Amae: Dựa dẫm vào người khác để tìm kiếm tình yêu thương

Bài: NatsumeDec 27, 2021

Đôi khi có những việc bạn có thể tự làm nhưng vẫn muốn nhờ vả người khác, điều này cho thấy phần nào trong bạn mong muốn dựa dẫm và được chăm sóc, như những đứa trẻ.

Amae (甘え) là danh từ của động từ “làm nũng” (Amaeru - 甘える) trong tiếng Nhật, được sử dụng để mô tả hành vi của một người khi họ mong muốn ai đó chăm sóc mình, hay vô thức muốn phụ thuộc vào người khác (bố mẹ, vợ chồng, bạn bè...) trong một thời điểm bất chợt nào đó. Trẻ em là ví dụ điển hình nhất về Amae khi chúng luôn làm nũng để nhận được sự nuông chiều từ cha mẹ.

Thuật ngữ này được nhà phân tâm học người Nhật Takeo Doi công bố vào năm 1971 và đưa vào cuốn sách “The Anatomy of Dependence” xuất bản năm 1973. Ông định nghĩa "Amae" là “hành động giống như trẻ con để được chăm sóc, có thể bao gồm than vãn, nũng nịu, vòi vĩnh... với một đối tượng nào đó mà mình cảm thấy thân thuộc”. 

amae

Cuốn sách viết về Amae của tác giả Takeo Doi. Ảnh: Walmart

Doi cho rằng, Amae đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của con người, những đứa trẻ mà tình cảm không được đáp lại sẽ trải qua sự thiếu thốn và lo lắng. “Khi bạn chăm sóc một đứa trẻ mỗi khi chúng khóc, trong một mức độ cho phép, chúng sẽ cảm thấy an toàn, tự chủ và độc lập hơn. Những đứa trẻ này phát triển sự tự tin để khám phá thế giới, bởi vì chúng biết rằng chúng sẽ được “giải cứu” nếu cần thiết. Nhưng những đứa trẻ bị bỏ rơi, chúng khóc khi ngủ, không biết khi nào nhu cầu của mình sẽ được đáp ứng, vì vậy chúng thiếu tự tin và trở nên thiếu thốn hơn”, Kazuko Behren, giáo sư tâm lý học tại Học viện Bách khoa SUNY cho biết. 

Gần như không có từ tiếng Việt nào có thể bao hàm hết ý của từ Amae, đôi khi chúng ta có thể hiểu là “sự nũng nịu”, hoặc khi một người nào đó cảm thán rằng “Bạn đừng hành xử như trẻ con nữa”, thì có thể đối tượng được nhắc đến đang hành động theo kiểu Amae.

sự nũng nịu

Ảnh: happymail

Một số đàn ông thích những cô gái có khuôn mặt trẻ con, họ mong đợi những hành vi trẻ con từ phụ nữ, hay được gọi là “kawaii – dễ thương”, hơn là một phụ nữ thanh lịch, xinh đẹp với tính cách mạnh mẽ. Ở Nhật Bản, đàn ông/ bạn trai/ chồng thích trở thành người bảo vệ phụ nữ của họ, có vẻ như họ không thích cảm thấy rằng phụ nữ là người có quyền kiểm soát.

Takeo Doi cũng cho rằng, mặc dù Amae không chỉ là một hiện tượng của Nhật Bản, nhưng người Nhật là những người duy nhất được biết đến có vốn từ vựng phong phú để mô tả nó. Vượt qua phạm vi của một hiện tượng tâm lý thông thường, Amae trở thành khái niệm đặc thù của xã hội Nhật Bản, xuất hiện thường xuyên trong đời sống của con người xứ Mặt trời mọc; nó được Doi sử dụng để lý giải động lực tinh thần của nền văn hóa Nhật Bản giàu lòng khoan dung với việc nhờ vả và quan hệ nương tựa vào nhau.

Mục đích của Amae là gì?

- Thỏa mãn một mong muốn, hoặc cần đến sự giúp đỡ để đạt được mục tiêu.

- Để thử thách tình yêu hoặc tìm kiếm tình cảm: Trong những trường hợp như vậy, người nhờ vả sẽ yêu cầu một sự ưu ái, nhưng mục đích cuối cùng không phải là lời nhờ vả đó được thực hiện mà để xem đối tác sẵn sàng chấp nhận yêu cầu của mình ở mức độ nào. 

- Để tăng cường sự gần gũi trong một bối cảnh xã hội: Ở đây có thể là một xã hội thu nhỏ (gia đình, doanh nghiệp, lớp học...) hoặc một quy mô lớn hơn. Ví dụ, một bé gái đi mua sắm cùng gia đình nhờ bố bế. Yêu cầu đó chính đáng và phù hợp nếu cô bé thực sự mệt mỏi. Nhưng nếu không, cha vẫn có thể bế cô bé, cả hai trường hợp có thể được coi là Amae.

sự nhờ vả

Ảnh: BBC

Mặt tích cực của sự nhờ vả

John McCreery, người định cư lâu năm ở Nhật Bản, chia sẻ bí quyết với những người mới đến Nhật Bản rằng nếu muốn hỏi đường ai đó trên đường thì thái độ là quan trọng nhất. Nếu quá vồ vập và nói nhanh, người Nhật sẽ có tâm lý đề phòng. Thay vào đó, hãy trông có vẻ bối rối, hơi buồn bã, lo lắng và chậm rãi nói rằng “Tôi bị lạc”, sau đó nhờ sự giúp đỡ của họ.

Một thử nghiệm ở Mỹ đối với sinh viên Nhật Bản và Mỹ cho thấy Amae tạo ấn tượng tích cực đối với người nhận, nghĩa là họ cảm thấy hạnh phúc vì được nhờ (mỗi cá nhân sẽ có một đối tượng riêng). Tuy nhiên, nếu sự nhờ vả ấy đi quá giới hạn thì sẽ gây ra những cảm xúc tiêu cực.

Có thể nói, Amae tồn tại ở khắp mọi nơi bên ngoài Nhật Bản và mọi người có thể cảm nhận trong cuộc sống của họ, ngay cả khi họ không biết phải gọi tên là gì. Thường thì Amae sẽ đi chung với Kawaii để dễ tạo thiện cảm đối với đối phương và tăng tỷ lệ thành công.

sự nũng nịu

Ảnh: BBC

Ngay cả những đứa trẻ trưởng thành (đối với cha mẹ thì con cái của họ lúc nào cũng nhỏ bé) cũng có thể làm Amae đối với cha mẹ, chẳng hạn như nhờ cha mẹ giúp đỡ điều gì đó đơn giản, để khiến họ cảm thấy thoải mái và có giá trị.

Không phải lúc nào Amae cũng thành công

Kazuko Behren, giáo sư tâm lý học tại Học viện Bách khoa SUNY, người đã nghiên cứu sâu rộng về Amae ở cả Nhật Bản cũng như ở Mỹ, nhận định rằng mặc dù Amae là một từ ngữ của Nhật Bản, nhưng nhiều người Nhật lại không thoải mái hay muốn thực hiện nó, và cũng không phải nỗ lực tạo ra Amae nào cũng thành công. Điều quan trọng là phải chọn đúng đối tượng, ai là người sẽ cảm thấy thoải mái với Amae để việc này không bị phản tác dụng.

Nếu lạm dụng quá mức, Amae có thể thúc đẩy các mối quan hệ thứ bậc và sự mất cân bằng trong doanh nghiệp. Ví dụ trong công ty, một người dùng Amae để nhờ vả ai đó giúp mình hoàn thành công việc, nếu điều này xảy ra thường xuyên sẽ tạo ra sự phụ thuộc và gây khó khăn cho các nhân viên.

sự giúp đỡ

Ảnh: Japan Times

Tạm kết

Mặc dù cảm xúc hoặc hành vi liên quan đến Amae không phải là văn hóa riêng của Nhật Bản, nhưng xét về sự đa dạng của các ý nghĩa của Amae, nó có thể là một khái niệm cốt lõi để hiểu tâm lý xã hội của người Nhật.

Đây không phải là một hành động xấu, mà nó còn có tác dụng là “chất xúc tác” cho những mối quan hệ. Kumi Kuroda, một nhà nghiên cứu về khoa học thần kinh và tâm thần học, người nghiên cứu về mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ sơ sinh, cho biết: “Ở Nhật Bản, được đối xử như một đứa trẻ là bình thường và không xúc phạm. Amae là một cách để thoát khỏi việc trở thành người lớn trong một thời gian ngắn. Nó có thể cung cấp một lối thoát cho sự căng thẳng, bởi vì ngay cả người lớn đôi khi cũng cần được quan tâm hoặc chăm sóc”.

Xem thêm: Một số khái niệm đặc thù trong xã hội Nhật Bản

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU