Nhật Bản đẩy mạnh giáo dục tài chính cho trẻ em

Bài: Rin
Jun 27, 2022

Nguồn: Kyodo

Giáo dục tài chính cho trẻ em được thúc đẩy tại nhiều tỉnh thành ở Nhật Bản nhằm tăng cường hiểu biết của các em về tiền bạc, đặc biệt khi quy định về độ tuổi trưởng thành được hạ từ 20 xuống 18 tuổi. 

Nhu cầu trang bị kiến thức tài chính cho trẻ xuất phát từ thực tế rằng thanh toán điện tử thay cho tiền mặt ngày càng phổ biến, đồng thời cũng có một số lo ngại từ phía phụ huynh liên quan đến phát triển nhận thức của trẻ về tiền. Để làm được điều này, các giáo viên Nhật Bản đã biến những bài học tài chính khô khan thành trò chơi và hoạt động giải trí quen thuộc, giúp các em tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. 

Vào cuối tháng 05/2022, trong giờ học tài chính của học sinh lớp 5 tại trường Tiểu học Kamakura (tỉnh Kanagawa), trò chơi thẻ bài đã được tổ chức. Các em chia thành 4 – 5 nhóm và được giáo viên hướng dẫn để chọn ra cái nào mang đến nhiều giá trị hơn, “món đồ” hay “hoạt động”, từ hai tấm thẻ ngẫu nhiên. 

lớp học tài chính tại trường tiểu học kamakura
Tiết học tài chính của học sinh lớp 5 tại trường Tiểu học Kamakura. Ảnh: Kyodo 

Ở nhóm đã bốc được thẻ “Bút chì màu” và “Chăm sóc người bệnh trong một giờ”, em Mihiro Tajima và Ako Goto đã chọn việc chăm sóc và chia sẻ rằng giá trị của hành động này không chỉ đơn thuần là vấn đề tiền bạc. Còn em Tenma Saito cũng đồng ý với hai bạn nhưng đưa ra lý do khác: “Em đã tưởng tượng đến việc nếu bà em là người bệnh”. 

Cậu bé Tendo Tashiro thì lại chọn bút chì màu vì đam mê vẽ tranh của mình. Em bày tỏ: “Khi nói đến chăm sóc, nó còn phụ thuộc vào việc ai sẽ cần dịch vụ này. Và cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng nữa”. 

Sau khi các em đã đưa ra lựa chọn của riêng mình, giáo viên Mai Araya giảng giải: “Điều chúng ta nghĩ là có giá trị và thứ chúng ta chi tiền để mua sẽ thay đổi tùy vào từng người, theo độ tuổi. Các em hãy tự tìm ra câu trả lời cho mình nhé!”

hào hứng chơi trong giờ học tài chính
Các em học sinh trường tiểu học Kamakura hào chứng chơi trong giờ học tài chính. Ảnh: Kyodo

Sau giờ học, giáo viên Araya chia sẻ: “Hầu hết các em học sinh đi tàu và mua sắm bằng tiền điện tử thông qua thẻ thông minh IC. Vì hiếm khi trẻ nhận lại được tiền thối, nên khó tạo cảm giác rằng các em đã tiêu tiền. Tôi hy vọng rằng khi xem tiền như một phương tiện, các em sẽ hướng sự chú ý đến xã hội, người lao động và khám phá ra giá trị của nhiều điều trong cuộc sống”. 

Trò chơi thẻ bài là một phần của chương trình giáo dục tài chính được phát triển bởi công ty Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities Co. (MUMSS) nhằm giúp học sinh tiểu học hình thành nhận thức và quan điểm riêng về giá trị của hàng hóa, dịch vụ trong dòng chảy tiền tệ. Họ đã bắt đầu cung cấp chương trình này từ tháng 04/2022.

Các trường tiểu học tại 6 tỉnh thành ở Nhật Bản đã bắt đầu hoặc quyết định sẽ áp dụng chương trình này. Công ty đặt trụ sở tại Tokyo sẽ cử nhân viên đến hướng dẫn chi tiết khi trường có yêu cầu. 

Xem thêm: Dạy con về tiền: độ tuổi nào là hợp lý?

Theo đại diện của MUMSS, số lượng tài khoản ngân hàng mới mở bởi người dùng ở độ tuổi 18 - 19 vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua đã tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021, bởi việc giảm độ tuổi thành niên khiến người trẻ nhận thức được việc cần tích lũy tài sản sớm hơn. 

MUMSS hy vọng thông qua chương trình giáo dục được thiết kế để giúp trẻ có nhận thức đúng đắn về đầu tư và rủi ro, họ có thể khuyến khích các thế hệ nhà đầu tư tương lai.

Từ năm ngoái, Kid's Money School, một tổ chức giáo dục chuyên cung cấp bài giảng về tài chính cho trẻ từ 4 – 10 tuổi trên khắp Nhật Bản, có trụ sở tại thành phố Oita, cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu của khóa học từ các trường và chính quyền địa phương. 

sự kiện do kid's money school tổ chức
Các em học sinh cùng bố mẹ trải nghiệm mua sắm và thanh toán tại cửa hàng giả định do tổ chức Kid's Money School tổ chức tại Tokyo vào ngày 22/05. Ảnh: Kyodo 

Koji Miura, Chủ tịch của Kid’s Money School chia sẻ rằng, người lớn có xu hướng cảm thấy tiền bạc là chủ đề không nên nhắc đến khi có mặt trẻ em. Ông nói thêm: “Nhưng trẻ có thể hiểu khá linh hoạt về cơ chế hoạt động của tiền và các khái niệm liên quan”. 

Tại một lớp học tài chính được tổ chức ở Tokyo vào tháng 05/2022, 5 trẻ trong độ tuổi từ 5 – 8 đã cùng cha mẹ trải nghiệm mua hàng và thanh toán tại một cửa hàng giả định. Các em đã rất ấn tượng khi trông thấy túi tiền một yên “khủng” nhưng chỉ tương đương với một tờ tiền nước ngoài.

Trước đây, giáo dục tài chính thường dạy cách quản lý chi tiêu trong gia đình cho nữ và hoạt động tài chính trong nền kinh tế cho nam, theo chia sẻ từ Kyoko Uemura, Giáo sư về Kinh tế hộ gia đình tại Đại học Tokyo Kasei Gakuin. “Tuy nhiên giáo dục đã phát triển đến mức mọi người học cách quản lý chi phí sinh hoạt của mình bất kể giới tính. Người lớn không nên tránh nói về tiền bạc trong các cuộc hội thoại thường ngày với trẻ em”, bà nói thêm.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU