Nỗ lực giải cứu đại dương khỏi rác thải ở Thành phố Nishinomiya
Bài: Happy
Sep 11, 2022
Nguồn: Zenbird
Trong nỗ lực giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa trên đại dương,“Ethical & SEA”, cửa hàng chuyên sản phẩm hữu cơ do Flag Co., Ltd. và Select Co., Ltd. điều hành, đã quyết định lắp đặt “Seabin” (thiết bị thu gom rác thải trên biển) đầu tiên tại Windward Ocean Club, thành phố Nishinomiya.
Nishinomiya thuộc tỉnh Hyogo là thành phố đầu tiên ở Nhật Bản thực hiện dự án “Environmental Learning City” (Thành phố Học tập về Môi trường) và sẽ kỷ niệm 20 năm tiến hành dự án này vào năm tới.
Chính quyền thành phố Nishinomiya đã tích cực thúc đẩy giáo dục môi trường bằng cách dạy trẻ em về tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học cũng như việc dùng túi có thể tái sử dụng thay vì túi ni lông.
Vừa qua, thành phố cũng đã tổ chức một buổi lễ để kỷ niệm thành quả của dự án huy động vốn cộng đồng nhằm mục đích lắp đặt các Seabin, và củng cố cam kết của thành phố trong việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa trên đại dương.
Seabin có thể hớt được rác, vi nhựa thậm chí cả dầu
Seabin là một thùng rác trên biển hoạt động giống như một thiết bị lọc bể cá, có thể thu gom khoảng 3,9kg rác mỗi ngày và 1,4 tấn mỗi năm.
Điều làm cho thiết bị này trở nên đặc biệt là nó có khả năng lọc, hớt không chỉ rác thải nhựa mà còn cả vi nhựa có kích thước nhỏ đến 2mm, cùng những vệt dầu loang trên bề mặt và các chất thải gây ô nhiễm khác.
Seabin được cho là bền vững vì chi phí vận hành của mỗi chiếc chỉ vào khoảng 3 đô la một ngày và bản thân chúng cũng được làm từ vật liệu có thể tái chế.
Thiết bị thu gom rác thải tuyệt vời này được phát minh tại Úc vào năm 2014. Hiện tại có 860 chiếc Seabin đang thực hiện công việc thu gom rác trên biển mỗi ngày ở 39 quốc gia và khu vực từ Châu Á đến Châu Âu.
Môi trường thích hợp nhất để lắp đặt Seabin là những vùng nước lặng như bến du thuyền, câu lạc bộ du thuyền và bến cảng.
Đến năm 2050, khối lượng rác thải nhựa sẽ lấn át cá trên đại dương
Theo UNESCO, mỗi năm đại dương phải tiếp nhận 8 đến 10 triệu tấn rác thải nhựa. Số lượng chế phẩm nhựa được sản xuất trong mười năm qua nhiều hơn so với cả thế kỷ trước cộng lại, người ta dự đoán rằng đến năm 2050, tổng khối lượng này có thể sẽ nhiều hơn tất cả các loài cá trên đại dương.
Mặc dù thường xuyên được ca ngợi về tỷ lệ tái chế nhựa lên tới hơn 85% nhưng theo số liệu năm 2022, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về xả rác thải nhựa ra môi trường. Vì vậy quốc gia này đang từng bước nỗ lực tiến tới giảm thiểu chất thải nhựa bằng cách yêu cầu các cửa hàng thu phí đối với túi ni lông và buộc các doanh nghiệp Nhật Bản giảm sử dụng một số loại đồ nhựa như dụng cụ ăn uống, ống hút và đồ dùng một lần ở phòng ngủ khách sạn.
Tuy nhiên, hiện nay ở Nhật Bản có rất ít sáng kiến đáng chú ý về việc thu gom chất thải đã thoát ra đại dương như dự án Seabin. Và chính dự án cũng chưa được biết đến rộng rãi, cũng như số lượng Seabin được lắp đặt ở Nhật Bản vẫn còn ít so với các quốc gia khác.
Một tín hiệu đáng mừng là những người tiên phong cải cách - từ các sinh viên đại học đến các công ty lớn ở Nhật Bản, đã lắp đặt các thiết bị Seabin tại các vịnh như Công viên Uraga Boat (thành phố Yokosuka, tỉnh Kanagawa), Công Viên biển Hakkeijima Sea Paradise (thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa) và Bến du thuyền Yumenoshima (phường Koto, Tokyo).
Trách nhiệm của Nhật Bản – quốc đảo bốn bề là biển
Seabin được ra đời từ ý tưởng: "Nếu chúng ta đã có thùng rác trên đất liền, thì tại sao lại không lắp đặt chúng ở đại dương?"
Nhật Bản được mệnh danh là một trong những quốc gia sạch nhất thế giới bởi người dân hiếm khi xả rác ra đường mà có thói quen vứt rác vào thùng hoặc mang rác về nhà. Vậy nếu có thể xử lí rác thải trên đất liền, thì tại sao không thể làm điều tương tự đối với đại dương?
Việc lắp đặt các thiết bị Seabin không chỉ để làm sạch đại dương mà còn nâng cao nhận thức của mỗi con người nói riêng và mỗi quốc gia nói chung về nỗ lực hành động để bảo vệ môi trường biển.
Là một quốc đảo với bốn bề bao quanh bởi biển cả, Nhật Bản cảm thấy có trách nhiệm đặc biệt đối với việc gìn giữ môi trường biển luôn trong lành và tươi đẹp.
Xem thêm: 7 ứng dụng của Nhật giúp bạn có lối sống “xanh” hơn
kilala.vn
Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào năm 2015 như một lời kêu gọi hành động để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên (LHQ). SDGs được thiết kế để chấm dứt nghèo đói, AIDS và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Các SDGs dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. Bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu.