Tỷ lệ thất nghiệp cao, dân số già, nơi tập trung phần lớn người vô gia cư, đã khiến Kamagasaki trở thành “khu ổ chuột” nổi tiếng của Osaka.
Nơi những người vô gia cư chật vật để tồn tại
Kamagasaki là một phần của phường Nishinari-ku ở Osaka. Đến tháng 05/1966, nơi đây được đổi tên thành Airin-chiku.
Trái ngược với khung cảnh cao cấp, sạch sẽ và tập trung khách du lịch như Tsutenkaku, Shinsekai và Nipponbashi, Kamagasaki dù ở ngay sát nhưng lại mang một không khí hoàn toàn khác biệt - một khu ổ chuột.
Nơi nào cũng từng có một quá khứ huy hoàng và Kamagasaki không ngoại lệ. Trong thời kỳ bùng nổ kinh tế của Nhật Bản, Kamagasaki nhộn nhịp với hàng trăm nghìn lao động trẻ tuổi. Nhưng ở nơi tập trung quá nhiều người lao động thì cũng đồng nghĩa với xung đột dễ dàng xảy ra.
Cuộc bạo loạn đầu tiên xảy ra vào ngày 01/08/1961, khi một người lao động lớn tuổi ở Kamagasaki thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông. Một nhân viên điều tra đã đến hiện trường cho rằng người đàn ông đã chết (điều mà chỉ bác sĩ mới được phép tuyên bố) và để thi thể trên đường hơn 20 phút mà không gọi xe cấp cứu trong khi nói chuyện với các nhân chứng. Điều này đã gây nên sự phẫn nộ của những người lao động trong khu vực và họ tiến hành bạo loạn.
Năm 1966, khu vực này được chỉ định đổi tên thành Airin-chiku với mục đích đổi mới hình ảnh và cải thiện môi trường lao động với sáng kiến của chính quyền tỉnh Osaka và chính quyền thành phố Osaka, nhưng tình hình dường như khó cải thiện hơn.
Thị trường lao động đã bị thu hẹp sau khi bong bóng bất động sản và chứng khoán Nhật Bản vỡ vào năm 1990. Mọi chuyện trở nên khó khăn hơn sau trận động đất Hanshin năm 1995 giết chết hơn 6.000 người, nhiều người lao động đã đến Kamagasaki để tìm kiếm công việc xây dựng. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008 đã khiến ngày càng nhiều người thất nghiệp.
Thị trường việc làm vốn đã khan hiếm thậm chí còn trở nên "hẹp" hơn sau trận động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản vào tháng 03/2011. Trong số 330.000 người sơ tán, 120.000 người được cho là đã mất việc làm. Con số thực tế ước tính lên tới 200.000, bao gồm cả những người làm nghề tự do. Tạo việc làm là một trong những thách thức lớn nhất mà chính phủ Nhật Bản hiện đang phải đối mặt.
Vào khoảng năm 2012, khi đến thăm Kamagasaki, người ta sẽ ngay lập tức nhận thấy khu phố này "khác biệt". Diện tích 0,62km2 đầy những người đàn ông tóc bạc đi lại vô định, uống rượu trên đường, đẩy xe, khuân hộp các tông, không có bóng dáng phụ nữ hay trẻ em. Không khí tràn ngập mùi cơ thể, rượu và khói thuốc lá.
Nơi tập trung đông người nhất vào mỗi sáng là Trung tâm Lao động và Phúc lợi Airin. Bất kể thời tiết thế nào, mọi người xếp hàng trước tòa nhà hàng ngày, kiên nhẫn hy vọng một ngày tốt lành và họ sẽ nhận được một công việc. Các công ty xây dựng và những người trung gian cho các công việc lặt vặt khác nhau thường đến trung tâm vào mỗi buổi sáng để đón những người lao động trong ngày.
Những người không được chọn trong ngày thì tản bộ vô định trong các con phố, xếp hàng để nhận bữa ăn miễn phí hoặc uống rượu giá rẻ. Vào buổi tối, những người vô gia cư xếp hàng tại trung tâm để mua vé vào các nhà tạm trú.
Katsuyuki, từng là thợ mộc, nói: "Khi tôi đến đây 16 năm trước, có rất nhiều công việc được trả 15.000 yên một ngày. Bây giờ, ngay cả khi bạn có kỹ năng đặc biệt như thợ mộc, cũng có rất ít công việc và tiền lương liên tục giảm. Thợ mộc từng kiếm được 20.000 yên đến 40.000 yên một ngày. Bây giờ không còn nữa".
Tuy nhiên khi công nghệ thông tin phát triển, thay vì đến trung tâm lao động vào buổi sáng, nhiều ông chủ hiện nay tìm kiếm công nhân qua điện thoại di động và internet, nơi mà nhiều công nhân thất nghiệp không có khả năng tiếp cận.
Yoshinori Kishi, một quan chức thành phố Osaka phụ trách hỗ trợ những người lao động trong khu vực, cho biết: “Nhiều người lao động trong khu vực không thể theo kịp công việc xây dựng khi họ già đi".
Nhưng cũng vẫn có nhiều người lao động đến trung tâm mỗi sáng để tìm kiếm công việc duy nhất hiện có ở đó - lau sàn của trung tâm lao động do chính phủ tài trợ hoặc nhặt rác. Họ rất vui khi nhận được công việc này vì ít nhất họ còn có cơ hội kiếm tiền để tồn tại.
Tại quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, thách thức về già hóa được đặt lên hàng đầu so với suy thoái kinh tế. Gần 40% cư dân Kamagasaki từ 65 tuổi trở lên, gần gấp đôi ở những nơi khác.
Sự xuống cấp, nghèo đói ở nơi đây khiến chính quyền thành phố Osaka không cho phép cái tên "Kamagasaki" xuất hiện trên các bản đồ chính thức và không khuyến khích sử dụng cái tên này trên các phương tiện truyền thông.
Tuy nhiên, bất chấp tình trạng nghèo đói khủng khiếp và độ an toàn thấp thì Kamagasaki có ý thức cộng đồng riêng biệt, cùng với sự cởi mở hiếm thấy ở các thành phố của Nhật Bản. Mọi người vẫn trò chuyện và quan tâm lẫn nhau.
Nỗ lực thay đổi diện mạo khu vực
Trong những năm gần đây, một số cải tiến đã được thực hiện như các chương trình hỗ trợ việc làm, chống tội phạm và vệ sinh khu vực.
Điều này bắt đầu vào năm tài chính 2013, sau khi chính quyền thành phố chỉ định phường xung quanh Nishinari là một quận đặc biệt. Cảnh sát và người dân tại đó đã làm việc chăm chỉ để cải tạo khu vực và cải thiện an ninh.
Với lợi thế là giá thuê phòng rẻ, nên giờ đây không có gì lạ khi bắt gặp khách du lịch nước ngoài kéo vali ở khu vực Airin ở phía nam của nhà ga, họ đã khiến không khí nơi đây bớt ảm đạm hơn. Những ngôi nhà trọ đơn sơ được cải tạo để phục vụ người nước ngoài đã trở nên phổ biến. Nhiều căn hộ chung cư bắt đầu thu hút khách du lịch, thuê nhân viên nói được hai thứ tiếng, lắp đặt Wi-Fi và cung cấp dịch vụ cho thuê xe đạp.
Tuy nhiên, một nhân viên y tế và phúc lợi ở phường Nishinari bày tỏ lo ngại rằng sự thay đổi đột ngột của khu vực có thể cô lập những người lao động lớn tuổi khỏi cộng đồng.
kilala.vn