Dự án tái sử dụng những ngôi nhà bỏ hoang

Bài: NatsumeNov 25, 2022

Thay vì để những ngôi nhà bỏ hoang hiện diện trong khu dân cư, nhiều người đã chọn cách thuê lại những địa điểm này, cải tạo và kinh doanh như một cách tái sử dụng hiệu quả các bất động sản.

Tại Nhật Bản, nơi tỷ lệ sinh đang giảm và dân số đang già đi, vấn đề "Akiya - 空き家" (nhà bỏ hoang) đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong những năm gần đây. Theo chính phủ Nhật Bản, số lượng Akiya ở Nhật Bản đã tăng khoảng 1,9 lần (từ 1,82 triệu lên 3,47 triệu) trong 20 năm từ 1998 - 2018 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh trong tương lai. Khi Akiya không được giám sát, sẽ có nhiều tác động tiêu cực khác nhau như sụp đổ do các tòa nhà xuống cấp, hỏa hoạn và đổ rác trái phép.

akiya

Căn nhà bỏ hoang kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội.

Một số doanh nghiệp đã nhận thấy được tiềm năng của việc sử dụng những căn nhà này để không chỉ cố gắng giải quyết vấn đề Akiya mà còn tạo ra một xu hướng văn hóa khu vực mới, trong đó có Sakasama Fudosan. 

Người đề ra ý tưởng thành lập Sakasama Fudosan là anh Takefumi Mizutani. Anh từng có kinh nghiệm thuê một căn nhà tập thể gần ga Nagoya ở tỉnh Aichi, điều hành một ngôi nhà chung. Thông qua chủ sở hữu của căn nhà đầu tiên Mizutani thuê, anh quyết định thuê một căn Akiya và ngạc nhiên về số lượng Akiya không được liệt kê trong thông tin bất động sản. Sau đó, anh nhận ra rằng việc thuê nhà của mình đã vô tình giải quyết vấn đề nhà trống, nên quyết định xây dựng nên Sakasama Fudosan, nơi phù hợp với người cần thuê và người cho thuê.

cải tạo

Sau khi chọn được căn Akiya phù hợp, người thuê sẽ sửa sang lại và sử dụng cho mục đích kinh doanh của mình. Ảnh: Sakasama Fudosan

Vào năm 2018, Sakasama Fudosan đã triển khai huy động vốn từ cộng đồng và bắt đầu vận hành dịch vụ vào năm 2019. Trang web của họ lưu trữ thông tin về những người muốn thuê Akiya. Trên thực tế, kể từ khi dịch vụ được phát hành vào tháng 6/2020, đã có 14 trường hợp phù hợp.

Tuy nhiên, việc khó khăn là nhiều chủ sở hữu Akiya cảm thấy không thoải mái với việc thông tin của họ cũng như ngôi nhà được công bố rộng rãi. Theo khảo sát của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch về vấn đề nhà bỏ trống, 15,6% số người được hỏi trả lời rằng họ sẵn sàng cung cấp thông tin bất động sản cho công chúng. Bên cạnh đó, 34,4% trả lời hoàn toàn không có ý định công khai thông tin. Mặt khác, 45,8% chủ sở hữu đang cân nhắc việc cho thuê nhà tùy thuộc vào đối tượng thuê, phương thức sử dụng và điều kiện thuê.

sakasama

Ảnh: Sakasama Fudosan

Lý do phần lớn mà những chủ sở hữu đưa ra là họ lo sợ vấn đề an toàn, ví dụ khi địa chỉ nhà được công bố thì căn nhà bỏ trống này có nguy cơ bị xâm nhập bất hợp pháp. Bên cạnh đó, những người hàng xóm cũng sẽ biết được và soi mói về cuộc sống cá nhân của chủ nhà.

Vậy cách giải quyết của Sakasama Fudosan là thay vì công bố Akiya, trang web này sẽ công bố thông tin của những người muốn thuê. Không phải thông tin cá nhân, mà sẽ là lĩnh vực kinh doanh, mong muốn của họ về không gian (diện tích, địa điểm...), mục đích sử dụng, chi phí... Từ đó, Sakasama Fudosan sẽ kết nối các tài sản bỏ trống chưa niêm yết với những người có thể hưởng lợi từ các tài nguyên này, góp phần vào việc đẩy mạnh Mục tiêu Phát triển Bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs). Bên cạnh đó họ cũng tư vấn miễn phí và theo sát quá trình tái tạo không gian.

Khách hàng của Sakasama Fudosan kinh doanh đa dạng lĩnh vực: hiệu sách, cửa hàng xe đạp, cửa hàng kẹo, nhà hàng, quán cà phê... quan trọng là họ có nguồn năng lượng thích hợp với khu vực dân cư để tạo nên động lực mạnh mẽ phát triển cộng đồng.

tái sử dụng nhà hoang

Ảnh: Sakasama Fudosan

Trong tương lai, Sakasama Fudosan có kế hoạch thành lập hệ thống văn phòng chi nhánh không chỉ ở khu vực Tokai mà còn ở từng khu vực trên cả nước. Thông qua những sáng kiến này, anh ấy hy vọng sẽ tạo ra một dòng chảy trong đó những người đa dạng có thể phát triển doanh nghiệp và văn hóa trong khu vực, thay vì chỉ lấp đầy Akiya.

kilala.vn

Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào năm 2015 như một lời kêu gọi hành động để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên (LHQ). SDGs được thiết kế để chấm dứt nghèo đói, AIDS và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Các SDGs dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. Bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu.
SDGs

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU