Người già Nhật Bản suy giảm sức khỏe vì ít hoạt động xã hội

Bài: Ciro
Jun 27, 2023

Nguồn: Asahi

Một nghiên cứu cho thấy sự suy giảm sức khỏe ở những người lớn tuổi trở nên rõ rệt hơn do những hạn chế đối với hoạt động xã hội trong thời kỳ đại dịch.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học quốc tế Y tế và Phúc lợi Nhật Bản đã phân tích kết quả của một cuộc khảo sát sức khỏe hàng năm do thành phố Otawara, tỉnh Tochigi tiến hành dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế về tình trạng “sức khỏe yếu”. 

người già tập thể dục để phòng bệnh
Ảnh: Asahi

“Sức khoẻ yếu” nằm giữa tình trạng tương đối khỏe mạnh và tình trạng cần được chăm sóc điều dưỡng, đề cập đến sự suy giảm trí tuệ và thể chất cũng như sức mạnh cơ bắp.

Trong một bảng câu hỏi được gửi vào tháng 5 mỗi năm, những người dân bước sang tuổi 70 và 75 vào năm đó được yêu cầu trả lời 25 câu hỏi thuộc 7 loại, bao gồm các hoạt động về cuộc sống hàng ngày và chức năng thể chất.

Một điểm sẽ được tính cho câu trả lời “Không” với các câu hỏi như “Bạn có đi mua sắm nhu yếu phẩm hàng ngày không?”, và tính cho câu trả lời “Có” đối với những câu như “Tôi thiếu cảm giác mãn nguyện trong cuộc sống thường nhật”. Những người đạt 8 điểm trở lên được coi là ở trạng thái “yếu”, trong khi những người nhận được 3 điểm trở xuống được coi là “mạnh khỏe”.

Nghiên cứu dựa trên 5.222 phản hồi hợp lệ nhận được từ năm 2017 đến 2021, kết quả của cuộc khảo sát năm 2022 vẫn đang được phân tích.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng những người được coi là ở tình trạng “sức khỏe yếu” đã tăng từ 11,5% năm 2017 lên 16,4% vào năm 2020 và 17,4% vào năm 2021, trong khi những người được coi là “mạnh khỏe” giảm từ 62,7% năm 2017 xuống 57,3% vào năm 2020 và 50,7% vào năm 2021.

Ngoài ra, những người được xem là ở trạng thái “tiền suy yếu” với số điểm từ 4 đến 7 có xu hướng gia tăng trong thời kỳ đại dịch.

Cụ thể, những người trả lời “Không” cho câu “Bạn có thỉnh thoảng đến thăm bạn bè không?” và những người trả lời “Có” cho câu “Bạn có ít đi chơi hơn so với năm ngoái không?” vượt 20% vào năm 2020 và vượt mức 30% vào năm 2021. Trước đây, với hai trường hợp trên, tỉ lệ duy trì từ 10-20% từ năm 2017 đến 2019.

“Khi các hoạt động cộng đồng bị tạm dừng trong đại dịch COVID-19, bạn bè ít tương tác hơn và ít có dịp ra ngoài hơn. Giống như các quân cờ domino nối tiếp nhau, sức khỏe (của người lớn tuổi) có thể bị suy giảm do cơ hội tham gia xã hội giảm sút”, Tamaki Hirose, trợ lý giáo sư vật lý trị liệu tại Đại học Quốc tế Y tế và Phúc lợi Nhật Bản, lưu ý.

hoạt động xã hội có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người
Ảnh: bloomberg.com

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục các hoạt động xã hội, cô khuyên mọi người nên duy trì các thú vui và hoạt động cộng đồng, đồng thời đề phòng dịch bệnh.

Phát hiện của nhóm đã được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Lão khoa Hoa Kỳ.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU