Nhật Bản xem xét giảm thuế để cắt giảm số lượng nhà trống
Bài: Happy
Feb 1, 2023
Nguồn: Asahi
Những ngôi nhà bị bỏ hoang, một số đổ nát đến mức gây nguy hiểm ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên khắp Nhật Bản, không chỉ ở các vùng nông thôn.
Trong nỗ lực giải quyết vấn đề này, chính phủ Nhật Bản đã thông qua chương trình tín dụng thuế sửa đổi để nhắc nhở các chủ sở hữu tài sản sửa chữa những ngôi nhà ọp ẹp hoặc thay thế chúng bằng những ngôi nhà mới.
Tuy nhiên, bất kỳ giải pháp nào cũng không thể đối phó được với khủng hoảng nhân khẩu học của Nhật Bản. Khi xã hội ngày càng già đi và dân số thu hẹp lại, những ngôi nhà không người ở thậm chí còn xuất hiện nhiều hơn trong những năm tới. Mặt khác, chủ sở hữu thường không thể tìm thấy người mua hoặc thiếu tiền hay thời gian để quản lý nhà đúng cách.
Xem thêm:Akiya: những căn nhà bị bỏ hoang ở Nhật
Theo khảo sát Nhà đất năm 2018 (cuộc khảo sát được tiến hành 5 năm một lần) của Bộ Nội vụ Nhật Bản, có 8,49 triệu ngôi nhà trống trên toàn quốc, chiếm 13,6% tổng thị trường nhà ở.
Viện nghiên cứu Nomura dự đoán tỷ lệ này sẽ tăng lên 31,5% vào năm 2038 trừ khi hầu hết các ngôi nhà này bị tháo dỡ. Tỷ lệ này được dự đoán sẽ tăng mạnh đặc biệt sau năm 2025, khi thế hệ baby-boomer, những người có tỷ lệ sở hữu nhà cao hơn các nhóm tuổi khác bước qua độ tuổi 75.
Theo khảo sát năm 2018, những ngôi nhà bị bỏ hoang từ lâu chiếm 3,49 triệu, tương đương 5,6% tổng số nhà không có người ở tại Nhật Bản, không bao gồm nhà nghỉ và nhà cho thuê. Tại 6 tỉnh, bao gồm cả Kochi và Kagoshima, tỷ lệ nhà bỏ hoang lâu năm lên tới 10%. Trong số 3,49 triệu ngôi nhà trống, 2,4 triệu là nhà gỗ và 1,01 triệu trong số đó đang ở trong tình trạng mục nát hoặc hư hại nghiêm trọng.
Một nhóm tư nhân chuyên tư vấn các vấn đề liên quan đến nhà bỏ trống ở tỉnh Saitama cho biết nhiều người băn khoăn về việc phải làm gì với ngôi nhà thời thơ ấu không có người ở sau khi cha mẹ họ qua đời hoặc chuyển đi.
Nhóm cho biết, nhiều ngôi nhà cũ bị bỏ hoang vì người thân không muốn “chia tay” ký ức tuổi thơ, cha mẹ yêu cầu giữ lại những ngôi nhà, hoặc quá khó khăn và tốn kém để dọn dẹp những thứ còn sót lại trong nhà. Ngoài ra còn có trường hợp người thân không muốn những người thừa kế làm bất kỳ điều gì với ngôi nhà.
Năm 2021, các tòa án Nhật Bản đã xử lý khoảng 250.000 trường hợp từ bỏ quyền thừa kế nhà ở, gấp 1,5 lần so với con số 10 năm trước đó.
Vào năm 2015, luật về các biện pháp đặc biệt dành cho nhà trống được thực thi nhằm giảm số lượng ngày càng tăng của những ngôi nhà không có người ở. Theo luật, chính quyền địa phương có thể phá bỏ những ngôi nhà đang trên bờ vực sụp đổ, ngay cả khi không xác định được chủ sở hữu.
Đối với những tài sản bị từ bỏ quyền thừa kế, chính quyền địa phương có thể bán chúng thông qua cơ chế theo Luật Dân sự. Nhưng phương pháp này rất khó đối với những ngôi nhà nhỏ ở vùng nông thôn vì giá trị thẩm định của chúng quá thấp.
Chính phủ từ lâu đã kiên định với chính sách ưu đãi dưới hình thức giảm thuế thế chấp cho người mua nhà ở mới xây, nhưng việc phải làm gì khi những ngôi nhà đó cũ đi ít được chú ý đến.
Chie Nozawa, Giáo sư về Quy hoạch đô thị tại Đại học Meiji, cho biết: “Những gì chúng ta đang thấy ngày nay là hậu quả của việc không thực hiện đầy đủ các biện pháp để giải quyết giai đoạn cuối cùng của vòng đời nhà ở. Chính phủ nên đưa ra các biện pháp phá bỏ những ngôi nhà đó bằng cách dành quỹ để giúp tháo dỡ chúng.”
Chính phủ Nhật Bản hiện đang xem xét thiết lập giảm thuế cho các tài sản cố định, dự kiến giới thiệu hệ thống mới vào năm tài chính 2023. Cơ sở của thuế bất động sản đối với đất ở được giảm xuống còn 1/6 giá trị thẩm định nếu đất có diện tích từ 200m2 trở xuống.
Bên cạnh đó, việc thu hẹp phạm vi của các khoản tín dụng thuế đối với chủ sở hữu của những ngôi nhà không có người ở cũng đang được xem xét. Kế hoạch là thay đổi thuế để thúc đẩy chủ sở hữu sửa chữa hoặc phá bỏ chúng.
Theo luật, một ngôi nhà được coi là “nhà trống” có khả năng bị sập và nguy hiểm về mặt vệ sinh. Những ngôi nhà này có thể bị loại khỏi hệ thống tín dụng thuế theo luật các biện pháp đặc biệt dành cho nhà bỏ trống nếu chủ sở hữu không quản lý đầy đủ, bất chấp cảnh báo của chính quyền địa phương.
Phường Setagaya, Tokyo, nơi được biết là có các khu dân cư đông đúc, có đến 50.000 ngôi nhà không có người ở, nhiều nhất trong cả nước. Các quan chức Setagaya đã cố gắng xác định vị trí của chủ sở hữu để yêu cầu họ tháo dỡ hoặc bán nhà. Tuy nhiên, nhiệm vụ này tốn nhiều thời gian và cần nhiều nhân lực hơn để mang lại kết quả.
Xem thêm: Dự án tái sử dụng những ngôi nhà bỏ hoang
kilala.vn