Những kiểu quấy rối thường gặp tại Nhật

Bài: NatsumeOct 13, 2021

Quấy rối tình dục, quấy rối quyền lực… là những kiểu quấy rối mà bạn có thể gặp trong công việc và đời sống hàng ngày. Xác định đúng vấn đề mình gặp phải là cách để bảo vệ bản thân khi đối mặt với những tình huống trên.

Quấy rối trong tiếng Nhật được gọi là "ハラ - Hara", viết tắt của chữ "ハラスメント - harassment" trong tiếng Anh, chỉ những hành động, lời nói nhằm vào người khác, khiến đối phương cảm thấy khó chịu, bị tấn công, đe dọa hay sỉ nhục. Quấy rối có thể xảy ra ở nhiều nơi, từ công sở đến trường học, thậm chí cả hộ gia đình. Không quan trọng ý định của kẻ quấy rối là gì, nếu người nhận hành động hoặc lời nói của họ cảm thấy không thoải mái thì điều đó được cấu thành hành vi quấy rối. Điều quan trọng là phải hiểu đầy đủ khái niệm Hara thực sự là gì, kẻo chính bạn lại đang là nạn nhân hoặc thậm chí vô tình trở thành kẻ quấy rối.

quấy rối

Quấy rối trong tiếng Nhật gọi là "ハラ - Hara". Ảnh: tsunagulocal

Trong những năm gần đây, các tổ chức chính phủ như Cục Lao động Tỉnh, nơi tham vấn cho những người gặp hành vi quấy rối tại nơi làm việc đã chứng kiến ngày càng nhiều người đến tìm kiếm sự giúp đỡ. Trong năm 2007, họ đã giải quyết 28.300 đơn khiếu nại loại này và con số tăng lên 87.500 trường hợp vào năm 2019, cho thấy tình trạng quấy rối vẫn tiếp tục tồn tại trong xã hội Nhật Bản. Thiệt hại do quấy rối tại nơi làm việc có thể gây ra rối loạn tinh thần, dù nạn nhân có được bồi thường hay không thì những sang chấn tâm lý vẫn sẽ ám ảnh họ về sau.

Pawahara (パワハラ) – Quấy rối quyền lực

Quấy rối quyền lực là khi một người có địa vị tại công ty sử dụng quyền lực của họ để bắt nạt cấp dưới, gây ra những đau đớn về tâm lý hoặc thể chất. Đây là kiểu quấy rối phổ biến nhất mà bạn sẽ thấy ở các công ty Nhật Bản. Ví dụ về hành vi quấy rối quyền lực bao gồm la mắng nhân viên, ném đồ đạc vào người họ, giao cho họ khối lượng công việc không hợp lý, xâm phạm quyền riêng tư của nhân viên… Về mặt pháp lý, hình thức này bị cấm, nhưng khó có thể kiểm soát được sự việc vì thường sẽ diễn ra dưới hình thức đơn lẻ và núp bóng dưới cái mác “công việc”.
quấy rối
Các công ty ở Nhật hay có kiểu quấy rối quyền lực. Ảnh: tsunagulocal

Sekuhara (セクハラ) – Quấy rối tình dục

Đây có lẽ là hình thức phổ biến nhất và dễ dàng gặp phải ở bất cứ đâu. Sekuhara không chỉ là đụng chạm cơ thể, chụp ảnh một người nào đó bất hợp pháp, mà còn gồm việc dùng lời lẽ gợi dục hoặc chê bai bộ phận cơ thể của họ… Chikan cũng được quy vào hình thức quấy rối tình dục và nó phổ biến đến nỗi nhiều chuyến tàu phải có khoang dành riêng cho phụ nữ. 
quấy rối
Sekuhara là hình thức quấy rối tình dục và cả chê bai bộ phận cơ thể. Ảnh: Pixta
Sekuhara cũng có thể dẫn đến "セカハラ - Sekahara" (secondary harassment), nghĩa là hình thức nạn nhân bị đổ lỗi hoặc chỉ trích vì đã báo cáo quấy rối tình dục.

Matahara (マタハラ) – Quấy rối thai sản

Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên về kiểu quấy rối này nhưng thực tế đây cũng là một hình thức bạn có thể từng chứng kiến, như bắt nạt một người đang nghỉ thai sản bằng những lời nói: “Chúng tôi quá bận nên bạn không thể đi nghỉ được”, “Đừng trở thành gánh nặng cho công ty” hoặc cách chức họ. Ở một quốc gia nổi tiếng với tỷ lệ sinh thấp như Nhật Bản, phụ nữ thường được khuyến khích đi làm hoặc sinh con, nhưng không phải cả hai. Chính vì thế, việc một người có thai trong khi đi làm sẽ thường bị phản ứng một cách tiêu cực. 
quấy rối
Phụ nữ mang thai ở Nhật thường hay bị quấy rối thai sản bởi những lời lẽ khó nghe khi không làm việc. Ảnh: tsunagulocal

Aruhara (アルハラ) – Quấy rối rượu

Nếu bạn là dân văn phòng thì chắc chắn đã ít nhất một lần tham gia những buổi ăn uống, giao lưu sau giờ làm việc. Ở Nhật Bản, những buổi tiệc như thế này trở thành nét văn hóa đặc trưng của giới văn phòng và họ gọi đó là “Nomikai”. Văn hóa ấy đôi khi đi kèm những hệ lụy như việc “Quấy rối rượu”, là lúc bị áp lực phải uống, thường là quá mức, và thậm chí đến mức say không tỉnh táo. Trong kiểu quấy rối này, rất khó để từ chối vì đối phương có thể là đối tác hoặc sếp. Không chỉ đối với Nomikai mà bất kì trường hợp nào ép người khác uống đồ có cồn quá mức cùng được coi là Aruhara.
quấy rối
Người Nhật Bản hay bị quấy rối rượu trong các bữa tiệc của công ty. Ảnh: SavyTokyo

Morahara (モラハラ) – Quấy rối tinh thần

Quấy rối tinh thần hay còn gọi là lăng mạ, bao gồm các hành vi như nói xấu ai đó hoặc phớt lờ họ. Nó tương tự như quấy rối quyền lực, nhưng hành vi quấy rối này sẽ thường diễn ra ở những người đồng cấp. Chính vì thế cách làm này thường âm thầm hơn, chẳng hạn loại trừ một người khỏi một bữa tiệc hoặc châm chọc họ trong thời gian dài. 
quấy rối
Quấy rối tinh thần là hành vi nói xấu hoặc phớt lờ 1 ai đó. Ảnh: tsunagulocal

Yamehara (ヤメハラ) – Quấy rối bỏ việc

Dù bạn có vui vẻ hay khó khăn khi làm việc tại công ty, đến một thời điểm nào đó, chuyển việc sẽ là điều cần thiết. Tuy nhiên, đôi khi công ty lại không nghĩ vậy và họ sẽ có những hành động trừng phạt vì bạn đã nghỉ việc, gọi là Yamehara, ghép từ "やめる – Yameru" (nghỉ việc) và "ハラ – Hara" (quấy rối). Kiểu quấy rối này có thể là những hành động hoặc lời nói khiến bạn cảm thấy tội lỗi khi xin nghỉ việc, hoặc phải làm thêm nhiều công việc hơn cho đến ngày cuối cùng ở công ty.
quấy rối
Quấy rối bỏ việc là hành động các công ty hay tạo cảm giác tội lỗi với nhân viên khi có ý định nghỉ việc. Ảnh: tsunagulocal

Theo JapanToday, hiện nay, với tình trạng thiếu lao động trầm trọng, nhiều công ty đang hạn chế tình trạng nhân sự nghỉ việc, một hoạt động được xem là Yamehara. Họ đã tiến hành phỏng vấn những người từng gặp phải tình huống trên.

"Khi tôi gửi đơn từ chức của mình đến công ty, nó không được chấp nhận vì những lý do như 'Kích thước ký tự bạn viết quá lớn' hoặc 'Vị trí của dấu câu ở cuối dòng hơi lạ' và đủ thứ lý do khác”, một người làm công việc quan hệ công chúng chia sẻ.

Một thanh niên 24 tuổi làm việc cho một công ty xây dựng đã bị cấp trên chỉ trích, người này nói: "Chà! Bạn đang rời bỏ công việc, mặc dù bạn biết rằng chúng tôi đang đối mặt với tình trạng thiếu công nhân”, điều này dễ dàng làm người nghe cảm thấy tội lỗi vì đã bỏ công ty trong lúc cần thiết nhất.

Cách đối phó với hành vi quấy rối

Nếu bạn trở thành nạn nhân của hành vi quấy rối, hãy nhớ rằng mình không đơn độc và có những người để bạn có thể tham khảo ý kiến. Trước tiên, hãy xác định xem bạn đã chịu hành vi quấy rối nào. Xác định rõ vấn đề là cách dễ dàng để ngăn chặn tình trạng này tái diễn. Có thể tham khảo ý kiến của đồng nghiệp/ cấp trên, người mà bạn thật sự tin tưởng, tuy nhiên nếu gặp phải Pawahara hay Morahara thì điều này cũng khó thực hiện được.

Có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia về quấy rối tại Phòng Lao động địa phương hoặc Văn phòng Thanh tra Tiêu chuẩn Lao động, nơi cung cấp các dịch vụ tư vấn miễn phí.

Ngoài ra, để chống lại nạn quấy rối tại nơi làm việc, vào ngày 01/06/2020, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Đạo luật xúc tiến toàn diện các biện pháp lao động sửa đổi (Luật phòng chống quấy rối quyền lực) quy định các biện pháp ngăn chặn quấy rối quyền lực đối với các tập đoàn lớn. Từ ngày 01/04/2022, luật cũng sẽ được áp dụng cho các công ty có quy mô vừa và nhỏ.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU