Sư cô Thích Tâm Trí thành lập chùa ở Nhật để hỗ trợ thực tập sinh khó khăn

Bài: RinDec 7, 2021

Ngôi chùa Tochigi Daionji ở thành phố Nasuhiobara, tỉnh Tochigi được thành lập bởi sư cô Thích Tâm Trí vào ngày 19/11 đã trở thành chốn nương tựa cho các thực tập sinh Việt Nam rơi vào tình cảnh khốn khó vì đại dịch COVID-19. 

Vào năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn nhất tại Nhật, trong đó chiếm phần lớn là các thực tập sinh kỹ thuật. Theo Cơ quan Dịch vụ Nhập cảnh Nhật Bản, tính đến cuối tháng 12/2020, tổng cộng có 448.053 công dân Việt Nam đang sinh sống tại Nhật, cao gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2010. Do vậy, khi dịch COVID-19 ập tới, nhiều người Việt đã bị mất việc làm, rơi vào cảnh khó khăn nơi xứ người và phải đến tá túc tại các ngôi chùa, trong đó hai ngôi chùa Daionji (chùa Đại Ân) do sư cô Thích Tâm Trí thành lập đã trở thành “phao cứu sinh” cho các thực tập sinh này.

su-co-thich-tam-tri
Sư cô Thích Tâm Trí đã thành lập 2 ngôi chùa Daionji ở tỉnh Saitama và Tochigi để hỗ trợ cho đồng bào người Việt. Ảnh: news.yahoo.co.jp

Ngôi nhà dành cho đồng bào gặp khó khăn

Trước khi thành lập chùa Tochigi Daionji, sư cô Thích Tâm Trí, 43 tuổi, Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật, đã thành lập cơ sở đầu tiên tại thành phố Honji, tỉnh Saitama vào tháng 01/2018. Chùa trở thành nơi trú ẩn tạm thời, cung cấp thức ăn, chỗ ở cho người Việt sang Nhật theo diện thực tập sinh kỹ thuật nhưng không còn nơi cư trú sau khi công ty phá sản hoặc gặp phải các sự cố khác. Tiếp đó, sư cô cũng đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ cho những người Việt này được hồi hương hoặc tiếp tục làm việc ở Nhật.

Ban đầu, chỉ có khoảng 20 người Việt đến nhờ tá túc tại chùa. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 ập tới, các chuyến bay giữa Nhật Bản và Việt Nam lần lượt bị hoãn. Theo đó, số lượng người Việt gặp khó khăn, không thể về nước tìm đến chùa Daionji ở Saitama tăng đột biến. Cụ thể, ở giữa tâm dịch, con số này đã tăng gấp 3 lần với khoảng 60-70 người, nhiều nhất trong vòng 4 năm qua. Điều này làm cho ngôi chùa trở nên vô cùng chật chội, cũng như không thể tiếp tục kham nổi lượng người cư trú quá đông này.

sua-sang-nha-de-lam-chua-daionji
Sửa sang ngôi nhà cũ để dựng chùa Tochigi Daionji ở tỉnh Tochigi. Ảnh: mainichi.jp

Tình trạng quá tải của chùa Daionji tại Saitama đã đến tai ông Michio Tomita, 72 tuổi, một cư dân sống ở ngoại ô khu Kodaira, Tokyo. Ông Tomita, người đang điều hành một công ty sản xuất sơn phủ, đã đề nghị hỗ trợ cho chùa một ngôi nhà riêng thuộc sở hữu ở thành phố Nasushiobara, tỉnh Tochigi. Ông Tomita nói rằng mình đã thấy nhiều thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam làm việc chăm chỉ tại các nhà máy sản xuất thiết bị điện là khách hàng của mình. “Tôi rất xúc động khi chứng kiến những người trẻ đang nỗ lực hết sức mình cho công việc của họ ở nước ngoài. Nếu những người trẻ ấy đang trải qua thời kỳ khó khăn, tôi muốn giúp đỡ họ”, ông chia sẻ. 

Ngôi nhà 2 tầng đã không còn ai ở sau khi người chủ qua đời vào khoảng 2 năm trước. Nhà gồm một phòng rộng rãi rộng 10 chiếu Tatami (tương đương 18m2) và 6 căn phòng khác, tuy nhiên, sàn và tường đã cũ và khu vườn mọc um tùm cỏ cây xen lẫn rác. Nhưng chỉ sau 1 tháng, sư cô Tâm Trí cùng nhiều tình nguyện viên đã dọn dẹp, sửa sang để biến ngôi nhà trở thành chùa Tochigi Daionji. Vào ngày 19/11, một tấm biển ghi “Tochigi Daionji” đã được treo trước cửa, sau nghi lễ cúng thành lập chùa, ngôi chùa chính thức đi vào hoạt động và trở thành nơi cư trú cho đồng bào Việt gặp khó khăn. 

chua-daionji-tinh-tochigi
Nghi lễ mở cửa chùa Tochigi Daionji tại tỉnh Tochigi. Ảnh: mainichi.jp

Chia sẻ về ngôi chùa mới được thành lập, thực tập sinh Hồ Văn Kha (?), 27 tuổi cho biết: “Vẫn còn rất nhiều người Nhật tốt bụng. Tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm khi đã tìm được một chỗ ở, nơi người Việt có thể sống cùng và giúp đỡ lẫn nhau”. Được biết, anh Kha từng là thực tập sinh tại một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô ở thành phố Toyota, tỉnh Aichi sau khi sang Nhật vào tháng 06/2018. Tuy nhiên, vì dịch COVID-19, anh đã mất việc làm sau đó. Vào mùa hè năm 2020, anh đã tìm đến chùa Daionji ở tỉnh Saitama để nương nhờ trong những ngày tháng khó khăn. Hiện tại, anh đã kiếm được việc và đang công tác tại tỉnh Gunma.

Sư cô Thích Tâm Trí: sưởi ấm tấm lòng người Việt xa xứ

Sư cô Thích Tâm Trí sinh ra trong một gia đình đơn thân chỉ có mẹ ở vùng quê và bắt đầu con đường tu hành khi chỉ mới 7 tuổi. Bà đã học tiếng Nhật tại một trường Đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, sau đó sang Nhật vào năm 2001 để tiếp tục nghiên cứu về Phật giáo. Vào tháng 03/2011, khi thảm họa động đất sóng thần diễn ra tại Nhật, sư cô khi ấy đang theo học để lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Taisho, đã cố gắng giúp đỡ người Nhật lẫn người Việt tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai. 

su-co-thich-tam-tri-2
Sư cô Thích Tâm Trí thắp hương cho những người Việt xấu sổ tử nạn ở Nhật đang được thờ cúng ở chùa Nisshinkutsu, Tokyo. Ảnh: reuters.com

Kể từ sau thảm họa động đất sóng thần, bà bắt đầu công việc hỗ trợ chỗ ở cho những người Việt gặp khó khăn tại Nhật. Sư cô cũng trở thành cầu nối với Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật để mang thi thể người Việt tử nạn tại đây về nước, liên hệ với thân nhân của nạn nhân và tham gia vào nghi lễ mai táng.

Chia sẻ về ngôi chùa mới được thành lập, sư cô Thích Tâm Trí cho biết: “Ngày càng nhiều người Việt ở Nhật gặp khó khăn vì không còn nơi nào để ở. Tôi hy vọng chùa có thể hỗ trợ họ với tư cách là một địa điểm tâm linh”. Nhìn vào tấm bảng ngôi chùa mới, sư cô tâm sự: “Có thể còn nhiều người Việt khác cũng đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Với những người như vậy, dù có lâm vào đường cùng, tôi hy vọng họ có thể đến chùa, xem chùa như ngôi nhà để trở về”.

Với những nghĩa cử cao đẹp, đầy lòng nhân ái, sư cô Tâm Trí và những người Nhật tốt bụng chính là niềm an ủi cho đồng bào Việt Nam đang gặp khó khăn và cần một bàn tay giúp đỡ. 

kilala.vn 

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU