Hộp trẻ em: Nơi cưu mang những số phận bị bỏ rơi

Bài: NatsumeJun 23, 2022

Baby box hay hộp trẻ em không chỉ là chủ đề trong tác phẩm điện ảnh "Broker" nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Cannes, mà đó là hình thức cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi ở nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản.

Ý nghĩa của Hộp trẻ em

Hộp trẻ em (Baby box) thường được đặt cố định ở một số nơi như bệnh viện hoặc nhà thờ, là nơi để những bà mẹ không có khả năng nuôi dưỡng đứa trẻ sơ sinh đem con đến đặt vào, giúp đứa bé có thể dễ dàng được tìm thấy và chăm sóc an toàn.

Không phải mới xuất hiện gần đây, theo các ghi chép, hộp trẻ em đã có ở Ý từ thời Trung cổ với tên gọi “ruota dei trovatelli”, bởi sắc lệnh của Giáo hoàng Innocent III. Nó là một ô hình trụ được đặt ở bức tường bên ngoài của tòa nhà, giống như một chiếc cửa xoay. Các bà mẹ đặt con vào rồi xoay để đưa đứa trẻ vào bên trong nhà thờ, sau đó rung chuông để báo cho những người ở trong biết. Một ví dụ của loại hình này vẫn có thể được nhìn thấy ngày nay là ở bệnh viện Santo Spirito tại Thành phố Vatican.

hộp trẻ em thời trung cổ

Hình ảnh minh họa về “ruota dei trovatelli” thời Trung cổ. Ảnh: unapennaspuntata

Theo đó, ruota dei trovatelli là nơi phụ nữ để lại đứa con của mình trong bí mật để những đứa trẻ được nuôi dưỡng, thay vì bị giết. Hình thức này sau đó xuất hiện ở nhiều quốc gia như: Đức, Pháp, Brazil, Bồ Đào Nha, Anh và Ireland. Về sau, chúng trở thành tiền đề cho “Baby box” hay “Baby hatch” thời hiện đại. Đến nay, có khoảng 21 quốc gia ghi nhận có tồn tại “Hộp trẻ em”.

Câu chuyện về Hộp trẻ em đầu tiên tại Nhật

Là một người Nhật, có lẽ chất liệu đầu tiên để Hirokazu Koreeda phát triển ý tưởng về “Broker” phần nào đến từ câu chuyện về chiếc hộp trẻ em đầu tiên của Nhật tại bệnh viện Kumamoto Jikei. Ông cũng từng chia sẻ về điều này trong buổi họp báo ra mắt phim: “Baby box tồn tại ở nhiều quốc gia trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy vậy dư luận vẫn có những ý kiến trái chiều về hành động này liệu là tốt hay xấu. Tôi tin rằng, bất cứ điều gì gây tranh cãi đều đáng được suy ngẫm”.
broker
Cảnh trong phim "Broker" của đạo diễn Hirokazu Koreeda. Ảnh: The Wrap

Bệnh viện Jikei nằm trong một khu dân cư yên tĩnh. Con đường hẹp dẫn đến một cánh cổng nhỏ được gọi là Storks Cradle (hộp thư em bé). Hasuda Taiji, giám đốc bệnh viện, đã mở dịch vụ này vào tháng 05/2007, lấy cảm hứng từ hệ thống của Đức. 

Từ năm 2005 - 2006, ba trẻ sơ sinh đã bị bỏ rơi và tử vong ở tỉnh Kumamoto. Vì không muốn những sự việc đau lòng tiếp tục xảy ra, ông Taiji đã thành lập Storks Cradle. Đây là hộp trẻ em duy nhất của Nhật Bản và tính đến năm 2017, đã có khoảng 130 trẻ sơ sinh được ủy thác. Dù chính phủ không công nhận đây là một hoạt động hợp pháp nhưng cũng không ngăn cấm.

hộp trẻ em

Ảnh: Ameba

Trên thực tế, đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh sự tồn tại của hộp trẻ em này. Một cựu tư vấn viên tại văn phòng hướng dẫn trẻ em chia sẻ với Nippon rằng “có một số người, nếu không có hộp trẻ em, có thể họ đã đến văn phòng hướng dẫn và giải thích lý do vì sao họ không thể tự mình nuôi nấng đứa trẻ, hoặc có thể sẽ chọn cách tự nuôi dạy con cái của họ, bất kể nghèo khó như thế nào.” Người này nói thêm, "Tôi không tin rằng bất kỳ ai trong số họ thực sự sẽ làm hại con mình."

Mặt khác, Nhật Bản đã ký Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, quy định rõ ràng quyền của trẻ vị thành niên được biết nguồn gốc của mình. Những đứa trẻ bị bỏ rơi trong hộp trẻ em có thể dành cả cuộc đời để tìm kiếm cội nguồn của mình, như những người bị chia cắt khỏi cha mẹ trong chiến tranh. Họ không biết chính xác mình được sinh ra vào thời điểm nào. Không có bảo hiểm y tế nào chấp nhận vì họ không có tiền sử bệnh của cha mẹ. 

hộp trẻ em tại Nhật
Ảnh được cắt trong video giới thiệu về dịch vụ Storks Cradle tại bệnh viện Jikei.

Kết cục, những đứa trẻ bị bỏ rơi khi lớn lên lại buộc phải chịu trách nhiệm về việc mang thai ngoài ý muốn của cha mẹ, người mà họ không biết danh tính và hoàn cảnh. Và những đứa trẻ đó có nên chịu những thiệt thòi này chỉ vì “mạng sống của chúng đã được cứu”?

Một số hoạt động của Baby box trên thế giới

Hàn Quốc

Mục sư Lee Jong-rak là người vận hành một "hộp trẻ em" trong Nhà thờ Cộng đồng Jusarang ở Seoul, Hàn Quốc. Hầu như mỗi đêm, chuông báo trong nhà vợ chồng ông Lee Jong-rak đều kêu, báo hiệu một em bé đã được thả vào chiếc hộp lắp ở bức tường bên ngoài ngôi nhà của họ. Trong một cuộc phỏng vấn với Asian Boss, mục sư cho biết tổ chức của họ nhận khoảng 220 - 250 trẻ sơ sinh mỗi năm. Đến nay, nơi này đã cưu mang hơn 1.500 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.
Lee Jong Rak
Mục sư Lee Jong-rak. Ảnh: Risen Magazine

Cộng hòa Séc

Tại Cộng hòa Séc, Bộ Xã hội đã xác nhận vào năm 2006 rằng hộp trẻ em là hoạt động hợp pháp theo luật của Séc. Tính đến tháng 12/2020, có 78 “baby box” trên cả nước, chủ yếu ở các thành phố lớn, giúp cứu được 214 trẻ em. 

Đức

Hộp trẻ em đã được sử dụng trở lại tại nước này từ năm 2000. Tính đến năm 2013, có hơn 90 địa điểm tương tự trên cả nước. 

Không có cơ sở pháp lý rõ ràng cho hoạt động của hộp trẻ em ở Đức, được gọi là "Babyklappen". Thông thường người mẹ bỏ rơi con mình là đã phạm tội. Tuy nhiên, theo luật của Đức, cha mẹ được phép để con của họ cho một bên thứ ba chịu trách nhiệm trong tối đa 8 tuần, chẳng hạn như khi phải nhập viện. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian đó, đứa trẻ sẽ được chuyển cho văn phòng phúc lợi trẻ em và gia đình.

babyklappen

Chỗ cưu mang Babyklappe tại Đức. Ảnh: rp-online

Mỹ

Hai địa điểm "baby box" đầu tiên bắt đầu hoạt động tại bang Indiana vào năm 2016. Tính đến tháng 07/2021, đã có 74 địa điểm tại 5 bang bao gồm: Indiana, Ohio, Arkansas, Florida và Kentucky. Tất cả 50 tiểu bang đã ban hành "luật trú ẩn an toàn" cho phép cha mẹ từ bỏ đứa con mới sinh (dưới 72 giờ) của họ một cách ẩn danh đến một số địa điểm nhất định được biết đến là "nơi an toàn", chẳng hạn như trạm cứu hỏa, đồn cảnh sát và bệnh viện. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU