Dân số giảm khiến nhiều hiệu sách tại Nhật biến mất

Bài: Rin
Oct 29, 2022

Nguồn: Kyodo

Ngành xuất bản xứ anh đào cũng không thoát khỏi hệ quả của sự suy giảm dân số.

Các nhà sách đang dần biến mất trên khắp nước Nhật. Theo một ước tính trong ngành, số lượng hiệu sách của đất nước mặt trời mọc đã giảm gần 1/3 trong thập kỷ vừa qua. Nguyên nhân xuất phát từ việc dân số giảm do tỉ lệ sinh thấp kéo dài, cùng với đó là sự phát triển của Internet. 

Trong khi một số người dân cho rằng nhà sách là cần thiết để tạo nên sự sôi động cho cộng đồng dân cư, số lượng khách ghé thăm vẫn tiếp tục giảm. Do vậy, để có thể tồn tại, các chủ nhà sách cần đến sự khéo léo trong kinh doanh.

Một ví dụ điển hình là hiệu sách Takashima Shobo với lịch sử 72 năm tại thành phố Koriyama, tỉnh Fukuoka. Đây là một nhà sách mang đến cảm giác xưa cũ với tấm biển quảng cáo ghi dòng chữ “BOOKS” khổng lồ, bên trong chất đầy sách văn học, tạp chí, sách tranh cùng nhiều thể loại khác, biến nó trở thành thiên đường của các “mọt sách”.

Tuy nhiên, chủ tiệm Mizuo Takashima, 67 tuổi, chia sẻ rằng vào quãng chiều muộn, không có bất kỳ vị khách nào ghé đến nhà sách. Takashima nói thêm: “Hiệu sách chỉ đóng góp khoảng 10% tổng doanh thu. 90% lợi nhuận còn lại đến từ việc giao sách đến các thư viện trường học và thư viện công cộng”. 

hiệu sách Takashima Shobo
Mặt tiền của hiệu sách Takashima Shobo. Ảnh: Kyodo 

Theo Hiệp hội Xuất bản Nhật Bản về Phát triển Hạ tầng thông tin, hiện tại, có khoảng 11.952 hiệu sách trên cả nước, giảm 30% so với 16.722 tiệm sách vào năm 2012. 

Để quản lý cửa hiệu nhỏ của mình, Takashima thường đến các doanh nghiệp và trường học tại thành phố để tiếp thị dịch vụ giao hàng sách. Ông cho biết, các tổ chức chính quyền vận hành thư viện và trường học có thể hỗ trợ rất nhiều cho những hiệu sách nhỏ nếu họ tiến hành mua sách và các loại ấn phẩm khác tại đây, thay vì các nhà cung cấp ở Tokyo và những thành phố khác. 

Dịch vụ giao hàng sách mà ông đang thực hiện có thể là một gợi ý để giúp các hiệu sách tại địa phương có thể duy trì hoạt động kinh doanh. Nhưng những trường hợp thành công như vậy cũng không thực sự phổ biến. 

ông Mizuo Takashima
Ông Mizuo Takashima, chủ tiệm sách Takashima Shobo. Ảnh: Kyodo 

Tại Tateyama, một thị trấn nhỏ của tỉnh Toyama, hiệu sách tư nhân duy nhất đã đóng cửa vào năm 2015. Từ tháng 1 năm nay, chính quyền địa phương bắt đầu tìm kiếm một nhà điều hành mới để mở cửa lại nhà sách ở thị trấn. Một công chức địa phương cho biết việc này được tiến hành vì rất nhiều cư dân cho rằng một hiệu sách là cần thiết để làm cho nơi đây trở nên sinh động hơn. 

Tuy nhiên, người điều hành hiệu sách bị đóng cửa trước đó cho biết sách không bán được vì dân số của thị trấn giảm, nên “thậm chí dù một hiệu sách mới mở ra thì tôi nghĩ cũng rất khó để duy trì”. 

Chủ của hiệu sách duy nhất tại một thị trấn ở một tỉnh khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự, cho biết doanh số sách giáo khoa giảm đáng kể do tỉ lệ sinh giảm: “Thật lòng, tôi đang tính đến việc có nên ngừng kinh doanh hay không vì số lượng trường học đã ít đi do dân số giảm”. 

Xem thêm: Dân số Nhật Bản: Những số liệu khiến chính phủ phải e ngại

Lợi nhuận gộp của các hiệu sách tại Nhật chỉ khoảng 20% sau khi đã thanh toán cho các nhà xuất bản và đại lý phân phối. Cùng với dân số giảm, ngày càng ít người đọc sách trong những năm gần đây, thì việc gia tăng các cửa hàng tiện lợi chuyên bán tạp chí cũng tạo thêm áp lực lên các hiệu sách.

Ngoài ra, nhà sách truyền thống còn chịu tác động bởi sự sẵn có của e-book và mua sắm trực tuyến. Không chỉ riêng khu vực nông thôn mà thậm chí tại Tokyo, số lượng hiệu sách cũng đã giảm gần 30% so với thập kỷ trước. 

Kazuyuki Ishii, Giám đốc điều hành của Hiệp hội nhà sách Nhật Bản cho biết: “Do số lượng hiệu sách giảm nên khả năng lớn là người đọc sách cũng sẽ giảm, tạo nên một vòng luẩn quẩn. Đã đến lúc toàn bộ ngành xuất bản Nhật cần chung tay và nghĩ ra biện pháp để đối phó”. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU