Manga thể hiện góc nhìn của các bé gái trên thế giới về sự phân biệt
Nguồn: AsahiNov 24, 2022
Bộ truyện thể hiện “sự phân biệt giới tính thầm lặng” mà các bé gái 10 tuổi ở các quốc gia và nền văn hóa khác nhau cảm nhận được, bán chạy đến nỗi đã được tái bản lần thứ ba.
Tác phẩm “Onnanoko ga iru Basho wa” (tạm dịch: Nơi dành cho các cô gái), do nghệ sĩ Ebine Yamaji sáng tác và Kadokawa Corp. xuất bản, được phát hành vào tháng 06/2022. Cuốn sách bao gồm năm truyện ngắn riêng biệt ở 5 quốc gia: Ả Rập Saudi, Maroc, Ấn Độ, Nhật Bản và Afghanistan.
Góc nhìn của những cô bé 10 tuổi sẽ như thế nào?
Yamaji cho biết cô đã chọn một số quốc gia mà người Nhật không quen thuộc lắm. Cô ấy đã nghiên cứu văn hóa bằng cách tham khảo các tài liệu khác nhau và dành thời gian gấp 3 lần để hoàn thiện cuốn truyện này vì cô quan tâm đến cảm xúc của những cô gái.
Bộ truyện tranh cho thấy các cô gái bị đối xử bất công như thế nào trong các xã hội khác nhau và những vai trò hoặc giá trị nhất định bị áp đặt lên họ chỉ vì giới tính.
Điểm cốt lõi của bộ truyện là người đọc có thể hiểu những gì các cô gái muốn nói chỉ bằng cách nhìn biểu cảm của họ. Họ cũng có thể chia sẻ cảm giác khó chịu của các cô gái hoặc cảm thấy vui nếu các cô gái bày tỏ niềm vui.
Yamaji cho biết các tác phẩm trước đây của cô đề cập đến các chủ đề như tấn công tình dục và đồng tính luyến ái, nhưng với tác phẩm này, cô quyết định chọn những bé gái 10 tuổi làm nhân vật chính của câu chuyện vì đó là độ tuổi mà trẻ em “có thể nhìn mọi thứ một cách ngây thơ nhưng cũng có thể hình dung ra thế giới của người lớn ở một mức độ nào đó”.
“Onnanoko ga iru Basho wa” cho thấy một thế giới mà phụ nữ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phụ thuộc vào đàn ông để tồn tại về mặt tài chính hoặc liên tục bị thúc ép phải chấp nhận một số vai trò nhất định trong xã hội. “Onnanoko ga iru Basho wa” không có bi kịch rõ ràng hay kết thúc có hậu. Nó cũng tránh đưa ra phán xét về sự phân biệt đối xử trong xã hội. Theo tác giả, những câu chuyện tại đây như một lát cắt của cuộc sống và độc giả chính là người xác định cách diễn giải của câu truyện. “Miêu tả hiện thực thô sơ hoặc thể hiện thông điệp trực tiếp không phù hợp với tôi”, Yamaji cho biết.
Hầu hết các nhân vật trong truyện tranh đều là nữ và các câu chuyện chủ yếu dành cho phụ nữ. “Trừ khi phụ nữ thay đổi cách họ suy nghĩ, nếu không chúng ta không thể thay đổi một xã hội hướng về nam giới”, Yamaji nói, đồng thời cho biết thêm rằng phụ nữ có vị trí tốt hơn để truyền lại những giá trị mới hơn. Cô nói: “Hầu hết phụ nữ tham gia nhiều vào việc nuôi dạy con cái hơn nam giới, vì vậy phụ nữ có nhiều ảnh hưởng hơn đối với trẻ em.
Câu chuyện khác nhau ở mỗi quốc gia khác nhau
Ả Rập Saudi
Cô bé trong câu chuyện này không được phép chơi bóng đá với những người bạn nam giới. Cô cũng được người mẹ của mình nhắc nhở rằng cô phải kết hôn trong tương lai, nếu không cô sẽ gặp khó khăn về tài chính.Điều này là cô bé luôn sống trong băn khoăn rằng “Liệu chúng ta có thể sống cuộc đời của mình mà không kết hôn được không?”. Câu chuyện này đã được đăng trên mạng xã hội và nhận được 51.000 lượt “like”.
Maroc
Trong câu chuyện lấy bối cảnh ở Maroc, một người phụ nữ lớn tuổi nói với một cô bé rằng: “Dọn dẹp, giặt giũ, nấu nướng, rửa bát, may vá - đó là công việc của phụ nữ”, dường như đó là nhiệm vụ chứ không phải sự lựa chọn của họ. Và tư tưởng này đã ăn sâu trong tâm trí của tất cả người dân nơi đây, vì nhiều người phụ nữ ở Maroc đã bị tước đi cơ hội được đi học, được đọc và viết.
Ấn Độ
Lấy bối cảnh ở Ấn Độ và theo chân cô gái đột ngột từ nghèo khó trở nên giàu có khi mẹ cô tái hôn. Bây giờ cô ấy có thể đến trường để tiếp thu học vấn. Tuy nhiên, rõ ràng là sự giúp đỡ mà cha dượng dành cho cô có thể không mang tính từ thiện như người ta tưởng.Afghanistan
Lấy bối cảnh ở Afghanistan năm 2002 sau khi Taliban lần đầu tiên mất quyền lực. Câu chuyện theo chân hai cô gái khi họ nhận đồ dùng học tập lần đầu tiên.
Nhật Bản
Ở phần cuối của câu chuyện lấy bối cảnh ở Nhật Bản. Nhân vật chính là Marie, một học sinh tiểu học sống với mẹ, phó giáo sư tại một trường đại học và bà ngoại sau khi cha mẹ cô ly hôn.
Bà của cô, người giúp mẹ Marie làm việc nhà, thường nói về “sự nữ tính”: “Con không cần phải xuất sắc ở trường vì con là con gái. Phụ nữ không thể hạnh phúc nếu cuộc sống của họ không có hôn nhân, ngay cả khi họ học tập hay làm việc tốt,” người bà nói với Marie.
Quan niệm của cha Marie cũng gần giống như vậy, một mặt ông thể hiện sự ủng hộ phụ nữ đi làm. Tuy nhiên, ông ấy lại muốn mẹ của Marie trở thành một “người vợ lý tưởng”, người có thể tự mình làm mọi công việc gia đình trong khi vẫn đảm nhận công việc ở trường đại học.
Nhưng câu chuyện không nhằm làm nổi bật những quan điểm khác nhau giữa mẹ và bà của Marie, hay giữa cha mẹ cô. Nó cũng không có ý định chỉ ra khoảng cách thế hệ về một số vấn đề nhất định.
Yamaji giải thích: “Chế độ gia trưởng quyết định mọi thứ (ở Nhật Bản), vì vậy không có ích gì khi chỉ thể hiện sự chia rẽ giữa con người với nhau. Những lời nói của bà Marie thể hiện những gì xã hội khiến bà ấy tin tưởng, hơn là niềm tin của chính bà.”
Cả độc giả nam và nữ đều đăng những bình luận đồng cảm. “Tôi cảm thấy thất vọng với thực tế, mặc dù tôi giả vờ chấp nhận nó. Tôi muốn thay đổi nó,” một người đăng bài viết. Một người khác nhận xét: “Tôi đã suýt khóc nhiều lần khi đọc câu chuyện vì nó không khác những trải nghiệm của chính tôi”.
Một độc giả viết: “Câu chuyện khiến tôi quyết tâm trở thành người có thể nói “không” với mọi sự phân biệt giới tính vẫn đang tiềm ẩn trong cuộc sống hàng ngày”.
kilala.vn