Kazuko Fukuda – Người phụ nữ suýt thoát tội nhờ có “7 khuôn mặt”

Bài: NatsumeMay 5, 2023

Tại Nhật Bản, thời hạn điều tra cho tội giết người từng là 15 năm. Tuy nhiên, luật đã được thay đổi sau khi một người phụ nữ tên Kazuko Fukuda trốn chạy khỏi cảnh sát trong 14 năm 11 tháng. 

Người từng trải qua cảm giác ở nhà tù địa ngục

Kazuko Fukuda sinh năm 1948 tại Matsuyama, không lâu sau khi bà ra đời thì cha mẹ ly hôn. Cha bà đã bỏ rơi gia đình và Kazuko cùng mẹ biết rằng cách duy nhất để tồn tại là bán thân, căn nhà của họ cũng được tận dụng để làm nhà chứa. 

Khi lên 18 tuổi, Kazuko cùng bạn trai đã thực hiện một vụ cướp nhà của người đứng đầu Cục thuế khu vực Takamatsu vào năm 1966. Vụ cướp thất bại và họ bị tống giam vào nhà tù ở Matsuyama. 

Kazuko trước khi pttm

Hình ảnh của Kazuko trước khi phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: Medium

Nhưng nhà tù Matsuyama thật sự là “địa ngục trần gian” khi từ năm 1964 - 1966, cai ngục và các quan chức đã hợp tác với các băng đảng Yakuza. Họ cho phép nhiều thành viên Yakuza vào trại giam, uống rượu, đánh bạc và quan hệ tình dục với các nữ tù nhân trong nhà tù. Kazuko là nạn nhân của những vụ hãm hiếp này.

Có một cuộc điều tra sơ sài về nhà tù vào những năm 60, nhưng không có cáo buộc nào được đưa ra. Mãi cho đến khi hồi ký của Fukuda được xuất bản, công chúng mới chú ý đến các điều kiện trong nhà tù. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, thời hạn truy tội đối với bất kỳ tội phạm nào đã hết.

Sau hai năm ngồi tù, bà được trả tự do và kết hôn ở tuổi 20. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân với một ngư dân sống ở một thị trấn đánh cá nhỏ chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Nhưng trong vòng một năm sau khi ly hôn, bà đã tái hôn với người chồng thứ hai, đây được xem là thời gian hạnh phúc của Kazuko.

Bất chấp thời thơ ấu sống trong nhà chứa, ngồi tù vài năm và bị tấn công tình dục, cuối cùng có lẽ bà cũng có thể sống một cuộc sống bình thường. Bà thậm chí còn có con với chồng mới và trở thành một phần của tầng lớp trung lưu Nhật Bản. Thật không may, sự ổn định này không kéo dài.

tự truyện của Kazuko

Kazuko Fukuda đã viết cuốn tự truyện về hành trình trốn chạy của mình. Ảnh: tokyo reporter

Kazuko bắt đầu quay lại với những thói quen cũ trong quá khứ. Bà bắt đầu uống rượu, đánh bạc và mua sắm tại những cửa hàng bách hóa lớn nhất trong thành phố. Cái giá phải trả cho thói tiêu xài hoang phí này là nợ chồng chất với nhiều loại thẻ tín dụng và thậm chí còn nợ tiền vay từ bạn bè. 

Khi món nợ lên đến 3 triệu yên thì Kazuko phải làm tiếp viên nữ (hostess) để kiếm tiền. Tiếp viên là một công việc ở Nhật Bản liên quan đến việc mặc những bộ váy dạ hội lộng lẫy và tiếp đón các nhóm đàn ông bằng cách rót đồ uống, tán tỉnh, lắng nghe họ nói chuyện, hát karaoke và đôi khi còn bí mật thực hiện hành vi quan hệ tình dục.

Những bữa tiệc và cuộc sống về đêm bắt đầu ảnh hưởng đến vai trò làm mẹ và làm vợ của bà. Kazuko 34 tuổi, có 4 người con và đang phải làm việc cực khổ để ngăn chặn những kẻ đòi nợ. Cuộc sống mà Kazuko xây dựng đang dần sụp đổ.

Tội ác và cuộc trốn chạy gần 15 năm

Năm 1982 tại câu lạc bộ tiếp viên nơi Kazuko đang làm việc có một người tên là Atsuko Yasuoka. Atsuko xinh đẹp, quyến rũ và là một trong những nữ tiếp viên nổi tiếng nhất trong câu lạc bộ. Atsuko dường như có tất cả, từ quần áo, đồ trang sức, phụ kiện và tiền bạc. Cô ấy có vẻ hạnh phúc, không căng thẳng và hình mẫu mà Kazuko muốn trở thành. Kazuko quyết định kết bạn với Atsuko và đến chỗ của cô ấy.

Vào ngày 19/08/1982, Kazuko đến nơi ở của Atsuko và bóp cổ cô. Sau khi sát hại Atsuko, bà đã lấy đi hơn 300 món đồ như quần áo, đồ trang sức và thậm chí cả sổ ngân hàng của Atsuko với tài khoản có hơn 9 triệu yên. Tất cả những món đồ và tiền mặt này đủ để trả các khoản nợ và còn dư đủ để duy trì thói quen xa hoa của Kazuko.

Tuy nhiên, trước đó Kazuko nghĩ rằng cần ngăn cảnh sát tìm thấy thi thể của Atsuko. Bà nghĩ ra một kế hoạch khiến những người đang tìm kiếm Atsuko nghĩ rằng cô đã từ bỏ trốn bằng cách đem giấu hết tất cả tài sản của nạn nhân. 

Kazuko

Ảnh: Unseen Japan

Bà cũng thuyết phục chồng mình - người khi mới biết chuyện đã yêu cầu Kazuko đầu thú, chôn xác trên núi. Họ cùng nhau khiêng xác cô và vứt ở vùng núi Matsuyama.

Nhưng những nỗ lực của Kazuko đã không thành công khi một đêm nọ, cảnh sát gọi điện đến nhà để mời bà vào đồn để thẩm vấn. Bà viện cớ và nói rằng sẽ đến sau nhưng thay vào đó, cố gắng lấy càng nhiều tiền càng tốt từ vụ cướp căn hộ của Atsuko (khoảng 600.000 yên) và bỏ trốn khỏi thành phố. Chồng bà bị bắt và bị buộc tội vứt xác.

Ban đầu, Kazuko muốn đến tỉnh Aomori. Bà ấy nói: “Tôi định chuộc lỗi cho hành động xấu xa của mình bằng cách đến một khu vực linh thiêng, cầu nguyện và tự tử. Nhưng tôi đã lên nhầm chuyến tàu và kết thúc ở Kanazawa".

Theo báo cáo về những lần nhìn thấy, điều tra và lời khai thì Kazuko đã di chuyển đến nhiều khu vực khác nhau của Nhật Bản bao gồm Hakodate, Aomori, Niigata và Osaka, nơi bà nói rằng mình vô gia cư và sống trong một chiếc hộp các tông.

Tuy nhiên, khi lần đầu tiên bỏ trốn, bà ở lại Kanazawa, nơi bà nhanh chóng tìm được công việc tiếp viên. Thông thường, các nữ tiếp viên sẽ hoạt động ở độ tuổi từ 16 - 30. Atsuko đã ngoài 30 tuổi nên bà quyết định đến Tokyo và phẫu thuật thẩm mỹ. Bên cạnh đó, việc thẩm mỹ cũng được thực hiện nhiều lần để tránh việc bị phát hiện khi đang lẩn trốn, về sau báo chí gọi bà là “七つの顔を持つ女” (nanatsu no kao o motsu onna) hay "Người phụ nữ có bảy khuôn mặt".

ảnh trước và sau khi Kazuko phẫu thuật thẩm mỹ

Ảnh trước và sau khi Kazuko phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: Medium

Bà cũng được xem là tội phạm thông minh khi biết cách đánh lạc hướng cảnh sát bằng cách đến Osaka bằng tàu cao tốc để gọi điện về nhà cho gia đình và người yêu cũ. Bà biết rõ các cuộc gọi của mình sẽ bị theo dõi, nhưng thực tế bà lại sống ở khu vực khác.

Ở Kanazawa năm 1985, Kazuko trở nên thân thiết với một trong những khách hàng của mình và họ bắt đầu mối quan hệ. Người đàn ông này không biết danh tính thực sự của Kazuko vì bà đang sống dưới một cái tên giả, khuôn mặt cũng khác do phẫu thuật thẩm mỹ. Bà chuyển đến sống cùng người đàn ông và bắt đầu làm việc trong cửa hàng bánh kẹo của anh ta. 

Thời gian trôi qua và khi cảm thấy mình an toàn, thậm chí Kazuko còn mời một trong những người con trai của mình đến sống và làm việc tại cửa hàng dưới danh nghĩa là cháu trai. 

Chủ cửa hàng bánh kẹo đã phải lòng Kazuko và ngỏ lời cầu hôn. Kazuko chưa nhận lời ngay vì còn lo bị lộ danh tính. Và đúng như bà lo sợ, một trong những người thân của người đàn ông này đã nhận ra Kazuko và báo cảnh sát.

Đó là năm 1985, ba năm sau khi Kazuko bỏ trốn lần đầu tiên, và cảnh sát đang trên đường truy bắt bà vì tội giết Atsuko. Tuy nhiên, bằng cách nào đó Kazuko đã trốn thoát bằng cách đạp xe 235 km đến thành phố Nagoya.

Ở Nagoya, bà tìm được công việc dọn dẹp khách sạn tình yêu. Khách sạn tình yêu là những khách sạn kín đáo mà khách hàng có thể trả tiền theo giờ và không cần giấy tờ tùy thân. Thông thường, không có nhân viên lễ tân và khách hàng có thể ra vào mà không gặp một bóng người nào. Việc ẩn danh này cũng là một lợi ích cho Kazuko vì sẽ không ai nhìn thấy mặt hoặc nhận ra bà.

Tuy nhiên, trong thời gian làm việc tại khách sạn, một trong những đồng nghiệp của Kazuko đã nhận ra bà từ những tấm áp phích dán ở đồn cảnh sát và yêu cầu tự thú, nhưng Kazuko từ chối và tiếp tục bỏ trốn.

Bà tiếp tục nộp đơn xin làm việc tại một khách sạn tình yêu khác ở Nagoya nhưng khi đơn xin việc yêu cầu ảnh và dấu vân tay, bà đã từ chối và chuyển đến một thành phố gần đó tên là Fukui. Nhưng cố gắng tìm việc làm mà không có giấy tờ tùy thân hoặc nơi cư trú thật khó khăn và cuối cùng bà phải làm việc trong một nhà thổ ở Osaka.

treo thưởng 1 triệu yên

Cảnh sát treo thưởng 1 triệu yên cho người cung cấp thông tin của Kazuko. Ảnh: tokyo reporter

Cuối cùng, bà rời nhà thổ, quay trở lại Fukui dưới một cái tên giả khác và tìm một công việc tại một nhà hàng lẩu truyền thống của Nhật Bản phục vụ món Oden.

Một lần nữa bà bắt đầu sống cuộc sống của mình ở Fukui như một người bình thường. Làm việc ở nhà hàng, uống rượu ở quán bar, đi hát karaoke và tận hưởng sự tự do của mình. Thậm chí bà còn thoải mái đùa giỡn với sĩ quan cảnh sát khi anh cho rằng nhìn bà giống Kazuko Fukuda.

Kết thúc cuộc trốn chạy gần 15 năm

Đến năm 1997, thời hạn cuối để kết tội Kazuko đã gần hết, cảnh sát chạy đua với thời gian và họ treo thưởng khoảng 1 triệu yên cho bất kì thông tin hữu ích nào được cung cấp.

Vào ngày 24/07/1997, một khách hàng tại nhà hàng Oden nơi Kazoku làm việc đã báo cảnh sát về một người phụ nữ giống Kazuko và làm việc tại nhà hàng. Cảnh sát đến và thẩm vấn bà.

Tại nhà hàng, trong khi ăn uống với cảnh sát, Kazoku trả lời các câu hỏi nhưng từ chối lấy dấu vân tay. Tuy nhiên, cảnh sát đã lấy được dấu vân tay từ của một số maracas (loại nhạc cụ cầm tay nghe như tiếng lục lạc) trong nhà hàng dùng để hát karaoke cũng như những chai bia mà bà đã uống trong quá trình thẩm vấn.

Kazuko bị bắt

Kazuko bị áp giải bằng tàu hỏa. Ảnh: tokyo reporter

Kazuko bị bắt và đưa về đồn để thẩm vấn thêm. Trong khi thẩm vấn, bà một mực cho rằng mình không giết Atsuko mà chỉ là đồng phạm. Tuy nhiên khi xác minh người đàn ông mà Kazuko nhắc đến thì cảnh sát phát hiện ông đã qua đời.

Lúc này chỉ còn 6 ngày nữa là kết thúc thời hạn kết án Kazuko và cảnh sát cần nhanh chóng chứng minh người đàn ông đó có chứng cứ ngoại phạm, không liên quan đến vụ án. Người thật thì đã qua đời, còn người thân của ông thì không thể nào nhớ được ông đã làm gì vào ngày 19/08/1982.

May mắn thay, người nhà còn giữ một cuốn nhật ký cũ mà người đàn ông đã viết và từ những thông tin được ghi, cảnh sát có thể xác nhận ông ta thực tế là đang ở Tokyo vào thời điểm vụ án xảy ra.

phim Kazuko

Bộ phim về Kazuko Fukuda . Ảnh: wiki-D addicts

Kazoku cuối cùng đã bị kết án vào năm 1999 về tội giết Atsuko và bị Tòa án quận Takamatsu kết án tù chung thân. Trong quá trình xét xử, tòa án phán quyết rằng vụ giết người không được tính toán trước nhưng vụ cướp thì có.

Kazoku đã cố gắng kháng cáo lại bản án nhưng bị Tòa án tối cao bác bỏ vào năm 2003. Khi đang thụ án trong tù ở thành phố Wakayama, năm 2005, bà suy sụp và được đưa đến bệnh viện, qua đời vào ngày 10/03/2005 ở tuổi 57. 

Mặc dù Kazoku đã trốn thoát trong nhiều năm và chỉ phải ngồi tù khoảng 5 năm vì tội giết người trước khi qua đời, trường hợp của bà đã mang lại sự thay đổi. Năm 2010, chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi Luật tố tụng hình sự và bãi bỏ thời hạn đối với tội giết người.

Năm 2016, bộ phim "Fukuda Kazuko Seikei Tobo 15-nen" dựa trên cuộc đời của Kazuko đã được phát sóng trên kênh TV Asahi.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU