Người Nhật sẽ không thể ngắm hoa anh đào do biến đổi khí hậu

Bài: Ciro
Apr 27, 2023

Nguồn: Zenbird

Nét văn hóa truyền thống thú vị của Đất nước Mặt trời mọc có nguy cơ biến mất vì những tác động của biến đổi khí hậu và môi trường.

Mùa hoa anh đào là một trong những thời điểm được yêu thích nhất trong năm ở Nhật Bản, thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của những cây anh đào nở rộ.

văn hóa ngắm hoa bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu
Hoa anh đào nở rộ theo mùa tại Nhật. Ảnh: acvftfe.net

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mùa hoa đã có sự thay đổi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng và các yếu tố môi trường khác bắt đầu tác động đến quá trình nở của anh đào, khiến nhiều người lo ngại về tương lai của phong tục văn hóa truyền thống này.

Kỷ lục thời gian nở sớm nhất tiếp tục bị phá

Với nhiệt độ tăng cao ở Nhật Bản, thời kỳ nở hoa của anh đào trở nên sớm hơn qua mỗi năm. Năm nay, Cục Khí tượng Nhật Bản thông báo rằng đợt nở hoa đầu tiên tại Tokyo đã chính thức bắt đầu vào ngày 14 tháng 3, đánh dấu mùa hoa đào sớm nhất (cùng với mùa hoa 2020 và 2021) kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 1953. 

Xu hướng hoa nở sớm này đã đặc biệt đáng chú ý kể từ những năm 90, trùng với thời điểm nhiệt độ cao nhất trong tháng 3 bắt đầu tăng ở Tokyo.

Do đó, việc hoa anh đào nở sớm hơn mỗi năm ngày càng trở nên rõ rệt hơn, làm dấy lên mối lo ngại về tác động lâu dài của biến đổi khí hậu đối với phong tục văn hóa truyền thống mang tính biểu tượng của xứ Phù Tang.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến quá trình nở hoa như thế nào?

Vào cuối mùa thu và đầu mùa đông, nụ anh đào không hoạt động để chống chọi và tồn tại qua thời tiết lạnh giá, thời gian ngủ đông này được gọi là “chill hours”, thay đổi tùy theo loại cây anh đào. 

Rất nhiều loại cây có nguồn gốc ôn đới cần có một khoảng thời gian ngủ đông trong năm để phân hoá mầm hoa. Đối với anh đào, mùa đông quá ôn hòa có thể khiến nụ hoa không phát triển đúng cách, làm chậm hoặc gián đoạn quá trình ra hoa.

hoa anh đào nở sớm
Nhiệt độ biến đổi ảnh hưởng đến quá trình ra hoa của anh đào. Ảnh: Zenbird

Khi nhiệt độ tăng lên trong suốt mùa xuân, quá trình ra hoa bắt đầu, nó xảy ra khi tổng nhiệt độ cao nhất hàng ngày đạt đến một mức nhất định. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ tăng cao hơn trong thời kỳ ra hoa, nó có thể đẩy nhanh thời điểm ra hoa và rút ngắn thời gian hoa nở, điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn và sinh sản của cây.

Chẳng hạn, giống anh đào Someiyoshino cần tiếp xúc với nhiệt độ thấp khoảng 5°C trong một thời gian nhất định để nở hoa đúng cách. Sự nóng lên toàn cầu có thể khiến nhiệt độ không giảm xuống đến mức này ở một số vùng, chẳng hạn như tỉnh Kagoshima, các vùng ven biển Kyushu và vùng Kanto khiến Someiyoshino không thể nở hoa trong tương lai.

Giáo sư Hisanori Ito đã tiến hành mô phỏng quá trình nở của hoa anh đào cho đến năm 2100, với kịch bản nhiệt độ ở các vùng khác nhau của Nhật Bản trung bình cao hơn từ 2 đến 3 độ C. Mô phỏng cho thấy hoa anh đào, trước đây nở dần dần bắt đầu từ các khu vực phía Nam, dự kiến sẽ nở đồng thời trên khắp đất nước.

Đáng buồn thay, xu hướng này đã bắt đầu được quan sát thấy ở tỉnh Fukushima, miền Trung Nhật Bản, tại đây thời điểm hoa nở đã sớm hơn. Trong khi ở tỉnh Kagoshima thuộc khu vực phía Nam, hầu như chưa thấy bất kỳ sự thay đổi nào. Bên cạnh đó, ở một số khu vực, hoa anh đào có thể không nở hết hoặc sẽ không nở hoàn toàn cùng một lúc do thời kỳ nở hoa thay đổi thất thường.

Chúng ta vẫn có thể thay đổi tương lai

Ở Nhật Bản, hoa anh đào từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự khởi đầu mới, thường được thấy trong các hoạt động chào mừng như lễ khai giảng, lễ chào đón gia nhập doanh nghiệp diễn ra vào tháng 4. Tuy nhiên, xu hướng nở sớm của hoa anh đào trong những năm gần đây có thể thay đổi những khoảnh khắc vui vẻ này.

mùa hoa anh đào nhật bản
Hình ảnh hoa anh đào gắn liền với người dân Nhật Bản. Ảnh: fashiontrend.jp

“Báo cáo tổng hợp dành cho các nhà hoạch định chính sách” mới đây của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC)  nhấn mạnh rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,1°C so với mức trước thời kỳ công nghiệp hóa và có thể đạt 1,5°C vào những năm 2030 nếu lượng khí thải nhà kính không giảm. 

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng việc giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 với mục tiêu giảm 1,5°C là có thể đạt được trên tất cả các lĩnh vực. Điều này đòi hỏi nỗ lực hiệu quả từ tất cả mọi người, mọi quốc gia trên hành tinh này.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU