Dự án những quán cà phê không vội tại Nhật Bản

Bài: Rin
Jun 28, 2022

Nguồn: Kyodo

Dự án mang tên “Cafes Where Orders Take Time” đem đến cho người trẻ bị chứng nói lắp trải nghiệm trở thành nhân viên phục vụ quán cà phê, từ đó giúp họ vượt qua trở ngại khi giao tiếp, xây dựng sự tự tin khi nói chuyện với người lạ. 

Dự án được áp dụng lần lượt ở một số quán cà phê trong vòng một ngày, với hy vọng nâng cao nhận thức của cộng đồng về những người nói lắp, đồng thời giúp họ đạt được những mục tiêu đặt ra trong cuộc sống. 

quán cà phê với nhân viên nói lắp tại toyama
Hitonari Nakazawa, một người có chứng nói lắp, đang thử sức trong vai trò nhân viên phục vụ và trò chuyện vui vẻ với khách hàng tại một quán cà phê ở Toyama. Ảnh: Kyodo

Vào một ngày tháng 6, tại một quán cà phê ở thành phố Toyama, tỉnh Toyama, bốn nhân viên phục vụ trẻ tuổi mắc tật nói lắp đang nỗ lực làm việc. Điều đặc biệt là trên khẩu trang của họ có in nhiều thông điệp như “Tôi muốn bắt chuyện với nhiều người” hay “Xin hãy nghe tôi nói hết câu". 

Theo quy định, khách hàng đến đây không được hối thúc hay cản trở nhân viên phục vụ nếu họ nói lắp trong lúc nhận đơn. Những lời động viên thân thiện như “Thư giãn nào!” hay “Chầm chậm thôi nhé!” dành cho nhân viên cũng được khuyến khích.

khẩu trang chứa thông điệp của người nói lắp
Thông điệp "Hãy trò chuyện thật nhiều với tôi nhé!" được in trên khẩu trang của các nhân viên phục vụ nói lắp ở quán cà phê ở Toyama. Ảnh: Kyodo 

Trong bầu không khí hiếu khách tại quán cà phê, nhiều khách hàng rất vui vẻ khi lắng nghe các nhân viên tâm sự về khó khăn và lo âu mà họ phải đối mặt khi mắc tật nói lắp. 

Hitonari Nakazawa, 18 tuổi, học sinh trung học đến từ Tsunan, tỉnh Niigata, thành viên của nhóm nhân viên phục vụ chia sẻ: “Em từng tránh nói chuyện với người khác nhiều nhất có thể. Nhưng bây giờ em thật sự tận hưởng các cuộc trò chuyện”. 

Còn Marin Kanamori, 21 tuổi, sinh viên năm ba Đại học Toyama cho biết: “Em xem đây là cơ hội để khuyến khích bản thân mình nói chuyện. Em muốn trở thành một nhà âm ngữ trị liệu”. 

nhân viên phục vụ marin kanamori
Marin Kanamori đang trò chuyện cùng khách hàng. Ảnh: Kyodo 

Tật nói lắp hiện đang là bệnh gây ảnh hưởng cho 1,2 triệu người tại Nhật Bản. Đây là trở ngại trong khả năng nói khi âm đầu tiên được lặp lại hoặc kéo dài không chủ ý. Nhiều người mắc tật nói lắp khi còn nhỏ và thường có dấu hiệu cải thiện qua thời gian, nhưng đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến họ bị bắt nạt hay mắc chứng lo âu xã hội bởi không phải ai cũng đủ lòng khoan dung, cảm thông dành cho họ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden là một trong những nhân vật nói lắp nổi tiếng nhất thế giới, ông cũng thường chia sẻ các chiến thuật giúp bản thân vượt qua trở ngại này để chinh phục con đường chính trị của mình. 

Mitsuko Kondo, 52 tuổi, một trong số khoảng 40 khách hàng đã ghé quán cà phê vào ngày dự án diễn ra, chia sẻ: “Tôi đã học được một bài học quan trọng, đó là hãy làm quen với từng người và cố gắng hiểu họ”.

Ý tưởng cho phép người nói lắp trải nghiệm làm việc tại quán cà phê được ra đời bởi Arisa Okumura, 30 tuổi, là một trong bốn nhân viên của quán cà phê cũng mắc chứng bệnh này. Khi còn nhỏ, cô đã bị những đứa trẻ khác trêu chọc, nói rằng chúng sợ sẽ bị nói lắp như cô nếu chạm vào cô. Okumura đã tránh trò chuyện với người khác để khiếm khuyết của bản thân không bị phát hiện. Dẫu vậy, cô luôn mơ ước được làm việc trong quán cà phê.

Vào năm 24 tuổi, cô từng du lịch đến Melbourne, Úc, nơi nổi tiếng với văn hóa cà phê. Okumura đã có cơ hội làm việc tại một cửa hàng cà phê địa phương và rất vui khi được làm cùng những người đồng nghiệp của mình. Họ hoặc là người khuyết tật, người vô gia cư hoặc là người không thể nói tiếng Anh. 

arisa okumura
Arisa Okumura, chủ nhân của ý tưởng "Cafes Where Orders Take Time". Ảnh: Kyodo 

Với mong muốn mang trải nghiệm thú vị trên về Nhật, Okumura đã khởi động dự án “Cafes Where Orders Take Time” khi cô trở về quê nhà vào năm 2017. 

Bác sĩ chuyên điều trị chứng nói lắp tại bệnh viện Đại học Kyushu ở Fukuoka, ông Yoshikazu Kikuchi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra một xã hội chấp nhận những người đang đấu tranh với bệnh rối loạn ngôn ngữ. Cũng là người mắc chứng nói lắp, ông cho biết: “Mô hình quán cà phê có ý nghĩa rất lớn trong việc kiến tạo một xã hội chấp nhận sự đa dạng”. 

Theo bác sĩ Kikuchi, trước đây, người ta cho rằng một trong những nguyên nhân chính gây ra tật nói lắp là trẻ bị kỷ luật quá nghiêm khắc, nhưng hiện nay, theo quan điểm chiếm ưu thế, khoảng 80% người nói lắp mắc bệnh này do thể chất hoặc gen. 

Xem thêm: Cà phê "rang bằng tai" của người khiếm thị Nhật Bản

Dự án “Cafes Where Orders Take Time” đã được tổ chức hai lần ở Tokyo và đây là lần đầu tiên diễn ra ở Toyama. “Mẹ đẻ” của dự án, cô Okumura cho biết đang lên kế hoạch tổ chức sự kiện này tại tỉnh Mie và tỉnh Nagano, tạo cơ hội cho người nói lắp không sống tại các đô thị lớn gặp gỡ, chia sẻ các vấn đề họ gặp phải. Trong lịch trình dự kiến còn có Tokyo và thành phố Kawasaki của tỉnh Kanagawa vào mùa hè năm nay. 

Okumura bày tỏ: “Tôi sẽ cố gắng xây dựng một xã hội nơi những người trẻ mắc tật nói lắp có thể thử thách bản thân ở những công việc họ thật sự muốn làm. Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ”. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU