Đồng hồ khí hậu tại Shibuya: Tiếng đếm ngược thức tỉnh nhân loại
Bài: Natsume
Jan 25, 2022
Nguồn: Zenbird
Dự án do một nhóm bạn trẻ Nhật Bản ở độ tuổi 20 triển khai nhằm kêu gọi mọi người cùng chính phủ quan tâm hơn đến vấn đề biến đổi khí hậu và mức độ cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ diễn ra trong tương lai rất gần.
Đồng hồ khí hậu là gì?
Đồng hồ khí hậu - Climate Clock là đồng hồ hiển thị thời gian còn lại mà con người có thể đưa ra những quyết định và hành động nhằm duy trì sự nóng lên toàn cầu dưới mức 1,5°C*. Các nhà khoa học nói rằng nếu con người tiếp tục bơm carbon dioxide (CO2) vào khí quyển với tốc độ hiện tại, trong vòng chưa đầy 7,5 năm nữa, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 1,5°C - đó là dấu mốc mà các nhà khoa học gọi là “điểm không thể quay lại”.
*1,5°C là ngưỡng dùng để đo việc nóng lên của trái đất. Các nhà khoa học cho biết việc vượt qua ngưỡng 1,5°C có nguy cơ gây ra các tác động biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn nhiều đối với con người, động vật hoang dã và hệ sinh thái. Tại Hội nghị Công ước của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26, 1,5°C trở thành “mục tiêu bao quát” của các quốc gia.
Tuy nhiên, là một trong số những quốc gia phát triển hàng đầu hiện nay nhưng người Nhật vẫn chưa biết và quan tâm đến thời gian của việc biến đổi khí hậu cùng tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Nhận thức được điều này, bốn thanh niên Nhật Bản ở độ tuổi 20 đã quyết định “đứng lên” hành động để tạo ra sự khác biệt bằng dự án tác động trực tiếp đến thị giác của mọi người.
Các thành viên đã gặp nhau vào năm 2019 khi họ đang làm việc với tư cách là nhà hoạt động khí hậu của dự án “Fridays For Future”. Bốn thành viên, mỗi người tham gia vì những lý do riêng, bắt đầu hoạt động của nhóm bằng cách đưa ra các đề xuất chính sách cho chính phủ, ký các kiến nghị và tham gia chiến dịch hỗ các trợ tập đoàn với hy vọng bảo vệ tương lai của con người khỏi cuộc khủng hoảng khí hậu.
Tuy nhiên, ở Nhật Bản, có rất ít người nói thẳng về những vấn đề với các chính trị gia và tập đoàn. Chính vì thế nhóm quyết định lập thành một nhóm, đặt tên là “a(n)action” và xây dựng dự án “Đồng hồ khí hậu” tại Shibuya, một trong những khu vực “bận rộn” nhất của Nhật Bản, với lưu lượng người khổng lồ qua lại mỗi ngày, để nâng cao nhận thức đối với tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Phiên bản gốc của dự án
Trên thực tế, ý tưởng đầu tiên của dự án này đến từ các nhà hoạt động khí hậu ở Mỹ. Họ đã lắp đặt đồng hồ đầu tiên vào tháng 09/2020 ở New York. Sau đó, tại Glasgow (Scotland) và Seoul (Hàn Quốc) cũng xuất hiện loại đồng hồ này.Nhóm trưởng của a(n)action - Mio Neihart vô tình được biết đến dự án và cô nghĩ rằng đây là cách hoàn hảo để nâng cao nhận thức về môi trường cho người Nhật.
Kế hoạch hành động
Để dự án thành công, ý tưởng là chưa đủ mà cần phải có một kế hoạch chỉn chu, chi tiết và lâu dài. Và “Đồng hồ khí hậu” cũng như vậy:- Lắp đặt nhiều "Đồng hồ khí hậu" ở Shibuya để tạo ra sự tương tác khiến mọi người nhận ra mức độ cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu.
- Tạo một trang web nơi mọi người có thể truy cập thông qua mã QR. Truy cập vào trang web sẽ cho phép mọi người tham gia kiến nghị của nhóm để gây áp lực lên chính phủ Nhật Bản, buộc họ phải thay đổi chính sách khí hậu.
- Thông báo cho chính phủ Nhật Bản sau mỗi 10.000 người ký cam kết.
Mối nguy từ việc biến đổi khí hậu
Trong hơn 1 thập kỷ qua, từ khóa “biến đổi khí hậu” luôn là một từ “hot” và được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng có lẽ con người vẫn còn rất thờ ơ với vấn đề này và xem như đây là câu chuyện của các nhà lãnh đạo, mang tầm vĩ mô. Tuy nhiên, nếu nhìn lại những thảm họa đã xảy ra, chúng ta sẽ nhận thức được rằng, hậu quả của biến đổi khí hậu gần với ta hơn bao giờ hết.
Các nhà khoa học dự báo rằng nếu nhiệt độ trái đất vượt ngưỡng 1,5°C và tiến gần hơn đến mức 2oC thì trung bình hơn 1,7 tỷ người sẽ phải hứng chịu tình trạng thời tiết cực đoan. Nhưng chưa cần đến mức 2oC, mà thiên nhiên đã cảnh báo chúng ta về việc này từ rất lâu.
- Năm 2003, nắng nóng kỷ lục ở châu Âu kéo dài 30 ngày đã khiến 70.000 người tử vong.
- 2009, nhiệt độ cao nhất ở Hopetoun, Victoria là 49oC, thêm vào đó, cùng thời điểm vụ cháy rừng ở Victoria càng làm sự việc trở nên tồi tệ hơn.
- Năm 2010, từ giữa tháng 7 – 8, nhiệt độ tăng vọt lên mức 38oC, dù hầu hết mọi năm, nhiệt độ tại Moscow chỉ từ 18 – 19oC. Điều này khiến không chỉ 56.000 người thiệt mạng mà hoa màu cũng bị hư hại, nạn cháy rừng xảy ra khắp nơi.
- Tháng 05/2015, mức nhiệt ban ngày tại Ấn Độ lên đến 47oC, khiến 2.000 người thiệt mạng, mặt đường chảy nhựa do không chịu đựng nổi sức nóng.
- Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Tháng 08/2021 chứng kiến lượng mưa kỷ lục tương đương với quy mô của trận mưa xối xả ở miền Tây Nhật Bản xảy ra vào năm 2018, chủ yếu ở vùng Kyushu. Một số ý kiến cho rằng khi hiện tượng ấm lên toàn cầu diễn ra, những trận mưa lớn có cường độ tương đương với những trận mưa xối xả ở miền Tây Nhật Bản sẽ xảy ra nhiều hơn gấp ba lần. Ngoài việc hứng chịu nhiều trận mưa và bão lớn, Nhật Bản cũng đang phải trải qua những đợt nắng nóng gay gắt trong những tháng mùa hè so với trước đây.
Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào năm 2015 như một lời kêu gọi hành động để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên (LHQ). SDGs được thiết kế để chấm dứt nghèo đói, AIDS và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Các SDGs dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. Bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu.