Ngay khi bước vào năm học mới vào tháng 04/2022, nhiều trường công lập tại xứ sở hoa anh đào đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt giáo viên trầm trọng.
Trong cuộc họp vào đầu tháng 4 tại một trường công lập ở Tokyo, một giáo viên ở độ tuổi 50 đã rất ngạc nhiên khi nghe hiệu trưởng thông báo rằng, giáo viên mới dự kiến gia nhập trường trong năm nay sẽ không đến nữa. Điều này đồng nghĩa trường sẽ phải tìm một giáo viên chủ nhiệm khác từ đội ngũ giáo viên sẵn có để thay thế.
Tình hình thiếu hụt giáo viên đã xảy ra từ đầu năm học, với quy mô trải dài trên khắp cả nước. Nguyên nhân của thực trạng này được cho là vì số lượng giáo viên biên chế ít ỏi, cùng với xu hướng không muốn trở thành nhà giáo do thời gian làm việc kéo dài, sinh ra nhiều áp lực.
Một công chức của Hội đồng giáo dục Tokyo chia sẻ: “Vấn đề có thể xuất phát từ việc ngày càng ít người muốn trở thành giáo viên”.
Một cuộc khảo sát đã được Bộ Giáo dục Nhật Bản tiến hành vào năm tài chính 2021, kết quả có đến 1.987 trường công lập trên toàn quốc thiếu hụt 2.558 giáo viên khi bước vào năm học mới 2021.
Từ giờ, nhiều trường học có thể phải tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng hơn nữa nếu nhiều giáo viên nghỉ việc bởi lý do sức khỏe hay sinh con.
Do thiếu giáo viên mà nhiều người ban đầu chỉ được thuê để dạy một môn học đã phải trở thành giáo viên chủ nhiệm, chịu trách nhiệm cho cả lớp học, gây ảnh hưởng đến cả tinh thần của người thầy cũng như chất lượng giảng dạy. Vì vậy, các chuyên gia giáo dục kêu gọi cần tạo ra một môi trường làm việc tốt hơn cho giáo viên tại Nhật Bản.
Thiếu hụt giáo viên tại Tokyo
Một giáo viên tại trường tiểu học ở Tokyo vừa trở lại công việc giảng dạy sau khi nghỉ thai sản đã phải đảm nhiệm vị trí chủ nhiệm, mặc dù trước đó, cô chỉ dạy môn Toán cho các nhóm học sinh nhỏ. Trường cuối cùng đã có thể phân bổ đủ giáo viên theo cách trên, nhưng việc tổ chức các bài giảng theo nhóm nhỏ đã trở nên khó khăn hơn so với những năm trước.
Thống kê được thực hiện bởi Hội đồng giáo dục Tokyo vào ngày 11/04 cho thấy các trường tiểu học công lập tại Tokyo đang phải nỗ lực để đảm bảo đủ 50 giáo viên.
Thông thường, các giáo viên dự bị luôn được đảm bảo số lượng để bố trí vào chỗ trống ngay khi số lớp học cho học kỳ mới được quyết định. Họ được chọn từ danh sách gồm chủ yếu là những người đã có bằng cấp giảng dạy nhưng chưa được tuyển dụng.
Việc thiếu hụt giáo viên trong năm học 2022 là do nhiều người đã từ chối với các lý do như "tìm được công việc ở nơi khác". Điều này khá bất thường tại Tokyo bởi bấy lâu nay, việc trở thành giáo viên trong năm học mới luôn được nhiều người trông chờ.
Xem thêm: Vì sao Nhật Bản không có ngày Nhà giáo?
Và ở nhiều nơi khác
Vào ngày 01/04, Hội đồng giáo dục tỉnh Shimane cũng ra thông báo cho biết tỉnh đang đối mặt với tình trạng thiếu đến 32 giáo viên bậc tiểu học – con số kỷ lục từ trước đến nay.
Trong số các lý do dẫn đến tình trạng trên, đáng chú ý là quan niệm nghề giáo có thời gian làm việc kéo dài, làm ngoài giờ nhiều. Trước tình hình nan giải này, tỉnh Shimane đã đưa ra các kế hoạch như tuyển dụng lại giáo viên đã nghỉ hưu hoặc gia tăng số lượng giáo viên mới.
Còn tại tỉnh Chiba, các trường công lập của tỉnh (ngoại trừ tại thành phố Chiba) cũng thiếu hụt đến 348 giáo viên vào tháng 03/2022. Vì vậy, ông Akira Nakagawa, Tổng thư ký chi nhánh Chiba của All Japan Federation of Teachers' and Staff Unions (một liên đoàn đại diện cho các giáo viên và nhân viên làm việc trong lĩnh vực giáo dục) đã tiến hành cho phát tờ rơi để tuyển thêm nhân lực.
Ông Nakagawa cho biết: “Chúng tôi cảm nhận một cuộc khủng hoảng đang đến khi trọng trách phát triển đội ngũ giáo viên ngày càng trở nên nặng nề”.
Cũng trong tháng 4 này, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã đưa ra chính sách thay đổi việc tuyển dụng giáo viên, trong đó, những ai dù không có chứng chỉ nghề giáo nhưng có chuyên môn, kiến thức cùng kinh nghiệm sâu rộng ở các lĩnh vực khác cũng có thể đến giảng dạy tại trường.
Aki Sakuma, Giáo sư về lĩnh vực sư phạm tại Đại học Keio phân tích: “Nguyên nhân chính đằng sau thực trạng thiếu hụt giáo viên đó là số lượng giáo viên biên chế mới bị cắt giảm quá nhiều dưới áp lực về tài chính, bởi sẽ ngày càng có ít trẻ em hơn khi tỷ lệ sinh càng giảm".
Sakuma nói thêm: “Điều này khiến cho ngay sau khi năm học mới bắt đầu, hiệu trưởng các trường không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phụ thuộc vào giáo viên thời vụ. Trên hết, hiện nay, vấn đề thời gian làm việc kéo dài của giáo viên đã được biết đến rộng rãi. Nhiều người không còn muốn trở thành giáo viên thời vụ rồi phấn đấu trở thành giáo viên chính thức nữa”.
Tình hình còn tồi tệ hơn ở những trường dành cho trẻ em khuyết tật. Vì thiếu giáo viên, một trường trực thuộc tỉnh đã phân bổ 2 giáo viên cho một lớp học dù yêu cầu cần 3 giáo viên đứng lớp.
Một số em học sinh sẽ cần cấp cứu, hô hấp nhân tạo hay các biện pháp hỗ trợ y tế khác. Học sinh cũng cần được giám sát chặt chẽ bởi thỉnh thoảng các em rời lớp học mà không thông báo với giáo viên. Do vậy, thiếu hụt giáo viên có thể dẫn đến nhiều tình huống nguy hiểm.
Một giáo viên ở độ tuổi 30 của ngôi trường này bình luận: “Tôi cảm thấy việc thiếu giáo viên trong các lớp khuyết tật là điều không thể chấp nhận. Không thể tha thứ được”.
kilala.vn