuối tháng 10/2021 để nghe A giãi bày lý do vì sao giấc mơ đổi đời theo chương trình thực tập sinh kỹ thuật của anh lại biến thành cơn ác mộng.

Giấc mơ thoát nghèo

A sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình có bố bị bệnh nặng không thể lao động, chị gái đã rời gia đình, còn mẹ làm nghề may khăn trải giường để kiếm thu nhập, duy trì cuộc sống. 

thực tập sinh việt nam học tiếng nhật
TTS Việt Nam học tiếng Nhật ở Hà Nội để chuẩn bị sang Nhật làm việc. Ảnh: japantimes.co.jp

Dưới áp lực phải kiếm tiền nuôi cha mẹ, A đã theo học chương trình thực tập sinh kỹ thuật Nhật Bản. Đây là chương trình do Chính phủ Nhật tài trợ nhằm mục đích trang bị các kỹ năng mà TTS có thể ứng dụng sau khi từ Nhật trở về nước. 

A tin rằng học tại Nhật rồi về Việt Nam làm việc sẽ giúp mình có thể kiếm nhiều tiền ở quê nhà. Do vậy, A đã trả cho người môi giới khoản tiền 900.000 yên (khoảng 166.000.000 VND, theo tỷ giá hiện tại) để giúp anh sang Nhật, số tiền này cao hơn gấp đôi so với mức trần mà Chính phủ Việt Nam đưa ra. 

Ấn tượng về nước Nhật trong anh là một quốc gia với những tòa nhà cao tầng và nhiều loại xe ô tô tân tiến. Anh đã học tiếng Nhật và văn hóa Nhật Bản trong 6 tháng. Đến mùa xuân năm 2018, anh đã đến Nhật theo chương trình thực tập sinh kỹ thuật 3 năm. 

Thực tế liệu có như là mơ? 

Khi đến Nhật, A trở thành thực tập sinh của một công ty hàn ở tỉnh Tochigi, nơi đây được bao quanh bởi những cánh đồng, khác xa so với những gì A mường tượng về nước Nhật. 

Các đồng nghiệp người Nhật tại công ty rất tốt bụng, họ dạy A tường tận cách làm việc. Được biết, anh không phải làm thêm giờ hay làm trong ngày nghỉ, do vậy, A dành những ngày cuối tuần vui chơi thư giãn cùng các thực tập sinh khác.

Tuy nhiên, có một điều khiến A không cảm thấy hài lòng là lương mỗi tháng của mình chỉ khoảng 100.000 yên sau thuế (khoảng 18.700.000 VND). 

thực tập sinh việt nam làm công việc hàn ở nhật bản
Thực tập sinh Việt Nam làm công việc hàn ở Nhật Bản. Ảnh: we-xpats.com

Trong khi đó, chi phí sống nội trú ở ký túc xá công ty và tiền điện tổng cộng là khoảng 40.000 yên/tháng. Còn 40.000 yên, anh dùng để trả nợ nần đã vay khi sang Nhật hoặc gửi cho bố mẹ. Như vậy, anh chỉ còn lại 20.000 yên để mua thức ăn cũng như các vật dụng thiết yếu khác mỗi tháng. 

Trong một nhóm cộng đồng trên mạng xã hội của đông đảo người Việt đang sống ở Nhật, A thấy rằng các thực tập sinh khác ở khu vực Tokyo đang tận hưởng cuộc sống thành thị và có được mức lương tốt hơn. Những điều họ viết khá giống với những gì A tưởng tượng trước khi sang Nhật Bản.

Tuy vậy, anh vẫn cố gắng kiên nhẫn làm công việc hiện tại và nghĩ rằng nó chỉ kéo dài 3 năm thôi. Nhưng mọi hy vọng của A đã bị bóp nghẹt khi đại dịch COVID-19 ập tới. 

Theo kế hoạch ban đầu, A sẽ trở về Việt Nam vào tháng 03/2021, nhưng các quy định nghiêm ngặt về phòng chống COVID-19 của Chính phủ Việt Nam áp dụng cho các chuyến bay Nhật – Việt khiến cho thời gian rời Nhật Bản của A khó mà đoán trước được. 

Khi đồng tiền che mờ lý trí

Trong khoảng thời gian chờ bay về nước, A tình cờ đọc được một tin nhắn trên mạng xã hội khẳng định có một công việc dễ kiếm thu nhập cao ở Tokyo đang chờ anh. Ban đầu, A nghi ngờ đề nghị này có gì đó bất chính. Nhưng rồi anh lại nghĩ, “Sẽ tốt hơn nếu kiếm được nhiều tiền trong thời gian ngắn, dù việc đó có phạm pháp, rồi mình có thể trở về nhà bằng chính tiền bản thân kiếm được”. 

Sau đó, A đã nộp đơn ứng tuyển công việc trên qua mail và ký hợp đồng thuê một căn hộ ở Tokyo. Tháng 05/2021, anh đặt chân đến đô thị sầm uất nhất Nhật Bản vào buổi trưa và mang theo chỉ một chiếc ba lô. 

rút trộm tiền ở atm
Nam thực tập sinh Việt vì muốn kiếm nhiều tiền mà thực hiện hành vi rút trộm tiền của người khác qua thẻ ATM (hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: kbjanderson.com

Anh đã trò chuyện với một người đàn ông tự xưng là Alex bằng tiếng Nhật còn chưa trôi chảy của mình trên một ứng dụng giao tiếp ẩn danh. Tiếp đó, Alex hướng dẫn A về nội dung công việc, đó là sử dụng thẻ ATM rút tiền mặt từ tài khoản của một người Việt Nam khác. 

Vào ngày hôm sau, theo sự hướng dẫn của Alex, A tìm thấy một thẻ ATM ở tủ khóa tại ga JR Shinjuku và rút 200.000 yên từ máy ATM tại một cửa hàng tiện lợi. Anh để lại tủ 180.000 yên và lấy đi 20.000 yên tiền công theo thỏa thuận trước đó.

Hài lòng với mức tiền thưởng, nam thực tập sinh tiếp tục thực hiện hành vi phạm pháp trên nhiều lần, mỗi khi có đơn đặt hàng từ Alex. 

“Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra” 

Sau khi làm công việc phạm pháp trên được khoảng 2 tuần, nam thực tập sinh bị bắt sau khi bị cảnh sát tra hỏi gần một cửa hàng tiện lợi ở ga JR Shinjuku, Tokyo. Lúc bấy giờ, A mang trong ba lô khoảng 20 thẻ ATM của nhiều người khác nhau. 

A được cảnh sát thông tin rằng số tiền mà anh rút được là từ các nạn nhân của những kẻ lừa đảo hẹn hò quốc tế hoạt động trên mạng xã hội. 

suginami tokyo
Nơi nam thực tập sinh Việt Nam bị cảnh sát quận Suginami, Tokyo bắt. Ảnh: Asahi 

Được luật sư bào chữa gợi ý, nam thực tập sinh đã viết thư xin lỗi bằng tiếng Nhật còn khá vụng về. A cho biết, mình cảm thấy rất tội lỗi khi biết về các nạn nhân và rồi tay anh bắt đầu run lên. 

Tòa án Tokyo đã tuyên phạt A 3 năm tù giam và 5 năm tù treo. Tòa cũng đưa ra quyết định trục xuất A khỏi Nhật Bản. 

Trong cuộc phỏng vấn vời tờ Asahi vào tháng 10/2021, anh cúi đầu và nói “Konnichiwa - Xin chào” với phóng viên qua tấm arcylic của trại tạm giam ở Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản, tọa lạc tại quận Minato, Tokyo. A liên tục nhắc lại: “Tôi muốn gửi lời xin lỗi đầu tiên đến mẹ tôi khi được trở về Việt Nam. Tôi đã làm cho bà phải lo lắng nhiều”. 

tổng cục quản lý xuất nhập cảnh nhật bản
Trước khi bị trục xuất về nước, nam thực tập sinh bị tạm giam ở ổng cục Quản lý Xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản ở quận Minato, Tokyo. Ảnh: Asahi 

A hứa sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ để bù đắp tội lỗi mình gây ra: “Tôi muốn làm công việc hàn tại một công ty Nhật Bản ở Việt Nam”. Vài ngày sau đó, A đã được đưa ra sân bay trở về Việt Nam trong tháng 10/2021.

Câu chuyện của nam thực tập sinh là hồi chuông cảnh báo cho nhiều thực tập sinh Việt Nam ở Nhật Bản cần tỉnh táo trước cám dỗ của những đồng tiền bất lương.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU