Hệ thống sinh con bí mật ở Nhật Bản đón sản phụ đầu tiên

Bài: RinJan 7, 2022

Vào tháng 12 vừa qua, một nữ sinh trung học đã trở thành sản phụ đầu tiên sử dụng hệ thống sinh con bí mật tại bệnh viện Jikei, tỉnh Kumamoto. Đây là cơ sở y tế đầu tiên và duy nhất tại Nhật Bản cung cấp loại hình dịch vụ này. 

Hệ thống sinh con bí mật của bệnh viện Jikei cho phép những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn có thể giấu đi danh tính của mình. Dịch vụ này bắt đầu đi vào hoạt động kể từ tháng 12/2019.

sinh-con-bi-mat-benh-vien-jikei-tinh-kumamoto
Hệ thống sinh con bí mật cho phép các bà mẹ mang thai ngoài ý muốn không cần tiết lộ danh tính. Ảnh: tinytotintokyo.com

Trong cuộc họp báo ngày 4/1, Takeshi Hasuda, Giám đốc bệnh viện Jikei cho biết một nữ sinh đã gửi email cho nhân viên của bệnh viện vào giữa tháng 11/2021 khi cô đã mang thai được 9 tháng. Trong email, cô cho biết mình muốn sinh con trong bí mật vì lo sợ nếu mẹ phát hiện ra việc mang thai thì sẽ cắt đứt quan hệ. Thêm vào đó, cô gái cũng rất lo rằng cha của đứa bé khi biết sự thật có thể ra tay đánh cô. 

giam-doc-benh-vien-jikei
Takeshi Hasuda, Giám đốc bệnh viện Jikei. Ảnh: thejapantimes

Nữ sinh đã đến bệnh viện Jikei, sinh con trong bí mật rồi xuất viện. Theo bệnh viện Jikei, nữ sinh cũng bày tỏ hy vọng rằng đứa bé sẽ được một người khác nhận nuôi thông qua hệ thống nhận con nuôi đặc biệt.

Trước khi xuất viện, ông Hasuda đã khuyên nhủ nữ sinh rằng đứa trẻ có thể rất khao khát được biết mẹ là ai vì sẽ thật khó khăn cho bé nếu không biết gì về người đã sinh ra mình. Do vậy, cô gái đã tiết lộ danh tính cho trưởng cố vấn trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, bệnh viện cho biết cô đã để lại phong bì chứa bản sao thẻ bảo hiểm y tế và thẻ học sinh cùng một bức thư viết cho con. Chúng đều được bệnh viện giữ an toàn trong két sắt để bảo mật thông tin về người mẹ. Thông tin này được lưu trữ để đến tuổi trưởng thành, đứa bé có thể biết được danh tính của mẹ.

Ông Hasuda cũng bật mí thêm rằng trong suốt thời gian nhập viện, người mẹ trẻ đã đến thăm con mỗi ngày và thể hiện tình yêu sâu đậm dành cho bé. Ông Hasuda nói rằng cô gái vẫn có thể điền tên mình là mẹ bé vào bản khai sinh để nộp cho văn phòng chính quyền địa phương nếu cô thay đổi quyết định và muốn nuôi con của mình. Hiện tại, trưởng cố vấn bệnh viện đang giữ liên lạc với người mẹ trẻ và sẽ thảo luận lại vấn đề này với nữ sinh vào lần đến viện tiếp theo trong một tháng tới. 
benh-vien-jikei-tinh-kumamoto
Bệnh viện Jikei, tỉnh Kumamoto, nơi đầu tiên đề xuất hệ thống sinh con bí mật ở Nhật Bản. Ảnh: thejapantimes

Bệnh viện Jikei phát triển hệ thống sinh con bí mật trong bối cảnh ngày càng có nhiều phụ nữ sinh con mà không có sự hỗ trợ y tế để giữ bí mật về việc mang thai của mình. Hệ thống này được đưa ra nhằm mục đích ngăn việc một người mẹ tự sinh ở nhà, điều có thể đẩy cả mẹ và trẻ rơi vào tình huống cực kỳ nguy hiểm.

Tuy nhiên, hiện tại, Nhật Bản vẫn chưa có quy định pháp luật nào về việc sinh con bí mật do điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề cho chính quyền khi phải chấp nhận làm giấy khai sinh cho trẻ mà không có tên người mẹ và buộc chính quyền phải đưa chúng vào các trường hợp đặc biệt để xử lý. Bệnh viện Jikei đã và đang tìm kiếm sự hợp tác từ chính quyền trung ương và địa phương trong việc tạo ra một hệ thống hợp pháp để giải quyết những ca sinh như vậy. 

Trước Nhật Bản, tại Đức, việc sinh con bí mật là hợp pháp và được áp dụng từ năm 2014. Theo đó, phụ nữ mang thai có thể sinh con bí mật tại bệnh viện sau khi chỉ cần tiết lộ danh tính của mình cho nhân viên tư vấn về thai nhi. Đứa trẻ được phép biết về danh tính của mẹ khi bước sang tuổi 16. 

konotori-no-yurikago-3
Hộp trẻ em "Konotori no Yurikago" của bệnh viện Jikei, tỉnh Kumamoto. Ảnh: saga-s.co.jp

Vào năm 2007, bệnh viện Jikei cũng đã thiết lập nên hộp trẻ em, được gọi là “Konotori no Yurikago" mô phỏng theo mô hình “Baby Box” của Đức. Đây là chiếc hộp mà những người mẹ mang thai ngoài ý muốn mang con đến và đặt vào, ấn nút báo động rồi rời đi. Khi nghe được tiếng chuông báo động, nhân viên y tế sẽ đến và đưa em bé vào bệnh viện để chăm sóc, sau đó nhập thông tin của trẻ vào hệ thống nhận con nuôi.

Với hộp “Konotori no Yurikago", bệnh viện mong muốn ngăn chặn việc những người phụ nữ mang thai ngoài ý muốn bỏ rơi con trong điều kiện không an toàn hoặc thậm chí sát hại đứa bé. Tổng cộng đã có 159 đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được cứu nhờ hộp “Konotori no Yurikago" tính đến hết năm tài chính 2020.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU