Giải pháp mới trong mua sắm nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại Nhật Bản

Bài: Happy
Sep 18, 2022

Nguồn: The Mainichi

Giảm thiểu rác thải nhựa vẫn luôn là bài toán gây đau đầu chính quyền các quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản, trong bối cảnh nước này hiện đứng thứ hai thế giới về xả rác thải nhựa ra môi trường (theo số liệu năm 2022).

Nhật Bản hiện đang đối mặt với tình trạng sử dụng quá nhiều bao bì nhựa trong mua sắm. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp hàng đầu và khách hàng trung thành của họ đã cùng nhau thực hiện một vài thay đổi để thân thiện hơn với môi trường.

rác thải nhựa ở nhật bản
Nhật Bản đối mặt với tình trạng sử dụng quá nhiều bao bì nhựa trong mua sắm. Ảnh: tsunagulocal.com, phys.org

Song song với việc giảm thiểu lãng phí lương thực, nhằm cắt giảm lượng túi ni lông khi mua sắm ở siêu thị, người tiêu dùng Nhật Bản được khuyến khích sử dụng các loại hộp có thể tái sử dụng để đựng thực phẩm cùng các mặt hàng khác được bán theo khối lượng hoặc số lượng.

Tại nhiều khu vực khác nhau trên nước Nhật, khi mua sắm tại các cửa hàng, người dân bắt đầu mang theo các hộp đựng như vậy và chỉ mua những gì họ thực sự cần. Trong khi đó, một nhà sản xuất cân đã phát triển thiết bị có thể tự động xác định và cân sản phẩm để phục vụ cho hình thức mua sắm mới này tại các cửa hàng lớn.

Một cửa hàng đặc sản có tên Poco Mucho, tọa lạc ở thành phố Fukuoka, phía tây nam Nhật Bản (khai trương vào tháng 4/2020) bán khoảng 200 loại thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày khác nhau theo trọng lượng, chẳng hạn như hạt dẻ cười hun khói với giá 80 yên/10g và bơ đậu phộng với giá 55 yên cho cùng khối lượng .

Sản phẩm tại đây được đựng trong túi giấy hoặc chai lọ do cửa hàng cung cấp. Nhưng nếu khách hàng mang theo túi hoặc hộp đựng của riêng mình khi mua sắm sẽ được giảm 3% trên giá sản phẩm. 

cửa hàng poco mucho
Cửa hàng Poco Mucho ở Fukuoka, Nhật Bản. Ảnh: The Mainichi

Một y tá 38 tuổi, người thường xuyên mua sắm tại cửa hàng Poco Mucho chia sẻ: “Điểm hấp dẫn ở cửa hàng này là bạn có thể mua với số lượng ít tùy thuộc vào nhu cầu tiêu dùng của bạn”.

Motoki Yanase, quản lý của Poco Mucho cho biết: “Tôi hy vọng khách hàng sẽ nâng cao nhận thức về môi trường khi mua sắm tại đây”.

Các cửa hàng ở châu Âu và Hoa Kỳ đã bắt đầu nỗ lực cắt giảm rác thải nhựa. Ở Pháp, đã có phong trào loại bỏ dần việc sử dụng nhựa để đựng và đóng gói sản phẩm.

Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, hiện nay ở quốc gia này, hộp đựng và bao bì chiếm hơn 60% khối lượng rác thải sinh hoạt. Với các siêu thị và nhà bán lẻ lớn, gần như không thể tránh được đồ nhựa bởi cách bày bán và đựng các mặt hàng, kể cả rau củ và hoa quả cũng được bọc trong các gói ni lông riêng lẻ.

rác thải sinh hoạt ở nhật bản
Hộp đựng và bao bì nhựa chiếm hơn 60% rác thải sinh hoạt ở Nhật Bản. Ảnh: Kyodo News

Bộ cũng cho biết, rác thải gia đình có thể giảm đáng kể nếu nhiều người tiêu dùng có thói quen mang theo túi mua sắm và hộp đựng của riêng họ.

Các cửa hàng tại Khu mua sắm Hagoromo ở Tachikawa, phía tây Tokyo, đang khuyến khích khách hàng tự mang theo túi và hộp đựng khi đi chợ. Chẳng hạn như Sayamaen, một nhà bán lẻ trà Nhật đã thực hiện chương trình phát các nhãn dán, có thể dùng để đổi ưu đãi vào lần mua sắm tiếp theo, dành cho những khách hàng mang theo hộp đựng trà cá nhân khi tới mua sắm.

Người quản lý Sayamaen, Kazuko Ikeya (69 tuổi) cho biết: “Mua sắm xanh được coi là điều hiển nhiên đối với cả khách hàng và các cửa hàng ở đây”.

eco shopping
"Mua sắm xanh" đang là xu hướng trên toàn cầu. Ảnh: goloadup.com

Trong số các nhà bán lẻ lớn, Công ty Lawson Inc. đã bán kẹo và các nhu yếu phẩm hàng ngày theo khối lượng tại 10 cửa hàng tiện lợi Lawson và Natural Lawson ở Tokyo và tỉnh Kanagawa.

Kao Corp., một nhà sản xuất mỹ phẩm và đồ vệ sinh hàng đầu, đã bắt đầu thử nghiệm giải pháp mới. Họ bán chất tẩy rửa và nước xả vải theo khối lượng tại một số cửa hàng drugstore ở tỉnh Kanagawa và Chiba. 

Nhà bán lẻ trái cây Dole Japan Inc. đã thiết lập không gian trong các siêu thị ở Tokyo và các khu vực lân cận để bán chuối theo trọng lượng.

Tuy nhiên, việc chuyển sang những hình thức bán hàng này đang diễn ra khá chậm chạp.

Trong nỗ lực giải quyết thách thức trên, nhà sản xuất máy móc Teraoka Seiko đã phát triển một loại cân được trang bị AI có thể tự động nhận dạng loại rau hoặc trái cây trên khay bằng công nghệ chẩn đoán hình ảnh. Sau khi nhận diện được mặt hàng là gì, thiết bị sẽ cân sản phẩm và in ra nhãn giá.

thiết bị cân tự động
Cân được trang bị công nghệ AI của Teraoka Seiko. Ảnh: Kyodo News

Hiện nay, những quả táo có kích thước khác nhau thường được bán với giá như nhau miễn là chúng có cùng hình dạng, tương tự cho nhiều loại rau củ quả khác. Một quan chức Teraoka cho biết: “Vì giá cả hiện đã có thể được xác định theo trọng lượng nên chúng tôi có thể bán các mặt hàng bị cho là không đạt tiêu chuẩn”.

Toshiya Kayama, nghiên cứu cấp cao của Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Mitsubishi UFJ, người quen thuộc với các vấn đề môi trường phát biểu: “Mặc dù đóng gói sản phẩm riêng lẻ tốt cho việc bảo quản chất lượng, nhưng ngày càng có nhiều lời kêu gọi thay đổi để giảm thiểu rác thải nhựa”.

bao bì nhựa
Bao bì nhựa được sử dụng để đóng gói sản phẩm ở Nhật Bản. Ảnh: tsunagulocal.com

Theo ông, việc bán hàng theo số lượng và khối lượng có khả năng trở nên phổ biến hơn vì chúng hiệu quả trong việc thu hút người tiêu dùng.

Xem thêm: Nhật Bản cắt giảm tối đa đồ nhựa dùng một lần từ tháng 4/2022

kilala.vn

Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào năm 2015 như một lời kêu gọi hành động để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên (LHQ). SDGs được thiết kế để chấm dứt nghèo đói, AIDS và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Các SDGs dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. Bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu.
SDGs

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU