Các giả thuyết phía sau sự "biến mất" thần kỳ của COVID-19 ở Nhật

Bài: kirin
Nov 26, 2021

Ảnh bìa: BBC

Trong vài tuần qua, cả thế giới xôn xao về việc biến thể Delta hầu như biến mất tại Nhật Bản, khiến số ca nhiễm tại nước này giảm sâu. Ngày 24/11, Tokyo ghi nhận chỉ 5 ca nhiễm mới, thấp kỷ lục trong năm 2021. 

Làn sóng COVID-19 thứ 5 xuất hiện tại Nhật Bản vào tháng 7, đánh dấu đợt dịch tồi tệ nhất do biến thể Delta gây ra. Và trong khi số ca nhiễm mỗi ngày đạt đỉnh điểm hơn 26.000 ca vào tháng 8, chúng đột ngột giảm xuống chỉ còn vài trăm ca trong những tuần gần đây. Báo chí gọi đây là phép màu, sự thần kỳ khó lý giải, cả thế giới kinh ngạc và tò mò trước sự biến mất của virus corona tại Nhật.

so-ca-nhiem-moi-nhat-ban

Biểu đồ số ca nhiễm COVID-19 mới tại Nhật Bản (đường màu xanh) cho thấy sự sụt giảm thần kỳ trong tháng 11. Nguồn: Our World in Data

Sự suy giảm đột ngột số ca nhiễm COVID-19 tại Nhật

Ngày 24/11 (thứ 4), Tokyo ghi nhận 5 ca nhiễm mới, đây là số ca thấp kỷ lục trong năm 2021. Không có trường hợp nào tử vong. Trước đó, vào ngày 22/11, Nhật Bản ghi nhận lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020, số ca nhiễm đạt mức 50 ca/ngày. Những tuần gần đây, số ca nhiễm mới cũng luôn ở mức dưới 200 ca/ngày. Nổi bật vào ngày 07/11, lần đầu tiên trong 15 tháng chống dịch, Nhật Bản không có trường hợp tử vong vì COVID-19. 

Các nhà hàng đã mở cửa trở lại, nhiều hoạt động trở về trạng thái bình thường, số lượng người ra đường cũng tăng lên. Đã gần hai tháng kể từ khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ, nỗi lo lắng dịch bệnh bùng phát trở lại vẫn chưa thành hiện thực. Tại sao làn sóng thứ năm của COVID-19 vốn rất dữ dội lại có thể biến mất đột ngột như vậy? 

nganh-du-lich-nhat-ban-khoi-sac

Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp từ ngày 1/10. Ảnh: japantimes

Những giả thuyết về sự biến mất của COVID-19

Nhiều chuyên gia y tế đã đưa ra phỏng đoán của mình, nhưng cũng không ít người cảm thấy bất ngờ và không thể đưa ra lời giải thích xác đáng cho hiện tượng trên. Dưới đây là một số giả thuyết được tổng hợp từ ý kiến của nhiều chuyên gia y tế trong và ngoài Nhật Bản.

Tỉ lệ phủ vắc xin cao

Motoi Suzuki, Giám đốc Viện Truyền nhiễm Quốc gia cho rằng: “Tôi nghĩ vắc xin có thể giải thích hầu hết mọi thứ”. Ông cho biết, “Trong bối cảnh nhiều người dân tuân thủ các biện pháp kiểm soát lây nhiễm ngay từ ban đầu thì việc tiêm chủng cho nhóm tuổi 20 và 40, vốn là trung tâm của sự lây lan, được đẩy mạnh từ tháng 7 đã dẫn đến số ca nhiễm giảm mạnh."

Nhật Bản bắt đầu tiêm chủng muộn hơn so với châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng hiện đã đạt tỷ lệ tiêm chủng thuộc top cao nhất trong số các nước phát triển với 75,7% dân số đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ, tính đến ngày 17/11. Ông Suzuki nhấn mạnh: “Giờ đây, vắc xin đã phát huy hiệu quả tối đa và Nhật Bản đang trong trạng thái được bảo vệ cao nhất”.

Tuy nhiên, dù được nhiều người đồng tình, quan điểm trên cũng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia, trong đó có ông Koichi Morita, Giám đốc Viện Y học Nhiệt đới, Đại học Nagasaki: "Nếu chỉ có vắc xin là nguyên nhân, thì tốc độ giảm số ca nhiễm sẽ cao hơn ở các vùng như Yamaguchi và Saga, nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn ở Tokyo. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy". Ông nói thêm: “Ngoài ra, xu hướng giảm nhiều hơn ở thế hệ trẻ, những người có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn so với người cao tuổi. Tôi nghĩ rằng hiệu quả của vắc xin là quan trọng, nhưng các yếu tố khác cũng cần được xem xét."

covid

Nhật Bản đã có độ phủ vắc xin đáng kinh ngạc. Ảnh: The Japan Times

Những người có nguy cơ nhiễm đã bị nhiễm bệnh

Về cơ bản, virus có độc lực cao có khả năng tự tiêu diệt và biến mất. Có một giả thuyết phổ biến cho rằng dịch cúm gia cầm lây lan ở Trung Quốc và virus Ebola hoành hành ở châu Phi rất độc hại, chúng giết chết vật chủ rồi biến mất. Nhưng ở Nhật Bản, nơi có số người tử vong vì COVID-19 thấp hơn so với các nước khác, việc virus biến mất cùng vật chủ là điều khó có thể xảy ra. Nếu virus sống sót, miễn dịch tự nhiên được hình thành, làm suy yếu khả năng lây nhiễm và tỷ lệ mắc bệnh thì không có gì lạ khi số ca nhiễm đã giảm đáng kể.

 “Virus đã lây lan khắp Nhật Bản” - đây là giả thuyết được đưa ra bởi Giáo sư Mark Woolhouse, nhà nghiên cứu dịch tễ học tại Đại học Edinburgh. Ông chia sẻ trên tạp chí “i” ngày 5/10 rằng sự sụt giảm này có thể là do biến thể Delta - thủ phạm gây ra làn sóng COVID tháng 8 của Nhật Bản - đã “lây lan nhanh hơn trong dân cư”. Ông cho biết: “Mức độ tăng vọt của biến thể Delta có xu hướng cao hơn. Chúng gia tăng nhanh hơn và đi xuống cũng nhanh hơn”. Ông cũng dẫn chứng trường hợp của Ấn Độ, với làn sóng đầu tiên của chủng Delta cũng lây lan mạnh rồi suy yếu trong thời gian tương đối ngắn.

Sự thay đổi trong hành vi của người dân

Các chuyên gia khác lại tin rằng virus dần biến mất khi người Nhật bắt đầu thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm virus từ mùa hè. Setsuya Kurahashi, Giáo sư tại Đại học Tsukuba, phân tích rằng những thay đổi trong "dòng người" ở Tokyo có thể đã ngăn chặn sự lây lan của nguồn bệnh: "Chúng tôi đã phân tích và điều tra lưu lượng người ở khu vực trung tâm thành phố ảnh hưởng như thế nào đến tỷ lệ nhiễm bệnh. Kết quả, lưu lượng người ở Tokyo vào khoảng 7 giờ tối trung tuần tháng 8 đã giảm khoảng 40% so với giữa tháng 7.”

Đồng thời, khoảng thời gian trước và sau Thế vận hội Tokyo, báo chí liên tục đưa tin về tình trạng căng thẳng y tế do số ca nhiễm tăng nhanh, nhiều người bệnh không được điều trị y tế và qua đời tại nhà. Những trường hợp thương tâm này có vẻ cũng đã khiến người dân lo lắng và thúc đẩy họ thay đổi hành vi của mình. Mọi người đã bắt đầu tránh những nơi có hệ thống thông gió kém như tầng hầm. Quan sát lượng người đến những trung tâm mua sắm lớn như Cửa hàng bách hóa Hanshin cũng cho thấy có sự suy giảm về số lượng.

cua-hang-bach-hoa-hanshin

Lưu lượng người đến các cửa hàng bách hóa cũng có sự sụt giảm. Ảnh: asahi

Ảnh hưởng của thời tiết

Yoshiaki Katsuta, Giáo sư Khoa Phúc lợi xã hội, Đại học Phúc lợi xã hội Kansai cho biết khí hậu có thể là yếu tố chính làm thay đổi hành vi của người Nhật. Tháng 8 năm nay, dù giữa mùa hè nhưng những cơn mưa kéo dài trên khắp cả nước đã khiến việc  ra ngoài trở nên khó khăn và lưu lượng người cũng giảm hẳn. Ông chỉ ra: “Khi trời mưa và nhiệt độ giảm xuống, bạn thậm chí không cần bật điều hòa. Tôi cho rằng việc số người mở cửa sổ thông gió tăng lên cũng là một trong những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh giảm. Ngay từ đầu, một quy mô người nhất định là cần thiết để virus lây lan liên tục."

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng yếu tố mùa đóng vai trò then chốt trong việc virus có dễ dàng lây lan hay không. Theo đó, mùa hè sẽ là thời điểm lây lan nhanh, tốc độ này giảm dần vào mùa thu. 

Văn hóa đeo khẩu trang

Bác sĩ và nhà báo y khoa Yutaka Morita chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng văn hóa đeo khẩu trang của Nhật Bản đã phát huy tác dụng. Ở các quốc gia khác như Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, mọi người đều tháo khẩu trang ngay sau khi lệnh cấm và bắt buộc đeo khẩu trang được dỡ bỏ, vì họ không có thói quen đeo khẩu trang hàng ngày. Tuy nhiên, ngay cả khi mức độ lây nhiễm đã giảm ở Nhật Bản, rất khó để tìm thấy một người không đeo khẩu trang."

Theo khảo sát của chính phủ Anh, tỷ lệ người đeo khẩu trang khi ra ngoài tiếp tục giảm. Vào tháng 7 năm nay, khi người dân Anh bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng, tỉ lệ người tuân thủ chiếm khoảng 95%, nhưng ngay khi quy định được bãi bỏ, tỉ lệ này đã giảm xuống đáng kể, chỉ còn 82%. Mặt khác, ở Nhật Bản, nơi chưa bao giờ bắt buộc phải đeo khẩu trang, tính đến tháng 8, tỷ lệ đeo khẩu trang là khoảng 93%.

Những biện pháp phòng chống lây nhiễm virus corona

Ảnh: The Moscow Times

Thói quen giữ vệ sinh của người Nhật

Người Nhật vốn có thói quen lau dọn và khử khuẩn nhà cửa, thường xuyên rửa tay, súc miệng... Đặc biệt, khi đại dịch xảy ra, việc vệ sinh, xịt khuẩn, thông khí tại nhà và nơi làm việc càng được chú trọng hơn, khiến môi trường cho virus lây lan bị thu hẹp. 

Xem thêm: Thói quen "sạch sẽ" trong sinh hoạt của người Nhật

Giảm số lượng xét nghiệm do không có triệu chứng

Giám đốc Phòng khám Shinetsu, ông Hiroaki Iwama chia sẻ với Yahoo! Japan: “Khi quá trình tiêm chủng ngày càng đẩy mạnh, số người không có triệu chứng ngay cả khi bị nhiễm bệnh đã tăng lên và họ không còn phải làm xét nghiệm PCR nữa. Tại một số trung tâm y tế ở Tokyo, số lượng xét nghiệm đã giảm xuống dưới 30% so với mức đỉnh điểm".

Tính cách trầm tĩnh của người Nhật

Người Nhật vốn không phải là một dân tộc thích "ăn to nói lớn". Nhìn chung, họ có tính cách điềm đạm và khá hướng nội, đồng thời có ý thức về sự riêng tư rất cao. Xu hướng tính cách này có lẽ cũng góp phần làm giảm cơ hội cho virus lây lan thông qua giao tiếp, trò chuyện trực tiếp.

Virus "tự hủy diệt" tại Nhật Bản

Gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản từ Viện Di truyền Quốc gia và Đại học Niigata, đứng đầu bởi Giáo sư Ituro Inoue đã công bố giả thuyết trên. Điều này xuất phát từ những thay đổi di truyền xuất hiện trong quá trình sản sinh virus COVID-19 với tốc độ tạo ra 2 biến thể mỗi tháng. Với biến thể Delta tại Nhật, chúng đã tích lũy quá nhiều đột biến cho protein phi cấu trúc, sửa lỗi mang tên là “nsp14”. Dẫn tới kết quả, virus phải “gồng mình” sửa chữa các lỗi trong một khoảng thời gian và cuối cùng dẫn tới kết cục “tự hủy diệt”. 

Ituro Inoue
Giáo sư Ituro Inoue ở Viện Di truyền học Quốc gia Nhật Bản. Ảnh: japantimes.co.jp

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện biến thể Delta không có sự đa dạng di truyền cao như biến thể Alpha. Giáo sư Ituro Inoue chia sẻ: “Chúng tôi thật sự rất sốc với những phát hiện này. Biến thể Delta có tốc độ lây lan cao hơn các biến thể trước đó. Nhưng khi các đột biến bị chồng chéo lên nhau, chúng tôi tin rằng cuối cùng nó đã trở thành một loại virus bị lỗi và không thể nhân ra thêm nữa. Khi xem xét số ca nhiễm COVID-19 không tăng ở Nhật, chúng tôi nghĩ rằng tại một số thời điểm trong quá trình đột biến, biến thể Delta đã tự hủy diệt."

Hiện nghiên cứu về Nsp14 và các tác nhân hóa học hạn chế nó đang được kỳ vọng sẽ phát triển thành một loại thuốc điều trị COVID-19 trong tương lai. 

Xem thêm: Biến thể Delta đang "tự tuyệt chủng" tại Nhật?

Làn sóng COVID thứ 6 sẽ xuất hiện vào mùa đông?

Trang Yahoo! Japan đã tham khảo ý kiến của 17 chuyên gia Nhật Bản trong lĩnh vực y tế về khả năng xảy ra làn sóng dịch thứ 6 vào mùa đông (tháng 11 đến tháng 3) này tại Nhật Bản. Tuy có sự khác biệt về quy mô, tất cả các chuyên gia đều dự báo dịch bệnh sẽ quay trở lại. Virus rất dễ lây lan vào mùa đông, và coronavirus cũng không ngoại lệ. Mùa đông năm ngoái, vào ngày 7 tháng 1, số người nhiễm bệnh ở Tokyo đã vượt quá con số 2.000 người, và tình trạng khẩn cấp thứ hai đã được ban bố ở vùng thủ đô Tokyo. Đặc biệt, lượng kháng thể ở người cao tuổi được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trong giai đoạn đầu đang suy yếu theo thời gian, đây cũng là một vấn đề đáng quan ngại. Hiện tại, Nhật Bản đang lên kế hoạch cho việc tiêm chủng mũi thứ 3, bắt đầu vào ngày 1/12.

nhat-tiem-vaccine-phong-chong-covid19

Nhật Bản dự kiến tiêm mũi 3 bắt đầu từ ngày 1/12. Ảnh: japantimes.co.jp

kilala.vn 

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU