Cảnh quan Satoyama của Nhật trước nguy cơ biến mất
Bài: Rin
May 17, 2023
Nguồn: Nippon
Ảnh: Nippon
Tại Nhật Bản, tồn tại một hình thái dân cư gọi là Satoyama – một ngôi làng và toàn bộ thiên nhiên xung quanh nó. Đây là nơi người Nhật vừa sinh sống, canh tác vừa bảo tồn hệ sinh thái đa dạng. Tuy nhiên, theo sự phát triển của xã hội, những Satoyama như vậy đang đứng trước nguy cơ biến mất.
Thuật ngữ "里山 – Satoyama” được ghép từ chữ “里 – Sato – Lí", nghĩa là "làng" và “山 – Yama – Sơn”, nghĩa là "núi". Từ này dùng để chỉ khu vực nằm giữa chân núi với đồng bằng và có thể trồng trọt. Satoyama được hình thành cho mục đích canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp ở quy mô nhỏ và đã phát triển qua nhiều thế kỷ, là một biểu tượng của lối sống hòa hợp với thiên nhiên của người dân xứ Phù Tang.
Cánh đồng nơi người ta trồng lúa để làm lương thực thuộc về môi trường sống của con người, nhưng khi đầy ắp nước vào mùa xuân, chúng lại mang những đặc điểm của thế giới tự nhiên: là nơi sinh sống của những con chuồn chuồn và nhiều loài vật khác. Các khu rừng cung cấp củi để làm chất đốt cũng đồng thời là ngôi nhà của vô số loài côn trùng, và tại những cánh đồng cỏ làm thức ăn cho gia súc vẫn nở rộ những bông hoa đủ màu sắc.
Những năm gần đây, khi thuật ngữ “bền vững” đã trở nên vô cùng phổ biến trong các cuộc
thảo luận về vấn đề năng lượng và môi trường, thì một Satoyama tự cung tự
cấp nương nhờ vào tự nhiên chính là một phần thiết yếu của kế hoạch dài
hơi hướng đến phát triển bền vững.
Satoyama đối mặt với nguy cơ biến mất
Trong 50 năm qua, hình thái Satoyama ở Nhật Bản đã có sự thay đổi đáng kể. Dân số sống ở các làng quê giảm xuống là nguyên nhân chính khiến cho cảnh quan Satoyama dần bị thu hẹp.
Cùng với đó, trong giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1975, kinh tế Nhật phát triển vượt bậc kéo theo đường sá được mở rộng đến các vùng nông thôn, xe cộ có thể tiếp cận mà không gặp trở ngại. Mạng lưới đường sá đã giúp cải thiện việc phân phối hàng hóa. Theo đó, người dân dễ dàng mua thực phẩm ở các cửa hàng nên nhu cầu tự cung tự cấp cũng không còn.
Bếp ga trở thành loại bếp quen thuộc nên không cần nhặt củi trong rừng để làm than. Việc sử dụng máy xới và máy kéo cũng giúp giảm đáng kể thời gian cày ruộng, không cần phải chăn nuôi trâu bò làm sức kéo. Tất cả những điều này diễn ra trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và khí đốt.
Khi lối sống tự cung tự cấp ở các làng quê dần mất đi, Satoyama cũng không còn duy trì được sự đa dạng sinh học, nhiều loài hoa dại theo mùa không còn được nhìn thấy. Những dải đồi nằm giữa các cánh đồng cũng dễ dàng đưa máy móc nông nghiệp vào sử dụng, trong khi đó, đồng cỏ được thay thế bằng các giống cỏ có nguồn gốc châu Âu. Cây nữ lang vàng và hoa cát cánh (Kikyou) biến mất khỏi cánh đồng cỏ mùa hè. Loài bươm bướm Melitaea thường kiếm ăn trên cây nữ lang vàng giờ đây cũng đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.
Mặc dù biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề môi trường khác đang được quan tâm, nhưng các chính sách thực thi lại thiếu tầm nhìn dài hạn. Chẳng hạn như việc chặt phá rừng – một nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và có thể tái tạo để làm nơi lắp đặt các thiết bị tạo ra điện cho nhà máy điện gió, điện mặt trời...
Trong thập niên 80 đến 90, phong trào bảo tồn Satoyama đã được khởi xướng tại Nhật. Đến năm 2001, có hơn 500 nhóm môi trường tham gia vào làn sóng này. Cũng nhờ nỗ lực đó mà Satoyama dần xuất hiện trở lại, dù chưa hoàn toàn được phục hồi.
Vào năm 2010, sáng kiến Satoyama đã được đề xuất tại Hội nghị về Đa dạng sinh học diễn ra ở Nagoya, xem như cách để thúc đẩy quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên tự nhiên.
Kỹ thuật truyền thống được truyền lại cho thế hệ sau
Hiện nay, cuộc sống của người Nhật đã thay đổi và không có cách nào quay ngược thời gian về 50 năm trước để có được môi trường tự nhiên như ở các Satoyama. Tuy nhiên, vẫn có thể hồi sinh những kỹ thuật từng được dùng để quản lý Satoyama và hệ động thực vật của nó.
Những nỗ lực bảo tồn các giống loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng tại Satoyama đang diễn ra ở nhiều nơi và cũng có nhiều tiến triển. Nhiếp ảnh gia kiêm phóng viên về môi trường Nagahata Yoshiyuki, người đã dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, bảo tồn Satoyama viết trên Nippon:
"Tôi muốn tập trung vào việc học tập các kỹ thuật quản lý bền vững từng được sử dụng tại Satoyama và ủng hộ việc kết hợp, đưa những hệ thống đó vào thực tế. Chẳng hạn như đốt cỏ vào đầu mùa xuân, cắt và loại bỏ cỏ vào mùa hè, tiếp tục cắt cỏ vào mùa thu."
Tuy nhiên, những người thuần thục những kỹ thuật ấy giờ đây đã ở tuổi bảy mươi và việc truyền lại chúng cho những người trẻ, vốn quen thuộc với các phương pháp hiện đại hơn, gặp phải không ít khó khăn.
“Đây là lý do tôi muốn nói với thế hệ trẻ rằng kiến thức có thể truyền dạy lại ở mức độ nào đó thông qua sách và các tài liệu khác, nhưng kỹ thuật phải được truyền dạy trực tiếp. Và vẫn có thể bảo tồn phương pháp gìn giữ Satoyama nằm rải rác trên khắp Nhật bản thông qua việc truyền lại những kỹ thuật này. Từ đó, thay vì chỉ đơn giản dùng công nghệ mới, cần có tầm nhìn về cách giải quyết các vấn đề môi trường ở quy mô toàn cầu thông qua việc xem xét lại mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên”, nhiếp ảnh gia cho biết.
kilala.vn