Nơi chữa lành những người nghiện rượu sau mất mát của thảm họa Tohoku
Nguồn: Kyodo NewsSep 20, 2022
Địa điểm này đã hoạt động được gần 1 thập kỷ, là nơi lui tới thường xuyên của những người đàn ông trung niên đã mất đi người thân sau trận động đất và sóng thần Tohoku năm 2011, phần nhiều trong số họ đã mắc chứng nghiện rượu.
Sự kiện diễn ra thường xuyên vào chủ nhật thứ hai của mỗi tháng có tên là "Ojikoro" được bắt đầu từ tháng 06/2013 tại một căn phòng trên tầng một của tòa nhà phía trước ga Ishinomaki của Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản. Những người tham gia đa phần là đàn ông, sống một mình và phụ thuộc vào rượu vì đã mất người thân tại trận động đất và sóng thần năm 2011.
Chính vì thế, họ tụ tập để giải tỏa nỗi cô đơn và tuyệt vọng bằng cách giao tiếp cùng với người khác khi chơi các trò chơi, chẳng hạn như Shogi (cờ tướng Nhật Bản) hay mạt chược. Nấu nướng, dùng bữa, tham gia các hoạt động khác: ngắm hoa anh đào và câu cá, cũng là những thú vui của họ.
Vào thời gian cao điểm của đại dịch, để tuân thủ luật lệ cũng như bảo vệ sức khỏe cho mọi người, các buổi tụ họp được chia thành sáng và tối, với mỗi nhóm khoảng 30 người, với thời gian tối đa là 2 giờ.
Theo phân tích dữ liệu do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi công bố cho thấy kể từ sau thảm họa, số lượng người tìm kiếm lời khuyên từ việc nghiện rượu từ các trung tâm phúc lợi sức khỏe tâm thần ở Iwate, Miyagi và Fukushima đã tăng mạnh.
Bác sĩ tâm thần Keizo Hara, 73 tuổi, người đứng đầu Mạng lưới chăm sóc Shinsai Kokoro Miyagi, cho biết, vấn đề uống rượu đã gia tăng ở những người mất người thân hoặc mất việc làm do hậu quả của thảm họa.
Những người tham gia vào sự kiện là những người hiếm khi nói về những đau thương của thảm họa, một dấu hiệu cho thấy đàn ông có xu hướng giữ cảm xúc của họ bị dồn nén. “So với phụ nữ, đàn ông trung niên và lớn tuổi có xu hướng không tìm kiếm sự giúp đỡ về tinh thần. Chính vì thế những buổi gặp gỡ này giúp họ làm quen với nhiều người, mở lòng và hướng đến việc điều trị tinh thần”, bác sĩ Hara cho biết thêm.
Những người tham gia phải cam kết "không uống rượu, đánh bạc hoặc gây rắc rối cho người khác" trong các sự kiện. Nhưng họ không bị cấm uống rượu hoàn toàn, vì việc tụ tập nhằm mục đích giúp họ nhận ra sự cần thiết phải kiểm soát thói quen của mình thông qua các cuộc trò chuyện và hoạt động với người khác. Nên họ chỉ được khuyên là hạn chế uống rượu trong thời gian này.
Nhưng cũng có những người tham gia dù cho họ không nghiện rượu, ông Kazuya Shizukuishi, 70 tuổi là một ví dụ điển hình. Ông đã mất vợ, hai con gái và bố vợ trong thảm họa. Việc tham gia sự kiện để tránh sự “đau đớn khi sống một mình tại căn phòng ở khu nhà công cộng dành cho nạn nhân thiên tai", “Thật vui khi tôi được trò chuyện với mọi người ở đây”, ông chia sẻ.
"Nhưng có những người vẫn không thể ngừng uống rượu mặc dù họ đã cố gắng. Chúng tôi tiếp tục các hoạt động của mình, hy vọng sẽ giúp những người tham gia có thể nguôi ngoai phần nào cơn đau của họ", cố vấn Nobuyasu Takayanagi, 48 tuổi, cho biết.
kilala.vn