Giới trẻ Nhật chọn PTTM vì ám ảnh ngoại hình

Nguồn: AsahiJul 22, 2023

Học sinh cấp 2, cấp 3 và thậm chí cả học sinh tiểu học ở Nhật Bản ngày càng có xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ sớm. 

Một cô bé 15 tuổi sống ở Tokyo đã trải qua cuộc phẫu thuật cắt mí vào đầu tháng 2, trước khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Lý do để cô bé đi đến quyết định này là vì cô sở hữu hai mắt không đều nhau, một bên hai mí còn bên kia thì gần như là một mí, và cô bé không thích điểm bất đối xứng như vậy trên khuôn mặt của mình. 

Nữ sinh này đã tự tìm hiểu về phương pháp phẫu thuật trên mạng. Theo đó, các phẫu thuật được thực hiện bằng cách dùng chỉ khâu mà không cần đụng đến dao mổ. Cô đã đề cập việc này với cha mẹ khi còn học tiểu học.

Cha cô hứa rằng sẽ cho phép con gái phẫu thuật nếu vượt qua được kì thi trung học. Như một động lực, cô bé đã chăm chỉ học hành và đậu vào ngôi trường danh giá.

phẫu thuật thẩm mỹ

Ảnh: Asahi

Khi đến phòng khám, báo giá cho cuộc tiểu phẫu này là 200.000 yên (khoảng 33 triệu đồng), một mức giá không hề dễ chịu. Phòng khám gợi ý làm một gói phẫu thuật khác với giá 50.000 yên (khoảng 8 triệu đồng) nhưng không đảm bảo sẽ an toàn 100%. Cô bé chấp nhận mức giá thấp hơn và tiến hành phẫu thuật vào tối thứ 7, đi học vào sáng thứ hai tuần sau.

Bạn bè nhanh chóng nhận ra sự thay đổi của cô và ghen tị vì có cha mẹ tuyệt vời. Một tuần sau, khi phần sưng đã xẹp, cô bé chia sẻ rằng mình cảm thấy vui vẻ hơn khi nỗi mặc cảm đã biến mất.

Mẹ của cô bé cũng đồng hành với con trong cuộc phẫu thuật này, bà cho biết có thể quyết định này đúng đắn vì con gái sẽ được tận hưởng những năm tháng học sinh vui vẻ hơn. Tuy nhiên bà cũng lo lắng về hệ lụy sau này khi có thể cô bé sẽ xem vẻ đẹp là một vấn đề quan trọng hơn hết và tiếp tục chi trả để thực hiện các cuộc phẫu thuật.

Bà hỏi con gái mình liệu cô bé có nghĩ là ngoại hình của một người không thể đại diện cho giá trị của người ấy hay không. Đáp lại, cô bé cho rằng người có ngoại hình đẹp hơn sẽ có lợi thế nếu khả năng như nhau.

Nghe câu trả lời, người mẹ biết rằng con gái bà đã xem xét vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau. Do đó, cha mẹ quyết định tôn trọng sự lựa chọn của cô.

phẫu thuật

Một bé gái người Nhật đang thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: time.news

Đây không phải là trường hợp thiểu số vì hầu như ngày nay đứa trẻ nào cũng mong muốn phẫu thuật cắt mắt để rũ bỏ sự tự ti.

Phòng khám Tokyo Isea, nơi cung cấp dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM), cho biết ngày nay số lượng thanh thiếu niên tìm đến với PTTM ngày càng nhiều, đặc biệt là phẫu thuật tạo nếp gấp cho mí mắt. Số người từ 10 - 19 tuổi được phẫu thuật tại phòng khám tăng mạnh từ năm 2015 - 2021.

Katsuyuki Yoshitane, giám đốc của Tokyo Isea Clinic, cho biết bệnh nhân chủ yếu bị thúc đẩy bởi những điều mà họ thấy trên điện thoại thông minh và phương tiện truyền thông xã hội.
Yoshitane nhấn mạnh: “Giờ đây, hình tượng về một vẻ đẹp lý tưởng có thể dễ dàng được tạo ra trên các ứng dụng chỉnh ảnh và nhiều người mong muốn gương mặt thực tế của họ cũng giống như trên ảnh”.

nhấn mí

Ngày càng nhiều thanh niên và cả trẻ em mong muốn thực hiện PTTM. Ảnh: nypost

Rintarou Asahi, giảng viên tại Trường Y khoa Nippon, người nghiên cứu về hậu quả của mỹ phẩm, kêu gọi mọi người thận trọng: “Về mặt y học, không phải trường hợp nào PTTM cũng bị ảnh hưởng. Nhưng có thể là tàn nhẫn khi những đứa trẻ ở độ tuổi học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông phải chịu trách nhiệm về bất kỳ biến chứng và hậu quả nào có thể phát sinh trong quá trình này”.

Việc giới trẻ đổ xô đi phẫu thuật chắc chắn gắn liền với chủ nghĩa ngoại hình - định kiến hoặc phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình của một cá nhân.

Một quảng cáo của một trung tâm thẩm mỹ vào tháng 2 cho thấy hình ảnh ba nữ sinh trung học vừa chạy vừa nói: "Chúng tôi muốn giữ vẻ dễ thương càng lâu càng tốt trong suốt ba năm trung học". Kèm theo đó là gói phẫu thuật dành cho thanh thiếu niên với giá 39.000 yên (khoảng 6,5 triệu đồng).

quảng cáo

Ảnh: Asahi

Ngay sau khi quảng cáo lan truyền trên Twitter, nó đã vấp phải sự chỉ trích từ những người coi đó là “thúc đẩy chủ nghĩa ngoại hình” và cảm thấy kiểu chào bán đó “không nên dành cho học sinh trung học”.

Naho Tanimoto, Giáo sư Xã hội học văn hóa tại Đại học Kansai, người nghiên cứu các vấn đề liên quan đến y học thẩm mỹ, lập luận rằng không nên đổ lỗi cho trẻ em về chủ đề này.

“Không có vấn đề gì với việc họ chỉ đơn giản là muốn làm đẹp. Nếu trẻ tìm kiếm lời khuyên về việc phẫu thuật thẩm mỹ, cha mẹ và những người giám hộ khác không nên đồng ý hay phản đối ngay lập tức. Thay vào đó, họ nên giải thích rằng có nhiều tiêu chí về cái đẹp, cũng như những cái lợi, cái hại của việc làm này để con cái họ có cái nhìn thật thấu đáo”.

Xem thêmCô gái Nhật PTTM liên tục từ lớp 5 để có ngoại hình như búp bê

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU