Femtech: Công nghệ hướng đến phụ nữ nở rộ tại Nhật Bản

Bài: Rin
Dec 7, 2021

Ảnh bìa: beautytech.jp, Nikkei

Femtech - lĩnh vực ứng dụng công nghệ để tập trung giải quyết các vấn đề sức khỏe, tinh thần của phụ nữ, đã và đang trở thành thị trường đầy tiềm năng tại Nhật Bản. 

Kinh nguyệt, mãn kinh hay trầm cảm sau sinh đều là những vấn đề mà phụ nữ ái ngại khi chia sẻ công khai. Tuy nhiên, với việc ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề khó nói này, Femtech đã trở thành “cứu tinh” cho phái đẹp ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại Nhật Bản.

Femtech là gì? 

Femtech được ghép từ hai chữ tiếng Anh là “female – nữ giới” và “technology – công nghệ”, chỉ những nỗ lực sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề mà phụ nữ phải đối mặt, từ sức khỏe đến tinh thần. Đó có thể là các giải pháp giúp cải thiện tình trạng đau bụng kinh, những vấn đề gặp phải trong thời kỳ tiền mãn kinh hoặc các ứng dụng hỗ trợ theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, quá trình mang thai.

Trong tiếng Nhật, thuật ngữ này được gọi là “フェムテック  -  Femutekku”, và trong năm qua, Femtech đã phổ biến đến mức được đề cử trong danh sách các từ, cụm từ đại diện cho năm 2021 tại Nhật Bản.

femtech-1
Femtech mang đến nhiều ứng dụng, sản phẩm giúp giải quyết vấn đề sức khỏe của phụ nữ. Ảnh: landb.junonline.jp

Femtech - thị trường "béo bở" cho các doanh nghiệp

Thuật ngữ Femtech lần đầu xuất hiện vào năm 2013 và kể từ đó, lĩnh vực này đã có sự bùng nổ mạnh mẽ. Theo thống kê của Our World in Data, nữ giới chiếm 49,6% dân số thế giới vào năm 2017, và tại Nhật Bản, tỷ lệ phụ nữ còn cao hơn, chiếm 51,17% dân số vào năm 2020 (dữ liệu của World Bank). Hơn nữa, trong cả cuộc đời từ khi xuất hiện kinh nguyệt đến khi mãn kinh, nữ giới phải trải qua các thay đổi về mặt sinh lý, tinh thần và đối mặt với rất nhiều vấn đề đi kèm như trầm cảm sau sinh. Chính những điều này khiến Femtech trở thành một lĩnh vực có tiềm năng vô cùng lớn để các doanh nghiệp khai thác.

ung-dung-hello-clue
Ứng dụng Clue của Nhật Bản giúp theo dõi chu kỳ kinh nguyệt cùng các vấn đề liên quan đến cơ thể nữ giới. Ảnh: elle.com/jp

Theo PitchBook, vào năm 2019, ngành Femtech đã đạt doanh thu toàn cầu là 820,6 triệu USD và thu về 592 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm. Đặc biệt, Femtech được dự báo sẽ trở thành thị trường trị giá đến 5.000 tỷ yên vào năm 2025, theo một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ - Frost & Sullivan vào năm 2018.

7 lĩnh vực chính của Femtech

Công ty fermata Inc. có trụ sở tại Nhật Bản và Singapore, thành lập vào năm 2019 bởi Tiến sĩ y tế công cộng Amina Sugimoto, đang là “ông trùm” đứng đầu ngành công nghiệp Femtech tại Nhật Bản. Từ năm 2019 đến nay, fermata đã thống kê bản đồ thị trường Femtech để thể hiện sự tăng trưởng về số lượng của các công ty tham gia vào thị trường này ở một số khu vực trên thế giới như Đông Nam Á, Bắc Mỹ và châu Âu. 

Theo bản đồ thị trường của fermata, ngành công nghiệp Femtech bao gồm 7 lĩnh vực với một số sản phẩm/ dịch vụ tiêu biểu như: 

  • Kinh nguyệt: ứng dụng quản lý chu kỳ kinh nguyệt, cốc nguyệt san, quần đùi thấm nước có thể mặc khi có kinh nguyệt mà không cần dùng băng vệ sinh. 
  • Vô sinh/ khả năng sinh sản: thiết bị xác định những ngày có khả năng thụ thai, theo dõi việc chuyển dạ khi sinh, viên uống bổ sung dưỡng chất cho quá trình mang thai, bộ dụng cụ kiểm tra có thai, dịch vụ đông lạnh trứng.
  • Sức khỏe chung (các bệnh chỉ có ở nữ giới): bộ dụng cụ kiểm tra các bệnh, máy hút sữa có thể đeo lên người, sản phẩm chăm sóc vùng kín, hiệu thuốc trực tuyến. 
  • Sức khỏe tình dục: đồ chơi tình dục, các sản phẩm giúp giảm đau trong quá trình quan hệ. 
  • Sức khỏe tinh thần: dịch vụ tham vấn tâm lý, tư vấn trực tuyến và liệu pháp ngủ ngon.
  • Thai kỳ/ Hậu sản: sản phẩm giúp luyện tập cơ sàn chậu, thuốc Đông y, viên uống bổ sung, dịch vụ tư vấn trực tuyến. 
  • Mãn kinh: Sản phẩm thúc đẩy cơ sàn chậu từ bên trong, thuốc Đông y, viên uống bổ sung, dịch vụ tư vấn trực tuyến.
femtech
Ảnh: m13.co
Vào năm 2019, bản đồ thị trường Femtech toàn cầu của fermata thống kê được có 221 công ty, trong đó, lĩnh vực Kinh nguyệt chiếm số lượng công ty tham gia nhiều nhất với 50 đơn vị, theo sau là lĩnh vực Vô sinh/ Khả năng sinh sản với 49 công ty.

Đến năm 2020, số lượng công ty tham gia vào Femtech trên toàn cầu đã tăng lên 318 công ty. Lĩnh vực Kinh nguyệt vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 71 đơn vị và theo sau là Sức khỏe (các bệnh chỉ có ở nữ giới) với 66 đơn vị. Đặc biệt, chỉ sau 6 tháng, dữ liệu công bố vào tháng 11/2020 của fermata cho thấy số doanh nghiệp Femtech đã tăng lên hơn 60% với 581 công ty thuộc 36 quốc gia. Còn tại bản đồ thị trường Đông Nam Á năm 2021, fermata ghi nhận được 41 công ty, trong đó Việt Nam có 3 thương hiệu là Ovalady, Cocmau và lincup - chuyên cung cấp sản phẩm cốc nguyệt san.

femtech2020
Bản đồ thị trường Femtech toàn cầu vào tháng 11/2020. Ảnh: sg.hellofermata.com

Còn riêng tại thị trường Nhật Bản, trong năm 2020 có tổng cộng có 51 công ty Femtech hoạt động ở 5 lĩnh vực gồm: Sức khỏe chung (các bệnh chỉ có ở nữ giới) với 15 công ty, Vô sinh/ khả năng sinh sản với 13 công ty, Kinh nguyệt với 12 công ty, Sức khỏe tình dục với 6 công ty và Thai kỳ/ Hậu sản với 5 công ty. Như vậy, 2 lĩnh vực Sức khỏe tâm thần và Mãn kinh vẫn đang còn bỏ ngỏ, trong tương lai dự báo sẽ có nhiều doanh nghiệp nhảy vào thị trường tiềm năng này. 

femtech-nhat-ban-2020
Bản đồ thị trường Femtech tại Nhật Bản năm 2020. Ảnh: sg.hellofermata.com

Vì sao Femtech lại trở thành thị trường tiềm năng?

Chiếm gần một nửa dân số thế giới, Femtech hướng tới đối tượng là phụ nữ trở thành xu hướng bởi một số lý do cơ bản như  sau:

Hướng tới xây dựng một xã hội nơi phụ nữ dễ dàng lên tiếng 

Trước hết, Femtech đề cập và giải quyết vấn đề sinh lý của phụ nữ, nhất là kinh nguyệt, vốn bị xem là điều cấm kỵ trong nhiều tôn giáo trên thế giới. Trong tín ngưỡng Thần đạo, tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong xã hội Nhật, từ thời cổ đại, phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt không được phép viếng thăm bất kỳ đền thờ nào và phong tục này vẫn còn duy trì đến tận ngày nay. Thậm chí, trong một số trường hợp, phụ nữ Nhật còn hoàn toàn bị cấm leo lên các đỉnh núi thiêng khi đang hành kinh vì bị xem là “không sạch sẽ”.

Những năm gần đây, các vấn đề sinh lý như kinh nguyệt, tình dục hay những lo lắng về sức khỏe khác của phụ nữ vốn được xem là khó để chia sẻ đã dần trở nên cởi mở hơn. Do vậy, Femtech giúp giải quyết các vấn đề trên trở thành “cứu cánh” cho phái đẹp, giúp phụ nữ giảm bớt lo âu. Hơn nữa, các vấn đề mà nữ giới gặp phải cũng rất đa dạng nên thị trường Femtech thật sự là mảnh đất màu mỡ cho nhiều đơn vị nhảy vào. 

femtech-nhat-ban
Amina Sugimoto, Giám đốc điều hành của fermata, đang cầm cốc nguyệt san, một sản phẩm dùng trong kỳ kinh nguyệt. Ảnh: nishinippon.co.jp

Ngoài ra, số lượng doanh nhân nữ tại Nhật đang dần tăng lên, vấn đề “bình đẳng giới”, một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững SDGs đang rất được quan tâm tại Nhật. Tháng 10 năm nay, bà Yoshino Tomoko đã được bầu chọn là nữ Chủ tịch đầu tiên của Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản (Japanese Trade Union Confederation). Phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục #MeToo lan rộng ở nhiều nước, trong đó có Nhật Bản. Chính những sự kiện như trên đã khiến cho các vấn đề liên quan đến phụ nữ thu hút sự quan tâm đặc biệt, quyền lên tiếng về các vấn đề cá nhân của phụ nữ cũng được chú trọng hơn.

Mặc dù vẫn còn tồn tại tình trạng bất bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị tại Nhật, nhưng cùng với các dấu hiệu tích cực trên, Femtech được dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ, hứa hẹn mang đến một tương lai nơi phụ nữ dễ dàng nói lên tiếng nói của chính mình.

Xem thêm:“Trần nhà thủy tinh”: rào cản thăng tiến sự nghiệp của phụ nữ Nhật

phong-trao-metoo-nhat-ban
Phong trào #MeToo diễn ra tại quận Shinjuku, Tokyo vào ngày 28/04/2018. Ảnh: Reuters

Công nghệ ngày càng phát triển 

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong những năm gần đây chính là cơ sở để thúc đẩy lĩnh vực Femtech. Công nghệ có khả năng giải quyết các vấn đề xã hội khác nhau như Fintech (tài chính và công nghệ) hay Agritech (nông nghiệp và công nghệ), do vậy, nó hoàn toàn có thể giải quyết các vấn đề sức khỏe, sinh lý của phụ nữ, tạo ra nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với thời đại 4.0. 

Tạm kết

Những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều lời kêu gọi phụ nữ nên cân bằng giữa công việc và chăm sóc con cái, cũng như xem các vấn đề sinh lý của phụ nữ là “điều không cần phải che giấu”. Đây đều là những tín hiệu tích cực, góp phần cho mục tiêu bình đẳng giới và thúc đẩy thị trường Femtech ngày càng phát triển, mang đến những giải pháp cho một cuộc sống dễ dàng hơn đối với phái đẹp. 

kilala.vn 

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU