Những người đánh giày cuối cùng trên đường phố Nhật Bản

Bài: NatsumeDec 5, 2022

Hình ảnh những người đánh giày dạo đang dần biến mất ở những đô thị lớn của Nhật Bản, họ chính là những nhân chứng cho sự phát triển, đổi thay của quốc gia này.

Những người sống với hơi thở lịch sử

Sửa chữa một đôi giày da cũ chất lượng cao và đắt tiền để chúng trông như mới cần phải có tay nghề cao cùng kinh nghiệm dày dặn tương tự như khôi phục những bức tranh nổi tiếng. Vì vậy, nếu để ý kỹ các cửa hàng sửa chữa giày da trên đường phố Nhật Bản, bạn sẽ thấy cửa hàng này được trang trí nghệ thuật hơn cửa hàng còn lại. 

Nhưng song song với việc phát triển những cửa hàng đánh giày, việc đánh giày và sửa giày đã thay đổi, ngày càng trở nên chuyên biệt hơn và kỹ thuật ngày càng cao hơn, thì lại ngày càng hiếm thấy sự xuất hiện của những người đánh giày dạo trên phố. 

người đánh giày

Hình ảnh những người thợ đánh giày trên đường phố Nhật ngày càng hiếm hoi.

Bây giờ trong 23 phường của Tokyo, chỉ còn khoảng năm người đánh giày trên phố. Họ không có giấy phép hoạt động nhưng sự tồn tại của họ như một nhân chứng của lịch sử thành phố. Cảnh sát và thậm chí những chủ của các ngôi nhà tại vỉa hè nơi họ ngồi đánh giày cũng không can thiệp hay cấm cản công việc của họ. Năm năm trước, bản tin buổi sáng của NHK đã đưa tin về "những người đánh giày cuối cùng" ở thủ đô Tokyo.

Sachiko Nakamura là một trong năm người này, khi xuất hiện trên chương trình của NHK, bà đã 85 tuổi và có 45 năm kinh nghiệm trong nghề. Hàng ngày, từ khoảng 10 giờ sáng đến khoảng 19 giờ tối, bà xuất hiện đúng giờ trên lề đường gần Shimbashi, Tokyo trong nhiều thập kỷ và ngồi đánh giày cho những khách có nhu cầu với chi phí khoảng 500 yên cho một đôi giày. 

Sachiko Nakamura

Bà Sachiko Nakamura cùng đôi bàn tay đen nhẻm vì xi đánh giày. Ảnh: 517 Japan

Bà Sachiko sở hữu kỹ thuật đánh giày riêng biệt đó là không bao giờ sử dụng bàn chải mà dùng ngón tay đánh xi trực tiếp lên giày. Bà tin rằng chỉ có cách này mới có thể cảm nhận hết chất liệu của giày da, đồng thời lượng xi đánh giày có thể được phân bổ hợp lý và đồng đều hơn.

Gần nửa thế kỷ đánh giày đã khiến đôi bàn tay của Sachiko đen nhẻm, không thể rửa sạch được nữa, nhưng chính đôi bàn tay này đã giúp người góa phụ ấy nuôi dưỡng năm người con cho đến lúc trưởng thành. 

Hay câu chuyện thú vị của một người đàn ông tự gọi mình là Kenji Pablo. Sự có mặt của ông đã trở nên quen thuộc với những người dân khu vực gần ga JR Tokyo trong nửa thế kỷ. Ông phục vụ khoảng 20 khách hàng mỗi ngày và làm việc khoảng 200 ngày một năm, nghĩa là ông đã đánh giày cho tổng cộng 200.000 người. Trong số này, khoảng 80% là khách quen. Điểm chung giữa họ đều là những người thành công trong cuộc sống, theo nhận định của ông Pablo “Giày thu hút ít sự chú ý hơn quần áo. Vì vậy, những người để ý đến đôi giày của họ thường chú trọng đến công việc và cả những người xung quanh”. 

Ông Kenji

Ông Kenji Pablo đánh giày trước ga JR Tokyo ở phường Chiyoda, Tokyo. Ảnh: Asahi

Một ngày làm việc của ông bắt đầu với việc xếp một dãy ghế thành hàng ở gần cổng bắc Marunouchi và trải 8 loại xi đánh giày khác nhau. Hàng ngày, ngồi đánh giày cho mọi người cũng là thời gian để ông Pablo lắng nghe sự thay đổi của “bước chân thủ đô” từ thế chiến thứ hai cho đến nay.

Như những bước chân vui vẻ và đầy năng lượng vào những năm 1980, xen lẫn sự hào hứng, chào mời nhau đến uống rượu ở Ginza và đi trượt tuyết vào cuối tuần. Hay bước chân cùng đôi mắt u sầu sau cuộc suy thoái kinh tế đầu những năm 1990 cũng như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào cuối những năm 2000.

cửa hàng đánh giày hiện đại

Cửa hàng đánh giày hiện đại của Keiichiro Kumada ở Tomigaya. Ảnh: Tokyo Weekender

Tuy nhiên, với việc Tokyo ngày càng được trải nhựa và tràn ngập các trung tâm mua sắm dưới lòng đất từ khoảng 30 năm trước, ngày càng ít người bị bẩn giày sau khi trời mưa. Mặt khác, ngày càng có nhiều người đi làm mang giày thể thao trong 10 năm qua. Pablo cho biết ông cảm thấy nuối tiếc khi nhớ lại những ngày mà người ta thường đi giày da đi làm.

Đánh giày – Một thời kỳ huy hoàng

Năm 1955 đánh dấu đúng một thập kỷ kể từ khi Chiến tranh Thái Bình Dương kết thúc. Công việc tái thiết quy mô lớn diễn ra sôi nổi trên khắp Nhật Bản và hầu hết các hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu đều có thể tích lũy được “ba báu vật thiêng liêng”: tủ lạnh, máy giặt và tivi đen trắng.

đánh giày

Thuở xưa, đánh giày là một nghề có thể nuôi sống cả gia đình.

Tuy nhiên, có rất nhiều người trên khắp đất nước vẫn đang phải vật lộn trong nghèo đói, và cũng chính trong thời kỳ này, những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn đã biến nghề đánh giày trở thành một nghề quen thuộc ở các góc phố đô thị. Họ làm việc để phụ giúp tài chính cho gia đình. Địa điểm hoạt động của họ là ở phía trước nhà ga và dưới gầm cầu để đánh bóng giày cho những người đi làm và những người vui chơi buổi tối. 

Không chỉ là dịch vụ làm mới giày da, đối với nhiều người, những cuộc trao đổi sôi nổi với những cậu bé đánh giày hay những người bán hàng rong lớn tuổi là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

shoeshine

Poster phim "Shoeshine Boy". Ảnh: IMDb

Công việc này quen thuộc đến nỗi nhà văn Jiro Asada đã dựa trên bài hát "Shoeshine Boy" nổi tiếng thời Showa thành tác phẩm truyện ngắn, sau này cũng được dựng thành bộ phim cùng tên.

Lụi tàn

Năm tháng trôi qua, cuộc sống của người dân Nhật Bản ngày càng trở nên dễ dàng hơn, phần lớn nhờ vào tốc độ cơ giới hóa ngày càng tăng. Và khi sự phát triển kinh tế và xã hội trở nên rõ ràng trên toàn quốc thì sự tương tác giữa con người với nhau trở nên mỏng manh hơn.

Ví dụ, thời ấy tại Đường sắt Quốc gia Nhật Bản, vẫn được gọi một cách trìu mến là Kokutetsu, nhiều nhà ga chưa lắp đặt thanh chắn vé tự động và vé vẫn được soát bởi nhân viên nhà ga. Mặc dù cuộc trao đổi chỉ kéo dài vài giây, nhưng những hành động giao tiếp nhỏ như vậy giữa hành khách và nhân viên vẫn được lặp đi lặp lại nhiều lần mỗi ngày như một thói quen.

trò chuyện

Không chỉ chờ được làm mới giày, mà việc trò chuyện cùng những người thợ đánh giày là niềm vui của nhiều người.

Nhưng khi sự xâm lấn của máy móc vào mọi mặt của cuộc sống ngày càng gia tăng. Hệ thống cổng tự động bắt đầu xuất hiện tại các nhà ga. Và theo cách tương tự, những người đánh giày cũng dần biến mất, nhường chỗ cho hệ thống quầy sửa giày nhanh chóng, tiện lợi như Mister Minit. Hơn nữa, các sản phẩm mới như sáp khô nhanh giúp mọi người đánh bóng giày dép của mình nhanh chóng và dễ dàng ngay tại nhà.

đánh giày

Thế giới ngày càng trở nên thoải mái hơn và cơ hội tương tác trực tiếp giữa các bên ngày càng ít đi. Trong khi đó, số lượng người Nhật bị cô lập xã hội tăng đều đặn. Nhưng trong một nỗ lực để chống lại cảm giác cô đơn chung của họ, mọi người lại bắt đầu tìm kiếm sự tương tác với nhau.

Do đó, gần đây, đặc biệt là ở Tokyo, các quầy đánh giày ở góc phố đang bắt đầu quay trở lại, thường là gần các nhà ga. Có vẻ như một số người cảm thấy rằng vào cuối một ngày vất vả, trao đổi qua một cuộc nói chuyện nhỏ với “Oyaji - 親父” (quý ông lớn tuổi) trong khi làm sạch giày là một cách tuyệt vời để giảm bớt căng thẳng.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU