Hikikomori là gì? Biểu hiện, nguyên nhân của hiện tượng Hikikomori
Bài: NobitaSep 28, 2023
Không đơn thuần chỉ là một lối sống, Hikikomori từ lâu đã trở thành một vấn đề nhức nhối âm ỉ trong xã hội Nhật Bản.
Hikikomori là gì?
Hikikomori được viết là ひきこもり hoặc 引き籠り trong tiếng Nhật, theo *Kotobank có nghĩa là “ở trong nhà, ngừng tất cả các hoạt động và sống một cách lặng lẽ”.
*Kotobank là một trang web của Nhật cung cấp dịch vụ cho phép tìm kiếm nghĩa của các thuật ngữ từ các từ điển và cơ sở dữ liệu có độ tin cậy cao do các nhà xuất bản cung cấp.
Còn theo định nghĩa của Bộ Sức khỏe, Lao Động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, “hikikomori là tình trạng hơn 6 tháng liên tục ở suốt trong nhà, không đi học, không đi làm và hầu như không có giao lưu gì với người khác ngoài gia đình”. Khác với Neet, Hikikomori vẫn có thể làm việc và học tập tại nhà.
“Hikikomori” đã chớm xuất hiện trong xã hội Nhật Bản từ những năm 80 của thế kỷ trước và chính thức được gọi tên vào năm 1990.
Ban đầu, “hikikomori” chỉ xuất hiện ở những thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 13 – 29 và thường là nam giới. Qua thời gian, “hikikomori” đã mở rộng phạm vi độ tuổi cũng như đối tượng. Ngày nay, người ta có thể bắt gặp một “hikikomori” ở nữ giới, ở độ tuổi trung niên.
Biểu hiện của hikikomori
Hiểu đơn giản “hikikomori” là sống tách biệt với thế giới. Những người được xem là “hikikomori” thường tự nhốt mình trong phòng riêng, cắt đứt hoàn toàn mọi liên hệ với thế giới bên ngoài.
Họ không đi học hay đi làm, không tham gia các hoạt động xã hội trong một thời gian dài, thậm chí có thể là cả cuộc đời; chỉ ở lì trong phòng và online suốt ngày, chìm ngập trong thế giới riêng của bản thân.
Rất khó để nhận biết từ sớm người có khuynh hướng “hikikomori” vì thông thường những người rơi vào tình trạng này trước đó hoàn toàn bình thường, không bộc lộ quá rõ biểu hiện nào.
Nguyên nhân dẫn đến hikikomori
Theo một khảo sát năm 2015 của Văn phòng Nội các Nhật Bản, nguyên nhân khiến cho một người Nhật dần dần tách rời xã hội, sống ẩn dật theo lối “hikikomori” chủ yếu chính là tác động tâm lý từ những trải nghiệm thất vọng trong cuộc sống như bị điểm kém, thành tích học tập tệ, vấp ngã trong công việc, thất tình hoặc bị bắt nạt.
Áp lực học hành, thi cử
Hệ thống giáo dục của Nhật Bản cùng với những kỳ vọng quá mức của các bậc phụ huynh đã đặt lên vai các em học sinh hàng ngàn áp lực. Kỳ thi tuyển sinh đại học ở Nhật Bản được xem là một trong những kỳ thi đại học khắc nghiệt nhất hành tinh. Thậm chí, khoảng thời gian luyện thi đại học còn được mệnh danh là "juken jigoku - 受験地獄", nghĩa là “địa ngục thi cử”.
Là nạn nhân của bạo lực học đường
Cùng với sức nặng từ chuyện học hành, nỗi sợ hãi vì là nạn nhân của bạo lực học đường cũng khiến trường học trở thành nỗi ám ảnh với nhiều học sinh, từ đó các em bài xích việc đến trường và dần dần rơi vào hội chứng “hikikomori”.
Không còn ý chí phấn đấu
Sau khi bong bóng kinh tế tan vỡ, nền kinh tế Nhật Bản trì trệ kéo dài trong một thời gian, tỉ lệ thất nghiệp cao khiến cho nhiều người thời gian này gặp khó khăn khi tham gia vào thị trường lao động.
Hiện nay, tuy rằng nền kinh tế Nhật Bản đã ổn định hơn so với thời hậu bong bóng, nhưng không thể so sánh với thời kỳ tăng trưởng thần kỳ. Nhưng người trẻ ở đất nước mặt trời mọc dần mất đi ý chí, động lực phấn đấu mà dễ dàng hài lòng với những công việc bán thời gian, họ chọn cách sống tạm bợ thay vì nỗ lực cho sự ổn định lâu dài.
Ảnh hưởng từ văn hóa xã hội Nhật Bản
Nhật Bản luôn nổi tiếng là dân tộc có tinh thần trách nhiệm, sống đoàn kết theo chủ nghĩa tập thể. Có lẽ vì vậy, người Nhật thường nghĩ đến cái chung thay vì riêng, thường tránh bày tỏ bản thân, ít tâm sự và chia sẻ với người khác.
Lâu dần, sự trầm uất dồn nén không nơi tỏ bày sẽ khiến người ta dần tách biệt với xã hội, với thế giới xung quanh.
Tác động của các sản phẩm giái trí
Các sản phẩm giải trí ngày nay cũng tác động không nhỏ lên tâm lý của những người mắc hội chứng “hikikomori”. Một bộ phận “hikikomori” được cho rằng gắn với trào lưu văn hoá Otaku với sự say mê cuồng nhiệt, chìm đắm trong thế giới ảo, manga, game, internet...
Hikikomori có phải bệnh không?
Hikikomori chỉ là một hiện tượng xã hội, không phải bệnh lý. Tuy nhiên, phần lớn nhưng người rơi vào tình trạng hikikori đều mắc các chứng bệnh tâm lý liên quan hoặc tồn tại các sang chấn, tổn thương tâm lý.
Mặt khác, cũng có những người quyết định chuyển sang trạng thái “hikikomori” và xem đó như một lối sống bình thường vì đơn giản họ không còn nhu cầu tiếp xúc với xã hội, với thế giới bên ngoài.
Theo nhà tâm lý học Saito Tamaki “Hikikomori không phải là tội phạm bạo lực hay bệnh nhân rối loạn tâm thần”.
Tuy nhiên, nếu tình trạng sống cách biệt xã hội, nhốt mình trong thế giới riêng kéo dài quá lâu, có thể sẽ khiến một người trở nên bất ổn về tâm lý, vô thức mô phỏng theo những hành vi sai lệch về đạo đức và phạm pháp trong các sản phẩm giải trí kém lành mạnh mang yếu tố bạo lực, khiêu dâm...
Vì vậy, những “hikikomori” rất cần sự động viên, giúp đỡ từ gia đình và những người xung quanh để tìm lại niềm tin, hứng thú với cuộc sống và dần quay trở lại hòa nhập xã hội.
Những hệ lụy từ hikikomori
“Hikikomori” không còn là chuyện lối sống của riêng một cá nhân, một nhóm người khi mà những “hikikomori” ngày càng tăng về số lượng, mở rộng về phạm vi độ tuổi, đối tượng và thời gian sống “ẩn dật” ngày càng kéo dài.
Trong khi nước Nhật từ lâu đã phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số, tỉ lệ sinh thấp, thiếu hụt lao động trầm trọng thì những “hikikomori” đang trong độ tuổi lao động lại từ chối tham gia lao động, tham gia vào đời sống xã hội. Điều này không chỉ tạo gánh nặng cho kinh tế gia đình của riêng những “hikikomori” mà còn tạo sức ép lên nền kinh tế quốc gia.
Hikikomori tại nhiều quốc gia trên thế giới
Mặc dù “hikikomori” là thuật ngữ khởi nguồn từ đất nước mặt trời mọc nhưng hiện tượng này không chỉ xuất hiện trong xã hội Nhật Bản. Số lượng người có dấu hiệu tương tự hikikomori đang ngày càng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Mỹ...
kilala.vn