Nhiều thanh niên Nhật muốn trở thành bác sĩ pháp y nhờ xem phim
Bài: Rin
Nov 28, 2022
Nguồn: Kyodo
Ảnh bìa: Fuji TV
Những bộ phim truyền hình Nhật Bản khai thác chủ đề pháp y đang trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người trẻ trên khắp nước Nhật theo đuổi ngành nghề "gây ám ảnh" này, với đam mê làm sáng tỏ bí ẩn đằng sau các trường hợp tử vong đáng ngờ. Trước xu hướng trên, các bác sĩ pháp y lâu năm vô cùng hào hứng và
cho rằng đây là một dấu hiệu tươi sáng cho tương lai của ngành.
Trong một khoảng thời gian dài, khám nghiệm tử thi được xếp vào nhóm nghề “3K”, bao gồm “きつい – Kitsui – Hà khắc”, “臭い – Kusai – Hôi thối” và “危険 – Kiken – Nguy hiểm”. Mặc dù nghề pháp y đã dần trở nên phổ biến hơn, vị trí công việc toàn thời gian vẫn còn khan hiếm, việc làm cho các nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ vẫn khá gian nan.
Mamiko Fukuta, 36 tuổi, Giáo sư trợ lý tại Khoa Pháp y của Đại học thành phố Nagoya chia sẻ: “Tôi thấy rằng công việc của mình rất đáng để cống hiến vì nó cần thiết cho xã hội. Vẫn luôn có những khám phá mới dù tôi có làm trong nghề bao nhiêu năm đi nữa”.
Fukuta cho biết bản thân biết đến nghề pháp y nhờ xem loạt phim truyền hình "Twinkle" (Kirakira Hikaru) phát sóng lại trên đài Fuji TV vào năm 1998 với nội dung về công việc của những nữ pháp y. Việc cố gắng thu thập các manh mối từ tử thi đã truyền cảm hứng mãnh liệt để Fukuta theo đuổi nghề.
Kể từ khi trở thành Giáo sư trợ lý vào năm 2018, Fukuta đã thực hiện khám nghiệm trên 200 tử thi. Cô nhận ra công việc của mình có giá trị từ vụ việc của một nạn nhân bị nghi qua đời do tai nạn nhưng hóa ra lại do sát hại.
Hơn nữa, nghề bác sĩ pháp y cũng ít ảnh hưởng cuộc sống riêng của một người mẹ như cô, nên so với bác sĩ lâm sàng thường xuyên nhận các cuộc gọi vào ban đêm, nghề này hấp dẫn hơn nhiều.
Theo Hiệp hội Pháp y Xã hội Nhật Bản (Japanese Society of Legal Medicine), số lượng nghiên cứu sinh mong muốn trở thành bác sĩ pháp y đã tăng từ 68 người trong năm tài chính 2016 lên hơn 100 người vào năm tài chính 2020.
Mặc dù một thành viên của Hiệp hội cũng không rõ lý do cho sự gia tăng trên, nhưng dường như nó khá trùng hợp với thời điểm nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng về pháp y được phát sóng như "Unnatural” (2018) trên đài TBS và “Kansatsui Asagao” (tạm dịch: "Asagao: Bác sĩ pháp y", 2019) trên đài Fuji TV.
Yasuhiro Aoki, Giáo sư tại Phòng Pháp y của Đại học thành phố Nagoya giải thích: “Công chúng từ lâu đã rất ít quan tâm đến lĩnh vực pháp y, nhưng mong muốn tìm hiểu về nghề này đã tăng lên nhờ những bộ phim trên”.
Himeko Kubota, 28 tuổi vừa bắt đầu hành trình tại Phòng pháp y tại Đại học Chiba cũng đã say mê nghề này sau khi xem những bộ phim tương tự: “Đó thật sự là một lĩnh vực rất hấp dẫn bởi kết quả nghiên cứu có thể giúp gỡ nút thắt trong các vụ án”.
Tuy nhiên, các Giáo sư pháp y toàn thời gian ở trường Đại học thường được đảm nhận bởi bác sĩ cao cấp (senior doctor) nên triển vọng làm việc ở đây của những người khác sau khi hoàn thành chương trình học Tiến sĩ là khá ảm đạm.
Bản thân Kubota cũng thừa nhận cô lo lắng cho tương lai của mình: “Tôi tự hỏi mình sẽ chọn đi con đường nào trong nghề”.
Trên 47 tỉnh thành ở Nhật, chỉ có khoảng 17 bác sĩ pháp y toàn thời gian vào tháng 5/2020. Đối mặt với vấn đề thiếu hụt, Chính phủ Nhật đã thông qua kế hoạch tăng nguồn nhân lực trong lĩnh vực pháp y tại cuộc họp Nội các vào năm ngoái. Tuy nhiên, kế hoạch không đề cập đến việc tăng số lượng nhân sự trong ngành pháp y mà mọi quyết định cụ thể sẽ tùy thuộc vào từng tỉnh thành và trường Đại học.
Hirotaro Iwase, Giáo sư tại Đại học Chiba chia sẻ: “Mặc dù ngày càng nhiều nghiên cứu sinh muốn trở thành bác sĩ pháp y nhưng chúng tôi cũng có phần e ngại khi chào đón họ bởi số lượng việc làm khá hạn chế. Tôi hy vọng rằng phim truyền hình sẽ giúp công chúng quan tâm nhiều hơn đến nghề pháp y, từ đó thúc đẩy chính quyền thực hiện các biện pháp ngân sách được trông đợi bấy lâu nay”.
kilala.vn