Người cao tuổi Nhật đối mặt với cuộc sống bấp bênh
Bài: Happy
Mar 24, 2023
Nguồn: Japan Today
Từ một thế hệ muốn cống hiến và không cho phép bản thân nghỉ ngơi, người cao tuổi tại Nhật nay bị đẩy vào thế buộc phải tiếp tục lao động sau khi về hưu nếu không muốn lâm vào tình cảnh bấp bênh.
Trong số các nền kinh tế phát triển, Nhật Bản liên tục đứng đầu hoặc nằm trong top đầu về tỷ lệ dân số tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu. Một số cá nhân thực sự muốn làm việc nhưng đối với hầu hết, đó là sự lựa chọn giữa việc tiếp tục làm việc cực nhọc hoặc đối mặt với viễn cảnh nghèo đói không mấy dễ dàng.
Thuật ngữ để gọi hiện tượng làm việc sau tuổi hưu này là “老後レス - rougo-resu”, một từ ghép giữa "老後 - rougo" (nghĩa là tuổi già hoặc số năm còn lại của một đời người) với hậu tố "-less" trong tiếng Anh. Thuật ngữ này dường như được đề cập lần đầu trong một bài báo của Asahi Shimbun ngày 2 tháng 11 năm 2019, trong đó biên tập viên Hiroki Manabe cảnh báo: "Nhật Bản có khả năng trở thành một xã hội không có tuổi nghỉ hưu thoải mái".
Mới đây, tạp chí Shukan Jitsuwa báo cáo rằng nếu tình trạng này xảy ra, hệ lụy sẽ rất đáng sợ: Trong một tương lai không xa, có lẽ cứ hai người cao tuổi thì có một người sẽ phải làm việc cho đến khi họ không còn đủ sức khỏe hoặc tinh thần để tiếp tục.
Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, số lượng người lao động trên 65 tuổi đã tăng mỗi năm trong 18 năm liên tiếp. Vào năm 2021, khoảng 60.000 người cao tuổi mới gia nhập đội ngũ lao động, nâng tổng số lao động cao tuổi trên toàn quốc lên khoảng 9,09 triệu triệu người. Cũng trong năm này, tỷ lệ người đang làm việc trong độ tuổi từ 65 đến 69 đã vượt mốc 50%, cụ thể là 50,3%. Ngay cả trong số nhóm tuổi cao hơn (70 – 74), khoảng một trong ba người vẫn tiếp tục làm việc.
Tiếp tục làm việc hoặc đối mặt với cuộc sống đói nghèo
Làm thế nào mà tình trạng người cao tuổi vẫn tiếp tục lao động sau tuổi hưu lại phổ biến ở nước Nhật?
Một tổ chức tư vấn phân tích rằng, trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng thần kỳ sau chiến tranh, Nhật Bản đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 60, người ta cho rằng họ sẽ tận hưởng những năm tháng vàng son của mình, du lịch và theo đuổi sở thích của bản thân.
Nhưng sau đó, bong bóng kinh tế sụp đổ vào những năm 90, tiếp theo là “Cú sốc Lehman”* năm 2008 đã kéo dài vòng xoáy lạm phát. Với sự mất giá gần đây của đồng yên, dẫn đến giá năng lượng tăng cao, ước mơ của mọi người về một nền kinh tế mà người lao động có thể nghỉ hưu một cách thoải mái đã hoàn toàn tan vỡ.
*Cú sốc Lehman: Ngày 15/9/2008, sau nhiều nỗ lực không thành, Lehman Brothers - ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 của Mỹ đã chính thức đệ đơn xin phá sản sau 158 năm hoạt động, dẫn đến hàng loạt khủng hoảng tín dụng ở Mỹ, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Theo khảo sát đối với người lao động lớn tuổi của Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản, vào năm 2019, 46,2% số người được hỏi đưa ra lý do tiếp tục làm việc là "để duy trì sức khỏe". Tiếp theo là những lý do “nâng cao chất lượng cuộc sống” (33,9%) và “vì con người sống để làm việc” (28,8%). Nhưng câu trả lời xuất hiện thường xuyên nhất, với 77% người được hỏi đưa ra là "để nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Vào năm 2019, Cơ quan Dịch vụ Tài chính từng tuyên bố, một cặp vợ chồng già trung bình sẽ cần tiết kiệm ít nhất 20 triệu yên để trang trải cho cuộc sống 30 năm sau khi nghỉ hưu. Nhưng đến năm 2022, 20,8% hộ gia đình có trụ cột chính từ 60 tuổi trở lên không có khoản tiết kiệm nào. Và con số đó đang tăng 2% so với năm trước.
Một nhà phân tích kinh doanh cho biết, hơn 70% nhân viên tạm thời hoặc bán thời gian tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị, nhân viên bảo vệ, nhân viên giám sát, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc, nhân viên tại các trung tâm cuộc gọi... đều trên 65 tuổi.
Với tình trạng thiếu lao động trong một số lĩnh vực, một số công ty đã khởi xướng các chương trình để giữ chân những lao động lớn tuổi có kỹ năng chuyên môn. Chẳng hạn như VFR, một nhà sản xuất máy bay không người lái có trụ sở tại Tokyo đã áp dụng hệ thống tái tuyển dụng, cho phép người lao động tiếp tục sự nghiệp cho đến 75 tuổi.
Các hãng taxi cũng thuê người già với số lượng ngày càng tăng. Tính đến tháng 3 năm 2022, khoảng 50.000 tài xế được cho là ở độ tuổi từ 70 đến 74 và 20.000 tài xế khác tương đương 8% tổng lực lượng, từ 75 tuổi trở lên.
Những nguy cơ tiềm ẩn
"Khi độ tuổi trung bình của tài xế ngày càng tăng, số vụ tai nạn mà họ gây ra, cả nhẹ và nghiêm trọng cũng tăng theo", một tài xế trên 70 tuổi lo lắng thừa nhận với tạp chí Shukan Jitsuwa.
Khoảng một trong bốn người cung cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà hoặc tại các tổ chức được cho là trên 60 tuổi và thậm chí có thể tìm thấy các trường hợp phụ nữ ở độ tuổi 80 được chăm sóc bởi những người cung cấp dịch vụ cũng ở độ tuổi 80. Điều này làm dấy lên mối lo rằng những người lao động cao tuổi có nguy cơ bị thương trong khi thay tã hoặc chăm sóc người khác.
Nhiều quản lý tại các chung cư có nhiều cư dân lớn tuổi kể lại rằng, họ phải giải quyết các khiếu nại liên tục hoặc vướng vào tranh chấp giữa các cư dân, cảm thấy bất lực và bỏ việc sau một thời gian ngắn.
Tạp chí Shukan Jitsuwa nhận định rằng, cuộc sống sau khi nghỉ hưu tại Nhật không hề lạc quan chút nào.
kilala.vn