NEET là gì? NEET có phải là Hikikomori hay Otaku không?

Bài: NatsumeOct 11, 2023

Bạn có biết "NEET" nghĩa là gì không? Đó có phải là điển hình của những người dành thời gian nhốt mình trong phòng? Văn hóa làm việc chăm chỉ của Nhật Bản được biết đến trên toàn thế giới, vậy NEET tồn tại như thế nào trong xã hội Nhật?

NEET là gì?

NEET là từ viết tắt của cụm “Not in Education, Employment, or Training” (Không học hành, việc làm hay đào tạo). Tại Nhật hoặc trong anime, NEET còn được gọi là Niito - ニート.Đây là những cá nhân cố tình từ chối làm việc hoặc học tập và có xu hướng rút lui khỏi các tương tác xã hội với người khác.

NEET

Thuật ngữ NEET thường được dùng để phân loại giới trẻ, đặc biệt là ở Nhật Bản. Họ là những người 15 đến 34 tuổi không có việc làm, không làm việc nhà, không đăng ký đi học hoặc đào tạo liên quan đến công việc và không tìm việc làm. 

Theo thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, năm 2022 có khoảng 740.000 NEET.

Nguồn gốc của từ NEET

Việc phân loại này bắt nguồn từ Vương quốc Anh vào cuối những năm 1990 khi nó được sử dụng trong báo cáo năm 1999 của SEU và việc sử dụng nó đã lan rộng ở các mức độ khác nhau sang các quốc gia khác, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Canada và Hoa Kỳ…

Nguyên nhân dẫn đến NEET

Thất bại trong các mối quan hệ

Có những công việc không tiếp xúc nhiều với mọi người nhưng cũng có lúc bạn phải cộng tác với người khác như đồng nghiệp hoặc khách hàng.

sợ giao tiếp

Với một số người, việc phải giao tiếp với người khác là nỗi sợ. Ảnh: therapywithnad

Một số người có khả năng tự nhiên giao tiếp trôi chảy với những người xung quanh, số khác không thực sự quan tâm khi người khác nói những điều gay gắt với họ, trong khi có những người lại lo lắng và quan tâm đến xung quanh hoặc bị tổn thương sâu sắc bởi những lời nói không tốt của người khác.

Nếu bạn thuộc trường hợp cuối cùng, tình trạng nãy kéo dài thì bạn sẽ dần có suy nghĩ “Tôi không muốn tiếp xúc với mọi người nữa” và sẽ muốn trở thành NEET.

Nhận hỗ trợ tài chính từ bố mẹ

Một số người sống nhờ vào trợ cấp phúc lợi trong khi những người khác nhờ vào sự giàu có của gia đình, chính vì thế họ không cảm thấy cần thiết kiếm tiền và từ chối lao động.

được hỗ trợ từ cha mẹ

NEET đa phần sẽ nhận được hỗ trợ về nơi ở, tài chính từ bố mẹ nên họ không muốn đi làm. Ảnh: newswitch

Thất bại trong công việc

Mọi người thường cân nhắc việc thay đổi công việc nếu họ không cảm thấy hài lòng với công việc hiện tại. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn muốn thay đổi công việc, nếu không tìm được công việc mình có thể làm hoặc phù hợp, bạn bắt đầu nghĩ đến phương án không làm việc và đến một bạn có thể thấy rằng trở thành NEET là cách tốt nhất để khiến bản thân thoải mái.

nghỉ việc

Ảnh: guidable

Hậu quả của NEET

Dân số NEET bắt đầu vào cuối những năm 80 đến đầu những năm 90 với số lượng khoảng 40.000. Các nghiên cứu báo cáo rằng sự suy thoái của nền kinh tế thế giới đã khiến sinh viên mới tốt nghiệp khó tìm được việc làm lương cao và ổn định.

Điều này xảy ra không chỉ ở Nhật Bản mà còn với tất cả mọi người trên toàn thế giới. Kể từ đó, số lượng NEET không ngừng tăng lên khi yêu cầu của các công ty về trình độ nhân viên bắt đầu cao hơn. Những người có năng lực và kinh nghiệm sẽ được ưu tiên và được hưởng phúc lợi cũng như chế độ đãi ngộ tốt hơn. Việc tìm kiếm việc làm đã trở nên khó khăn hơn nhiều.

Điều này khiến thế hệ trẻ càng nản lòng hơn. Vì vậy, ngày càng nhiều người có xu hướng từ chối tìm kiếm những công việc buộc họ phải lao động với mức lương rất thấp và không đủ sức mua để mua một ngôi nhà hay một chiếc ô tô. Điều này đã làm cho nghề “làm công ăn lương” vốn phổ biến đối với thế hệ cũ không còn hấp dẫn đối với thế hệ trẻ.

thất nghiệp

Công việc khó khăn khiến người trẻ không còn đam mê với việc đi làm. Ảnh: HR Exchange

Đổi lại, điều này đã làm giảm đáng kể số lượng lao động và tăng tỷ lệ thất nghiệp lên hàng năm khi ngày càng có nhiều người tham gia lực lượng NEET. Điều này đã làm giảm thuế thu nhập mà chính phủ thu được và giảm sức mua của thế hệ trẻ.

Một điều khác cũng cần lưu ý, giống như điều xảy ra ở Trung Quốc và các nhóm dân số già khác, thế hệ trẻ trở thành người thừa kế không chỉ tài sản của cha mẹ mà còn của cả ông bà họ. Khi các cặp vợ chồng chọn sinh ít con hơn, con họ sẽ có nhiều của cải hơn. Điều này sau đó có thể ảnh hưởng đến việc những đứa trẻ này không đánh giá cao sự chăm chỉ và kiếm tiền khi chúng lớn lên. 

neet

Ảnh: Yabai

Họ sẽ không cảm thấy cần phải làm việc chăm chỉ như những người khác, khiến họ không có mục tiêu sống rõ ràng. Lý do khiến một số NEET đủ sống là vì có một nguồn tiền hỗ trợ họ trong trường hợp tài chính suy giảm.

Những điểm chung của NEET

  • Giao tiếp kém
  • Thiếu tự tin
  • Cái tôi cao quá mức cần thiết
  • Vô tư vô lo, phó mặc cho người khác
  • Không tìm được ý nghĩa của công việc
  • Mặc cảm và suy nghĩ tiêu cực

Cách thoát khỏi NEET

Có rất nhiều người không muốn làm việc và muốn thất nghiệp như những NEET. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn tiếp tục làm việc mà không bỏ việc, điều này có thể do họ cảm thấy có một số rủi ro hoặc bất lợi khi từ bỏ công việc của mình.

Chính vì thế, nếu không muốn trở thành NEET hoặc muốn chấm dứt việc là NEET thì bạn cần phải nhìn vào thực tế.

Nếu thu nhập giảm sút, bạn sẽ không thể duy trì lối sống của mình

Cần có tiền để trang trải những nhu cầu cơ bản như thực phẩm, quần áo, chỗ ở, điện nước… 
Tất nhiên, nếu nghỉ việc và ngừng làm việc thì bạn sẽ không còn nhận được lương kể từ tháng sau khi nghỉ việc. Ngay cả khi bạn có thể sử dụng tiền tiết kiệm của mình trong vài tháng thì nếu không có thu nhập, số tiền tiết kiệm sẽ tiếp tục giảm và bạn sẽ không thể chi trả cho những sinh hoạt hằng ngày. 

thiếu thu nhập

"Cơm áo gạo tiền" khiến nhiều người không dám trở thành NEET. Ảnh: Yabai

Không muốn làm gia đình thất vọng

Như đã đề cập ở trên, nếu bạn tiếp tục không có thu nhập thì sẽ khó duy trì được lối sống của mình. “Tôi có thể thấy rằng bố mẹ tôi sẽ thất vọng nếu tôi trở thành NEET'' hay “Tôi không muốn làm gia đình mình thất vọng'' cũng được coi là lý do để không trở thành NEET.

Lo lắng vì ánh nhìn của xã hội

Thế giới không bao giờ có thiện cảm với NEET. Kết quả là họ có thể bị đối xử phân biệt đối xử. Chính vì thế, trở thành một “người lao động bình thường” là cách để bạn không chịu đựng ánh nhìn xét nét của mọi người.

kết nối với mọi người

Ảnh: jaic-college

Vì bạn sẽ trở nên cô đơn

Một số NEET có xu hướng nhốt mình trong nhà và cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài. Khi một số người tưởng tượng mình trở nên như thế, họ có thể nghĩ: “Tôi không muốn mất liên lạc với mọi người” hoặc “Tôi cảm thấy mình sẽ bị trầm cảm nếu ở một mình”.

Khi bạn đang làm việc, chắc chắn bạn sẽ có cơ hội giao tiếp với người khác. Nhiều người nghĩ rằng tốt hơn là nên tham gia với người khác hơn là cô đơn, ngay cả khi họ cảm thấy không thoải mái về công việc của mình.

Bạn có thể không tìm được việc làm nữa

Nếu kế hoạch của bạn là “Tôi sẽ quay lại làm việc khi tôi chán làm NEET” hoặc “Tôi sẽ làm việc khi tiền tiết kiệm của tôi sắp hết”, nghe có vẻ khá lý tưởng. Tuy nhiên, mọi thứ không phải lúc nào cũng đi theo kế hoạch. Một khi bạn nghỉ làm, những trở ngại trong công việc sẽ nhiều hơn và khó có thể thích nghi được với yêu cầu của doanh nghiệp.

kiêm việc làm

"Biến mất" quá lâu trong thị trường lao động dễ khiến bạn khó tìm lại được công việc phù hợp. Ảnh: Entrepreneur

Bởi vì tôi tìm thấy mục đích trong công việc của mình

Mặc dù có những lúc công việc có thể khó khăn hoặc mệt mỏi, nhưng có nhiều người cảm thấy cuộc sống có mục đích khi họ giúp đỡ người khác và nhận được lòng biết ơn từ người khác.

Người Nhật có một quan niệm sống gọi là “Ikigai”, đề cập đến những khoảnh khắc và hành động khiến bạn cảm thấy cuộc sống của mình có giá trị và bạn đang sống vì mục đích này.
Khi làm việc, bạn có nhiều cơ hội để giúp đỡ người khác và nhận được sự đánh giá cao, và một số người thấy rằng điều này giúp họ duy trì “lẽ sống” của mình.

NEET trong xã hội Nhật Bản

Tại Nhật Bản, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi định nghĩa NEET như sau: “Theo khảo sát lực lượng lao động do Bộ Nội vụ và Truyền thông thực hiện, những người từ 15 đến 34 tuổi không tham gia lực lượng lao động và không làm việc nhà, không đi học, được gọi là NEET”.

Trong văn học và truyền thông, những cá nhân này thường được mô tả là những người dành thời gian trước tivi, internet, máy tính…

NEET hoàn toàn trái ngược với hình ảnh chăm chỉ thường ngày của người dân Nhật Bản. Ai cũng biết rằng, xét về mặt văn hóa, người Nhật rất đáng khen ngợi vì sự cống hiến trong cả công việc và học tập. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ nhỏ dân số không phù hợp với khuôn mẫu đó.

NEET là những người không làm gì cả

NEET là những người trẻ "không làm gì cả". Ảnh: New York Magazine

Việc phân loại xã hội của NEET ở Nhật Bản chỉ xuất hiện vào đầu những năm 2000 khi nó được các nhà tâm lý học xã hội công nhận rộng rãi như một vấn đề xã hội ngày càng cấp bách ở Nhật Bản. Điều này là do ngày càng có nhiều người coi mình là NEET. Người ta cũng quan sát thấy rằng có sự tăng đột biến về lượng người thuộc NEET trong các tháng 1, 8, 9 và 11 nhưng không tìm được lý do.

Theo quy trình cơ bản, mọi người ở Nhật Bản phải hoàn thành việc học, tìm một vị trí ở công ty và tiếp tục làm việc ở công ty đó cho đến khi nghỉ hưu. Điều này tạo nên lối sống của người làm công ăn lương. 

Nhưng ước mơ làm việc với mức lương ổn định đang trở nên thách thức và kém hấp dẫn hơn đối với nhiều bạn trẻ ở Nhật Bản, đặc biệt đối với những người không muốn làm việc nhiều giờ, hy sinh thời gian cá nhân và sức khỏe tinh thần.

không kiếm việc

Ảnh: ewsatcl

Vì những lý do này, NEET có thể đưa ra quyết định để không tham gia vào công việc. Nhưng quyết định này hiếm khi được xã hội chấp nhận, và những người chọn không học tập, không tìm việc làm bị coi là những kẻ lười biếng, thậm chí là tội phạm của xã hội. Trên thực tế, khi tin tức Nhật Bản đưa tin về tội phạm, người ta thường lưu ý liệu họ có đang có một công việc làm cố định hay không, như thể ở Nhật Bản thất nghiệp và tội phạm luôn song hành với nhau.

Thực trạng NEET các quốc gia khác

Khái niệm NEET bắt đầu ở Vương quốc Anh vào đầu những năm 1990. Tuy nhiên, phải đến năm 1999, các nghiên cứu về loại hành vi này mới được phổ biến rộng rãi. Ở Anh, sự hiện diện của NEET mang ý nghĩa rất tiêu cực. Người dân coi những người này là “không có tư cách”. Mặt khác, trong thời gian này, vẫn chưa có định nghĩa cụ thể nào cho NEET. Nó thường được gọi là tình trạng thất nghiệp ở thanh niên.

Ngoài ra còn có số liệu thống kê rất lớn về NEET ở Bắc Mỹ bao gồm Canada và Hoa Kỳ. Có vẻ như cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1990 đã ảnh hưởng đáng kể đến khả năng có việc làm và động lực làm việc của giới trẻ cho đến ngày nay.

sống bám cha mẹ

Ảnh: chosunonline

Theo Khảo sát Lực lượng Lao động của Cơ quan Thống kê Canada, tỷ lệ NEET ở Canada đã tăng lên 24% vào năm 2020, trùng với thời điểm bắt đầu đại dịch COVID-19.

Năm 2020, thống kê cho thấy có 200.000 NEET Hàn Quốc ở độ tuổi 40 sống phụ thuộc vào cha mẹ già.

Sự khác nhau giữa NEET, freeter, Hikikomori, Otaku

NEET

Trong mắt nhiều người, đây là những người thực sự không làm gì cả ngày. Họ không tiếp thu được những kỹ năng hoặc kiến thức mới. Những người này không đến trường và cũng không làm việc. Đây là những thanh niên dành hàng giờ để chơi game trong khi ăn đồ ăn vặt.

Freeter

Ở Nhật Bản, có thuật ngữ có thể bị nhầm lẫn với NEET là freeter (フリーター, furita), không phải tất cả những người không có việc làm đều có thể được coi là NEET. Sự khác biệt giữa hai thuật ngữ này là việc NEET cố tình từ chối việc làm trong khi freeter là người liên tục tìm kiếm nhưng vẫn khó tìm một công việc. Ngoài ra họ còn là những người thích làm việc bán thời gian hoặc làm việc tự do. 

Freeter, Ie o Kau

Bộ phim "Freeter, Ie o Kau" nói về câu chuyện của một freeter. Ảnh: kwtsui

Những người này không bắt đầu sự nghiệp sau khi tốt nghiệp trung học hoặc đại học mà thay vào đó họ kiếm tiền từ những công việc lương thấp.

Thuật ngữ này do biên tập viên Michishita Hiroshi của tạp chí việc làm bán thời gian From A đặt ra vào năm 1987 và được sử dụng để mô tả một công nhân thời vụ, làm việc ít giờ, được trả lương theo giờ thay vì tiền lương hàng tháng như những người làm việc toàn thời gian thông thường và không nhận được phúc lợi.

Ý nghĩa của thuật ngữ này đã chuyển từ tích cực sang tiêu cực sau khi bong bóng giá tài sản Nhật Bản vỡ dẫn đến suy thoái kinh tế vào những năm 1990. Trong những năm 1990 và 2000, thuật ngữ này chuyển sang hàm ý tiêu cực và freeter bị coi là gánh nặng cho xã hội.

Hikikomori

Hikikomori là gì? thường được miêu tả là những người “khép kín”. Họ không bao giờ rời khỏi nhà và có rất ít kỹ năng xã hội. Tuy nhiên, không phải tất cả hikikomori đều là NEET. Một số người trong số này có thể làm việc và học tập tại nhà của họ. Chỉ là hikikomori quá “ngại ngùng” để tương tác xã hội với người khác.

Hikikomori

Ảnh: Homegrown

Ngoài ra, Otaku cũng thường bị đánh đồng là NEET. Otaku là những cá nhân có niềm đam mê quá mức đối với sở thích của mình. Có những Otaku là NEET nhưng không phải tất cả. Điều này là do thực tế là một số sở thích có thể tốn kém nên họ có thể cần việc làm để duy trì niềm đam mê của mình và họ giao tiếp cũng như sinh hoạt hòa nhập với mọi người.

Sự hỗ trợ của chính phủ với NEET

Chính phủ Nhật Bản rất tích cực trong việc không chỉ xác định tại sao nhiều người lựa chọn trở thành NEET. Điều khá rõ ràng rằng tư duy của thế hệ trẻ đã ảnh hưởng đến quan điểm của họ về lao động và việc làm. Vì điều này, chính phủ bắt đầu tạo cơ hội cho thế hệ trẻ làm việc hiệu quả hơn sau khi tốt nghiệp.

Có những chương trình của chính phủ giúp liên kết các trường đại học và tổ chức với nơi làm việc để giúp những người trẻ tuổi này trở nên trân trọng công việc hơn, bao gồm các chương trình thực tập, đào tạo tại chỗ, cố vấn và học việc.

dự án thuê NEET làm việc

Các tổ chức cũng tạo nên dự án hỗ trợ NEET làm việc. Ảnh: tofugo

Trên hết, nơi làm việc cũng trở nên linh hoạt hơn. Các văn phòng giờ đây được biến thành những trung tâm sáng tạo, khác hẳn với sự kết hợp giữa bàn làm việc và máy tính truyền thống của một văn phòng bình thường. Các công ty quốc tế như Google, Facebook… bắt đầu cung cấp không gian làm việc thuận lợi hơn cho công việc.

Đối với những người đã quyết định trở thành NEET, luôn có dịch vụ tư vấn để giúp họ giải quyết các vấn đề của mình và trở nên thân thiện hơn với các tương tác xã hội. Ngoài ra còn có các “trại thanh niên” nhằm cung cấp nơi cho những người trẻ này gặp gỡ những người giống họ và có thể lấy được động lực từ việc này để bắt đầu nỗ lực hướng tới sự thay đổi.

Các tổ chức phi lợi nhuận giúp cung cấp việc làm. Các tổ chức này tồn tại để giúp công chúng nhìn thấy mặt khác của vấn đề, qua con mắt của chính NEET. Những nhóm này giúp tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của những người này với nhiều lý do khác nhau khiến họ chọn không đi học hoặc đi làm.

Những bộ Anime/Manga Nhật Bản có nhân vật là NEET

Welcome to the NHK!

Welcome to the NHK! là một tiểu thuyết Nhật Bản được viết bởi Tatsuhiko Takimoto. Câu chuyện xoay quanh Tatsuhiro Sato (22 tuổi), một người sống ẩn dật trong xã hội. Cậu tin rằng có một tổ chức tên là Nihon Hikikomori Kyoukai chịu trách nhiệm cho việc truyền bá lối sống im lặng.

welcome to NHK

Ảnh: Crunchyroll

Các chủ đề chung xuyên suốt câu chuyện đề cập đến chứng trầm cảm, lo lắng, cô lập, nỗi sợ hãi hiện sinh, những khó khăn trong cuộc sống và cách mọi người phải đối phó với chúng theo cách riêng của họ.

Battle Programmer Shirase (BPS)

Câu chuyện của BPS xoay quanh một “nghệ sĩ tự do” tên là Akira Shirase. NEET trong anime này là một người thông minh vì anh ấy là một lập trình viên và hacker. Tuy nhiên, anh ấy không làm việc vì tiền mà có niệm đam mê với những bộ phận hiếm hoi của máy tính. Anh ấy là một chàng trai trầm tính, sống một mình trong căn hộ nhỏ gần nhà cháu gái.

Danna ga Nani wo Itteiru ka Wakaranai ken

Câu chuyện kể về Hajime, một NEET kết hôn với một nữ nhân viên văn phòng tên Kaoru. Kaoru luôn yêu cầu chồng mình hãy tìm việc làm. 

anime

Ảnh: Ver Anime

Cuộc sống sau hôn nhân khiến cặp đôi này phát hiện ra, tình yêu không chỉ là nụ hôn đầu hay đám cưới, những năm tháng sau đó trong hành trình hôn nhân mang đến cho họ nhiều niềm vui cũng như thử thách.

No Game No Life

Kể câu chuyện về hai anh chị em là NEET và tham gia không gian ảo với ID tên "Kuuhaku". Khả năng chơi game của họ rất tuyệt vời, cho đến một ngày có người lạ gửi email thách đấu chơi cờ. Họ chấp nhận và đột nhiên họ chuyển sang một thế giới nơi mọi thứ đều được quyết định bởi một trò chơi.

BTOOOM!

BTOOOM! kể về một thanh niên thất nghiệp 22 tuổi tên là Sakamoto Ryouta. Ryouta là NEET với tính cách khó chịu, mỗi ngày chỉ chơi trò chơi BTOOOM! trong đó có quy tắc giết người chơi khác bằng bom hoặc tự sát.

Btooom

Ảnh: Fandom

Anh ta mắng mẹ và thậm chí còn ném thiết bị trò chơi vào mẹ mình. Cho đến một ngày, anh tỉnh dậy ở hòn đảo xa lạ, được trang bị 8 quả bom và nhận ra rằng mình hiện đang ở phiên bản thực của BTOOOM.

Watashi ga Motenai no wa Dou Kangaetemo Omaera ga Warui! – Watamote

Nữ sinh trung học 15 tuổi tên Tomoko Kuroki, người hàng ngày chỉ dành thời gian chơi trò chơi mô phỏng hẹn hò và xem phim hoạt hình. Sau khi trải qua 50 cuộc sống giả lập ở trường trung học và hẹn hò với hơn 100 chàng trai ảo, Tomoko Kuroki tin rằng mình đã sẵn sàng chinh phục năm đầu tiên ở trường trung học. Nhưng cuộc sống thực tại không giống như trò chơi và Tomoko Kuroki đã phải trải qua những tình huống dở khóc dở cười.

Trên thực tế, Tomoko là một cô gái sống nội tâm và vụng về. Với sự giúp đỡ của người bạn thân nhất Yuu Naruse và anh trai Tomoki, Tomoko cố gắng dũng cảm bước vào thế giới mới của cuộc sống trung học.

Ano Hi Mita Hana no Namae wo Bokutachi wa Mada Shiranai – Ano Hana

Jinta Yadomi là một người sống ẩn dật, dành những ngày nghỉ học và chơi trò chơi điện tử ở nhà. Một ngày hè nóng nực, người bạn thời thơ ấu của anh, Meiko "Menma" Honma, xuất hiện và nài nỉ anh thực hiện một điều ước đã bị lãng quên. 

ano hana

Ảnh: Wallpaper Flare

Lúc đầu, Jinta nghĩ rằng mình chỉ bị ảo giác do cái nóng mùa hè, nhưng sau đó anh tin chắc rằng thứ anh nhìn thấy thực sự là hồn ma của Menma. Jinta và nhóm bạn thời thơ ấu của anh đã xa cách sau cái chết của Menma, nhưng họ một lần nữa lại gắn kết với nhau khi cố gắng đưa linh hồn của Menma yên nghỉ. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU