Dự án phẫu thuật mắt miễn phí của bác sĩ Tadashi Hattori kêu gọi hỗ trợ
Bài: NatsumeMar 9, 2022
Được biết đến là vị bác sĩ luôn đồng hành, hỗ trợ cho người dân nghèo ở Việt Nam không may mắc bệnh đục thủy tinh thể, bác sĩ Tadashi Hattori cùng các cộng sự đang kêu gọi gây quỹ cho dự án phẫu thuật tại Móng Cái, Quảng Ninh.
Vùng Móng Cái, Quảng Ninh là một vùng biên giới nghèo, nằm ở cực Bắc Việt Nam. Tại tỉnh Quảng Ninh có một trung tâm mắt với 7 bác sĩ và thường kết hợp cùng dự án của bác sĩ Tadashi Hattori để mổ đục thủy tinh thế miễn phí cho người dân.
Trong đó có 5 bác sĩ đã được đào tạo bài bản, có thể thực hiện phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng sóng siêu âm (phaco), sử dụng năng lượng sóng âm để tán nhuyễn và tách thủy tinh thể đục thành những mảnh nhỏ rồi hút ra ngoài qua một vết mổ nhỏ, và thay vào đó bằng một thủy tinh thể nhân tạo, tương đương với phương pháp điều trị được thực hiện ở Hà Nội.
Tuy nhiên, vào năm 2019, trung tâm điều trị mắt duy nhất tại đây đã bị đóng cửa, các bác sĩ có tay nghề được điều chuyển đi những nơi khác và hiện không có bác sĩ nào tại Móng Cái có thể thực hiện phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể thường mất khoảng gần 8 triệu đồng cho mỗi ca mổ, bao gồm chi phí đi lại, ăn ở và các chi phí khác, một con số không nhỏ đối với những người nông dân.
Bên cạnh việc chỉ có thể đến thăm khám 2 năm 1 lần, ảnh hưởng của COVID-19 và những hạn chế đi lại khiến việc phẫu thuật tại các vùng sâu vùng xa càng khó khăn, dẫn đến nhu cầu khám chữa của bệnh nhân tích tụ càng nhiều.
Chính vì thế, bác sĩ Tadashi Hattori cùng các cộng sự quyết định kêu gọi hỗ trợ dự án để thực hiện việc mổ hoàn toàn miễn phí cho người dân tại Móng Cái, với tổng chi phí cần thiết cho 200 người phẫu thuật là khoảng 8 triệu yên (khoảng hơn 1,5 tỷ đồng). Cuộc phẫu thuật được thực hiện bởi các bác sĩ có tay nghề cao.
Vị bác sĩ Nhật miệt mài mang ánh sáng đến cho người Việt
Lần đầu tiên bác sĩ Tadashi Hattori đặt chân đến Việt Nam là vào năm 2002, khi nhận được lời mời giảng dạy cho các bác sĩ Việt Nam về kỹ thuật mổ dịch kính võng mạc. Trong suốt thời gian ở lại đây, tham gia các hành trình thiện nguyện phẫu thuật miễn phí cho các bệnh nhân nghèo mắc bệnh về mắt, dần dần những điều ấy đã “níu chân” vị bác sĩ tận tụy này ở lại với Việt Nam.Tại những vùng nông thôn ở nước ta, nguồn nhân lực về y tế khan hiếm nên hiếm có bác sĩ chữa các bệnh về mắt, đặc biệt là mổ đục thủy tinh thể. Nếu một bệnh nhân muốn được phẫu thuật thì cần phải đến khu vực thành thị, lúc ấy mức chi phí sẽ đội lên rất cao, bao gồm: chi phí đi lại, ăn ở, khám chữa bệnh, phẫu thuật… khiến đây trở thành điều quá xa xỉ đối với người dân nghèo ở quê.
Những người không có tiền chữa trị càng ngày sẽ càng phải đối mặt với triệu chứng đục thủy tinh thể, suy giảm thị lực, sống nhờ vào sự hỗ trợ của gia đình. Chính vì thế, bác sĩ Tadashi Hattori đã sáng lập ra Tổ chức APBA (Asia - Pacific Prevention of Blindness Association - Hiệp hội Phòng chống mù lòa châu Á - Thái Bình Dương) chuyên về điều trị nhãn khoa.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ giáo dục và hướng dẫn các bác sĩ, APBA đã liên kết với Đại học Y khoa tỉnh Kyoto để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật y tế và góp phần nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật y tế của các bác sĩ địa phương.
Vào năm 2016, lần đầu tiên APBA thử thách huy động vốn cộng đồng tại Việt Nam để duy trì quỹ phẫu thuật miễn phí ngăn ngừa mù lòa và nhận được sự ủng hộ từ nhiều người với mức gần 4 triệu yên (khoảng 791 triệu đồng), so với kì vọng 3,5 triệu yên (khoảng 692 triệu đồng).
Nhờ đó, tổ chức có thể phẫu thuật miễn phí cho 595 người trong suốt 40 ngày, mang lại "ánh sáng" cho nhiều người hơn mong đợi.
Với hơn 15 năm hoạt động tại Việt Nam, tổ chức đã thực hiện phẫu thuật đục thủy tinh thể và thay thủy tinh thể mỗi năm cho hơn 1.000 bệnh nhân và đến nay, tổng số hơn 20.000 bệnh nhân đã được phẫu thuật.
Đợt quyên góp này được đề ra với mục tiêu là 3 triệu yên và hiện đã nhận được 2,137 triệu yên. Để biết thêm thông tin và quyên góp, có thể truy cập tại đây.