Giải pháp nào cho tình trạng lừa đảo tác phẩm nghệ thuật NFT?

Bài: Rin
Apr 26, 2022

Ảnh bìa: thecoin.news

Khi ngày càng có nhiều tác phẩm nghệ thuật NFT được rao bán với mức giá “khủng”, một số kẻ xấu đã lợi dụng lỗ hổng trong cơ chế hoạt động của các thị trường NFT để thực hiện hành vi lừa đảo.

Lừa đảo NFT khiến người bán, người mua lao đao

Vào tháng 11/2021, nhờ một người hâm mộ, họa sĩ Rei Yumesaki biết được tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số của mình đang được rao bán với giá khuyến mãi trên website OpenSea của Mỹ mà chưa có sự cho phép của cô.

Yumesaki đã sáng tạo nhân vật 3D dễ thương dạng anime và đặt tên là Tsukuyomi-chan. Cô chia sẻ nhân vật này miễn phí với cộng đồng mạng để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng cho mục đích cá nhân, miễn là họ tuân thủ các điều khoản sử dụng. 

nhân vật 3d tsukuyomi-chan
Nhân vật 3D Tsukuyomi-chan. Ảnh: Asahi 

Tuy vậy, một ai đó đã vi phạm các điều khoản và rao bán Tsukuyomi-chan trên OpenSea, đồng thời ngụy tạo để người khác không nhận ra đây là một tài nguyên miễn phí.

Họa sĩ Yumesaki bày tỏ: “Tôi cung cấp miễn phí tác phẩm của mình trên Internet để giúp đỡ người khác, nhưng tôi rất buồn khi nó bị sử dụng sai mục đích như vậy”. Điều đáng buồn là không chỉ riêng Yumesaki gặp phải chuyện này. 

Việc thiếu các chính sách bảo vệ cũng như quy trình sàng lọc trên một số thị trường nghệ thuật kỹ thuật số NFT đã góp phần làm gia tăng các vụ lừa đảo, gây ra nhiều lo ngại về vấn đề bản quyền cho các họa sĩ như Yumesaki, khi "đứa con tinh thần" bị bán sau lưng họ. Đồng thời, điều này cũng khiến nhiều người mua trở nên cảnh giác bởi lo sợ khó lấy lại được tiền sau khi mua phải một tác phẩm bị đánh cắp. 

OpenSea, nơi rao bán tác phẩm của Yumesaki, là một trong những thị trường NFT lớn nhất thế giới. NFT viết tắt từ “non-fungible token”, tạm dịch là các token không thể thay thế. Chúng quý hiếm, có tính độc nhất, không thể chia nhỏ và không thể thay thế vì được lưu trữ trên blockchain (cuốn sổ cái mật mã kỹ thuật số). NFT giúp người mua có thể sở hữu một tài sản kỹ thuật số, bao gồm hình ảnh, video, âm nhạc, tranh vẽ và nhiều thứ khác. 

tác phẩm nft bán với giá 69 triệu USD
Tác phẩm NFT "Everydays - The First 5000 Days" của họa sĩ Beeple được bán với giá 69,3 triệu USD. Ảnh: @ChristiesInc

Sự kiện đánh dấu sự "thăng hoa" của thị trường NFT là vào tháng 03/2021, khi tác phẩm "Everydays - The First 5000 Days" của họa sĩ người Mỹ Beeple được bán với giá khoảng 69,3 triệu USD.

Tuy vậy, khi thị trường NFT dành cho các tác phẩm nghệ thuật số phát triển với tốc độ chóng mặt thì số lượng tác phẩm giả mạo và các giao dịch liên quan cũng ngày càng nhiều hơn. 

Mặc dù theo điều khoản của OpenSea, hành vi vi phạm luật sở hữu trí tuệ và bán các sản phẩm bất hợp pháp bị nghiêm cấm, nhưng tác phẩm vẫn được rao bán mà không cần qua các bước sàng lọc. Do vậy, ai đó đã tìm thấy tác phẩm của họa sĩ Yumesaki và rao bán chúng dễ dàng trên OpenSea. 

opensea
Thị trường NFT OpenSea của Mỹ. Ảnh: cpomagazine.com

Yumesaki đã nhanh chóng khiếu nại việc vi phạm bản quyền với nhà điều hành trang OpenSea, ngay sau đó, tác phẩm của cô đã được gỡ khỏi website. Họa sĩ cũng cảnh báo: “Hãy cảnh giác để xem xét các tác phẩm nghệ thuật NFT có phải bị ăn cắp hay không trước khi mua chúng”. 

Gần đây, một nhân viên công sở sống tại tỉnh Gifu cũng đã "ngậm đắng nuốt cay" sau khi anh mua phải một tác phẩm NFT lừa đảo. Được biết, anh đã mua nó trên OpenSea với giá gần 3.000 yên (khoảng 500.000 VND) vào đầu tháng 12/2021. Tuy nhiên, vài ngày sau, tác phẩm anh mua lại bất ngờ biến mất khỏi website này. 

Anh cũng đã trao đổi bằng tin nhắn với nhà điều hành OpenSea để được bồi thường nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào. 

Sự cần thiết của hệ thống sàng lọc

Kentaro Okamoto, một luật sư chuyên xử lý các vụ việc liên quan đến bản quyền kỹ thuật số cho biết, người mua các tác phẩm nghệ thuật NFT được đăng bán mà không có bản quyền vẫn có thể yêu cầu người bán bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp nhất định. 

Luật sư chia sẻ thêm: “Tuy vậy, một số người mua không thể khiếu nại bởi tốn quá nhiều công sức để tiến hành các thủ tục tố tụng”. Okamoto cho biết một số thị trường NFT còn đặt ra nhiều điều khoản để làm “tấm khiên” che chắn cho chủ website không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào cho những vấn đề như trên hoặc bồi thường cho người bị hại. 

thị trường nft nanakusa
Thị trường NFT Nanakusa. Ảnh: Asahi 

Hiện nay, tại Nhật Bản, một số công ty IT đã bắt đầu ra mắt thị trường NFT giúp ngăn chặn việc mua bán bất hợp pháp. Điển hình như một thị trường NFT được ra mắt vào tháng 4/2021 với tên gọi “Nanakusa”, cho phép họa sĩ đăng ký đưa các tác phẩm của họ lên website.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là nhà điều hành website này đã thực hiện các cuộc phỏng vấn trực tuyến với họa sĩ để đánh giá tính hợp pháp và ngăn chặn tình trạng các tác phẩm nghệ thuật bị bán phi pháp trên Nanakusa. Tính đến nay, đã có khoảng 600 nghệ sĩ đăng ký và chỉ có 190 người được chấp nhận. 

Một thị trường NFT an toàn khác tại Nhật là “Adam byGMO”, được ra mắt vào tháng 08/2021 bởi tập đoàn GMO Internet Group. Website này cũng áp dụng hệ thống sàng lọc kỹ càng với các nghệ sĩ đăng ký gia nhập vào hệ thống. Cụ thể, trước khi có thể đăng bán tác phẩm, Adam byGMO sẽ tiến hành xác nhận danh tính nghệ sĩ và nền tảng nghệ thuật của họ. 

Luật sư Okamoto nhấn mạnh hệ thống sàng lọc là điều rất cần thiết để giảm thiểu các trường hợp bán tác phẩm NFT bất hợp pháp. Ông nói thêm: “Điều quan trọng là phải tạo ra các thị trường nơi người mua và người bán có thể giao dịch an toàn, để NFT phát triển một cách lành mạnh”. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU