Hướng dẫn cách thoát khỏi hỏa hoạn từ Sở Cứu hỏa Kyoto

Bài: NatsumeDec 22, 2021

Vụ hỏa hoạn làm 24 người thiệt mạng tại Osaka đã một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo về tính cấp thiết của việc phổ cập kỹ năng thoát khỏi tòa nhà bị cháy cho người dân.

Vào khoảng 10h20, thứ 6 (17/12) giờ địa phương, một ngọn lửa đã bùng lên từ tầng 4 của một tòa nhà gần ga JR Osaka, nơi đây được xác định là phòng khám Nishi Umeda chuyên hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Hơn 70 xe cứu hỏa và xe cứu thương đã tham gia dập lửa, đến khoảng 10h45, đám cháy cơ bản đã được kiểm soát nhưng nó đã thiêu rụi khoảng 20m2 trong tòa nhà. Tính đến tối cùng ngày, cơ quan chức năng Nhật Bản xác nhận 24 người đã thiệt mạng trong tổng sổ 28 nạn nhân (gồm 17 nam, 11 nữ).

hỏa hoạn

Vụ cháy tại tầng 4 của một tòa nhà 8 tầng. Ảnh: AFP

Một số chuyên gia đã rất ngạc nhiên trước số người thiệt mạng trong một đám cháy vào ban ngày, được dập tắt trong vòng chỉ một giờ. Các nhà chức trách đang điều tra làm cách nào khói lại bốc lên sàn nhà quá nhanh và các nạn nhân lại bị mắc kẹt. Đồng thời, các quan chức cho biết không có vi phạm nào về quy tắc phòng cháy trước đó tại tòa nhà.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc này được cho là do không có lối thoát hiểm trong phòng khám và có thể vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn, nơi đây đang tập trung khá đông người đến khám. Một số khách hàng của phòng khám đã chia sẻ với truyền thông Nhật Bản rằng phòng khám này rất nổi tiếng và luôn đông đúc với khoảng 20 người chờ đợi, đặc biệt là vào thứ Sáu khi có các chương trình và tư vấn đặc biệt.

hỏa hoạn

Đội cứu hỏa tích cực dập đám cháy. Ảnh: BBC

Khi đám cháy đã bắt đầu lan rộng, khu vực xung quanh lối ra vào trong phòng khám cho phép sơ tán ra bên ngoài dường như đã bốc cháy dữ dội khiến những người ở trong không có đường để thoát ra ngoài. Họ hít phải khói trong phòng gây ra ngộp thở và không thể chịu đựng đến khi được đội cứu hộ giải cứu.

Trước đó, sau vụ hỏa hoạn ở Kyoto Animation Co. vào tháng 7 năm 2019, thiêu rụi Studio thứ nhất của công ty và làm 36 người thiệt mạng, Sở Cứu hỏa thành phố Kyoto đã ban hành hướng dẫn sơ tán để bảo vệ tính mạng khỏi hỏa hoạn, dự kiến các tình huống trong đám cháy quy mô lớn. Khi đưa ra phương pháp sơ tán và các điểm lưu ý, Sở Cứu hỏa đã phân tích 70 hành động của người dân trong quá trình sơ tán, bằng cách phỏng vấn những người sống sót và xem xét các trường hợp của những người đã chết.

Dưới đây là hướng dẫn chi tiết của Sở Cứu hỏa thành phố Kyoto

Phân tích các mức độ rủi ro của hỏa hoạn

Cấp độ 1

Cầu thang không có khói và đủ điều kiện di chuyển

Cách thoát hiểm: Di chuyển xuống tầng thấp nhất có thể bằng cầu thang bộ. Lưu ý tuyệt đối không được dùng vật gì để giữ cửa luôn mở vì khói có thể tràn vào cầu thang, chặn đường sống của mọi người.

Cấp độ 2

Không sử dụng được cầu thang do khói

Cách thoát hiểm: Đến những nơi tiếp xúc gần nhất với không khí bên ngoài (cửa sổ, ban công) để dễ dàng yêu cầu trợ giúp. Nếu có sẵn thiết bị như các loại dây, thang thoát hiểm thì hãy sử dụng. 

hỏa hoạn

Ảnh: city.kyoto.lg

Cấp độ 3

Khói tràn vào cầu thang và toàn bộ tầng lầu, bản thân những người sơ tán cũng bị khói bao trùm, đây là tình huống nguy cấp.

Cách thoát hiểm: Cố gắng xác định nơi ít có khói nhất và di chuyển đến đó, điều quan trọng là phải giữ tâm lý ổn định và hô hấp ở mức tối thiểu. Việc hoảng loạn sẽ khiến hít vào nhiều khói hơn. Tìm kiếm cửa sổ, hàng hiên hoặc không gian sơ tán tạm thời gần nhất bằng cách dựa vào ánh sáng và tường.

Lưu ý

Sau khi di chuyển đến không gian sơ tán tạm thời, sử dụng băng dính hoặc khăn giấy để bịt kín và ngăn khói xâm nhập.

Vì khói nhẹ, sẽ bay nhiều ở trên cao nên khi di chuyển ở nơi có khói, hãy hạ thấp cơ thể (cúi, bò, trườn) và thở nông.

hỏa hoạn

Ảnh: city.kyoto.lg

hỏa hoạn

Sở Cứu hỏa thành phố Kyoto giải thích cách sơ tán trong trường hợp hỏa hoạn. Ảnh: Mainichi

Khi sơ tán khỏi ban công (không có thiết bị sơ tán), không được nhảy xuống, hãy cẩn thận tìm đến những điểm tựa thấp hơn bên ngoài/bên cạnh để leo ra khỏi đám khói. Trong trường hợp của Kyoto Animation, nhiều người nhảy từ ban công đã được cứu sống, nhưng vì độ nguy hiểm cao, loại thoát hiểm này được cho là chỉ có thể áp dụng khi đang ở từ tầng hai trở xuống.

Cửa thoát hiểm, theo đúng tên gọi của nó, là nơi để mọi người di tản trong những trường hợp khẩn cấp. Thông thường, cửa thoát hiểm sẽ được làm bằng những tấm thép không gỉ bao phủ bởi lớp sơn tĩnh điện và bên trong là vật liệu chống cháy. Chính vì thế, cửa thoát hiểm luôn được đóng kín để ngăn chặn khói bụi lây lan. Do đó, khi có hỏa hoạn xảy ra, người dân hoàn toàn có thể chạy vào lối thoát hiểm để thoát khỏi đám cháy và không bị ngạt khói. Cũng vì vậy, quy định của tất cả các quốc gia là nghiêm cấm chặn đồ trước cửa thoát hiểm và không được giữ cửa luôn mở.

hỏa hoạn

Ảnh: city.kyoto.lg

Theo hướng dẫn, điều quan trọng khi kêu gọi những người khác sơ tán là phải nói to và đưa ra các chỉ dẫn rõ ràng, ngắn gọn chẳng hạn như "chạy ngay bây giờ", "lại đây", "hướng này"...

Hướng dẫn chi tiết từ Sở Cứu hỏa Thành phố Kyoto có thể được tìm thấy trên trang web chính thức của cơ quan tại liên kết sau: https://www.city.kyoto.lg.jp/shobo/page/0000267003.html (tiếng Nhật).

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU