Fujitsu ra mắt ứng dụng cảnh báo sóng thần

Bài: Rin
Jul 20, 2022

Nguồn: Asahi

Từ sau thảm họa động đất, sóng thần ngày 11/03/2011, dự báo sóng thần ngày càng được chú trọng hơn tại Nhật. Thông thường, người dân nhận được cảnh báo thông qua Cơ quan Khí tượng thủy văn Nhật Bản JMA. Nhưng gần đây, với tư cách là một doanh nghiệp, Fujitsu đã tham gia vào công cuộc cảnh báo sóng thần nhằm mục tiêu giúp mọi người có thể kịp thời thoát khỏi thảm họa này.

Công ty Fujitsu Ltd., đang sử dụng siêu máy tính Fugaku và trí tuệ nhân tạo AI để phát triển một ứng dụng trên smartphone nhằm tính toán khi nào cơn sóng thần gây ra bởi động đất sẽ tấn công vào từng khu vực nhất định. Vào giữa tháng 03/2022 vừa qua, “gã khổng lồ” IT có trụ sở tại Tokyo đã tiến hành thử nghiệm ứng dụng trên tại một cuộc diễn tập sơ tán ở khu vực ven biển quận Kawasaki, thông qua sự hợp tác với chính quyền thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa. 

fujitsu thử nghiệm ứng dụng cảnh báo sóng thần
Công ty Fujitsu thử nghiệm ứng dụng cảnh báo sóng thần được phát triển bởi siêu máy tính Fugaku và AI. Ảnh: corporate-blog.global.fujitsu.com

Các thành viên của khu phố đã cài đặt ứng dụng của Fujitsu và tham gia vào buổi diễn tập. Mọi người chăm chú nhìn vào điện thoại của mình trong khi di chuyển đến địa điểm sơ tán tại một trường trung học cơ sở. 

Ứng dụng hiển thị thời gian đổ bộ ước tính và độ cao của sóng thần theo các màu sắc khác nhau. Đồng thời, vị trí của người dùng và những người tham gia khác cũng được thể hiện trên bản đồ. Nó cũng cho biết liệu có ai bị bỏ lại ở những khu vực nguy hiểm hay không.

thử nghiệm sóng thần
Cuộc thử nghiệm ứng dụng của Fujitsu tại thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa. Ảnh: Asahi 

Trưởng khu phố, ông Masayuki Suyama, 75 tuổi, chia sẻ: “Ứng dụng rất thực tế vì bản đồ của nó hiển thị nhiều thông tin, chẳng hạn như còn bao nhiêu phút nữa sóng thần sẽ tiến đến các vùng xanh”. 

Để phát triển nên ứng dụng này, công ty Fujitsu đã hợp tác với Đại học Tohoku và Đại học Tokyo. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng Fugaku, một trong những siêu máy tính có tốc độ tính toán nhanh nhất thế giới, để vận hành thử hàng chục nghìn kịch bản thiên tai khác nhau. Dữ liệu để "dạy" AI là dữ liệu dự báo các vùng bị ngập dựa trên biểu đồ sóng thần.

thảm họa kép động đất sóng thần năm 2011
Thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011 tại Nhật. Ảnh: theatlantic.com

Sau khi các trận động đất diễn ra trên thực tế, dữ liệu dạng sóng của sóng thần sẽ được Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch cùng các tổ chức liên quan thu thập, rồi nhập liệu vào máy tính của các chính quyền địa phương và bên liên quan. Qua đó, AI sẽ đưa ra dự báo về lũ lụt và gửi thông tin đến điện thoại di động của người dùng ở từng khu vực chỉ trong vài giây. 

Trong suốt quá trình mô phỏng lũ lụt, AI cũng đã kết hợp dữ liệu về địa hình, tòa nhà và tình trạng đường sá dựa trên thông tin được cung cấp bởi Viện Địa lý Quốc gia Nhật Bản và các tổ chức khác.

Kể từ sau thảm họa kép sóng thần, động đất vào ngày 11/03/2011, người dân Nhật ở vùng ven biển của khu vực Tohoku phải dựa vào các thông báo của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) để biết được độ cao của sóng thần và thời gian đổ bộ. Tuy nhiên, thời gian thực lại khác nhau rất lớn giữa các khu vực. Nhiều người đã phải bỏ mạng bởi những đánh giá sai về nguy cơ sóng thần. 

Về sau, mạng lưới quan sát sóng thần tại Nhật đã được củng cố, khả năng của siêu máy tính và AI cũng được cải thiện đáng kể. Hiện nay, điện thoại thông minh được trang bị tính năng định vị  trở nên vô cùng phổ biến. Yusuke Oishi, 43 tuổi, một nhà nghiên cứu của dự án bày tỏ: “Chúng tôi hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ thống cho phép tất cả mọi người thoát khỏi sóng thần”.

Tuy nhiên, để có thể đưa ứng dụng này vào hoạt động thực tế vẫn còn rất nhiều thử thách phía trước. Theo luật, các doanh nghiệp phải được Chính phủ cấp phép để cung cấp các thông tin dự báo sóng thần. Theo JMA, các doanh nghiệp bị cấm công bố thông tin dự báo sóng thần tới tất cả mọi người để tránh xung đột với dữ liệu từ JMA, gây ra tình trạng hoang mang.

ứng dụng fujitsu
Màn hình của ứng dụng cảnh báo sóng thần Fujitsu. Ảnh: Asahi 

Chỉ những ai đã được cảnh báo trước về sự không chắc chắn của các dự báo mới được cung cấp thông tin sóng thần qua ứng dụng của Fujitsu. Họ bao gồm các thành viên của khu phố chịu trách nhiệm ứng phó với thiên tai, nhân viên cứu hỏa tình nguyện sử dụng ứng dụng để kêu gọi sơ tán. Một đại diện của Fujitsu cho biết: “Dựa theo kết quả của cuộc thử nghiệm, chúng tôi muốn tiếp tục xem xét sẽ cung cấp thông tin dự báo này cho những đối tượng nào”.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU