1/3 nam giới Nhật Bản không muốn kết hôn, đâu là lý do?

Bài: kirinAug 29, 2023

Thống kê cho thấy ngày càng có nhiều nam giới xứ Phù Tang từ chối kết hôn và lựa chọn sống độc thân cả đời. Trước đó, một cuộc khảo sát do Nippon Foundation thực hiện cũng chỉ ra có 52,3% phụ nữ trẻ “cảm thấy thoải mái hơn khi độc thân”.

Những con số thống kê

Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia gần đây đã công bố có 24% đàn ông Nhật Bản cho đến tuổi 50 chưa từng kết hôn, so với 14% ở phụ nữ. 

Khảo sát Sinh sản quốc gia năm 2015 (đối với nam và nữ chưa kết hôn từ 18 đến 34 tuổi) chỉ ra 60% nam giới và 50% nữ giới “chưa muốn kết hôn”. 48% nam giới trả lời “Tôi không nghĩ mình sẽ cô đơn dù tiếp tục sống một mình” – tăng 10% so với năm 1997.

Kazuhisa Arakawa, Trưởng Dự án nghiên cứu hoạt động của nam giới độc thân tại công ty tiếp thị Hakuhodo, tác giả cuốn sách “Super-Solo Society: The Shock of the Unmarried Nation, Japan” (tạm dịch: Xã hội siêu độc thân: Cú sốc của một quốc gia không kết hôn – Nhật Bản”, cho rằng đây mới chỉ là khởi đầu.

người nhật không muốn kết hôn

Xu hướng sống độc thân ngày càng phổ biến trong xã hội Nhật. Ảnh: Atlantic

“Ước tính vào năm 2035, cứ ba người đàn ông thì sẽ có một người sẽ không kết hôn suốt đời” - ông nói.

Tỷ lệ người không kết hôn suốt đời (những người vẫn chưa kết hôn ở tuổi 50 được Chính phủ Nhật Bản coi là có 0% cơ hội kết hôn trong tương lai) bắt đầu tăng nhanh từ những năm 90. Trong khi đó, cho đến những năm 80, hầu hết mọi người ở Nhật đều kết hôn.

Những người đàn ông không kết hôn tại nước này thậm chí còn bị gắn cho biệt danh là “đàn ông ăn cỏ” hay “草食男子 - Soushoku danshi”, ngụ ý chế nhạo rằng nhóm này có phần nào đó bị giảm bớt nam tính.

đàn ông ăn cỏ

"Đàn ông ăn cỏ" - một từ lóng mang nghĩa chế giễu những người đàn ông thụ động trong chuyện tình cảm, không muốn kết hôn. Ảnh: eiga.com

Dành sự ưu tiên cho bản thân

Theo ông Arakawa: “Cuối những năm 80, đầu những năm 90 là thời điểm bong bóng kinh tế Nhật Bản vỡ. Trong 30 năm kể từ đó, thu nhập trung bình của giới văn phòng trên thực tế đã tiếp tục suy giảm. Mối lo ngại về kinh tế cho tương lai là một lý do khiến các nam thanh niên trốn tránh trách nhiệm mà hôn nhân đòi hỏi.”

Cụ thể, lý do chính khiến nam giới sống độc thân là muốn tiêu tiền cho bản thân. Tại Nhật tồn tại quan niệm phổ biến cho rằng nam giới sau khi kết hôn sẽ bị hạn chế quyền tự do sử dụng tiền bạc, còn nhiều phụ nữ thì xem “an toàn tài chính” là một trong những lợi ích của hôn nhân.

du lịch một mình

Du lịch một mình trở thành xu hướng. Ảnh: Flash Pack

Chọn cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Nam giới Nhật Bản thường xuyên phải chịu đựng gánh nặng của môi trường làm việc áp lực, làm thêm giờ triền miên. Chia sẻ với Flash Pack, anh Riku Inamoto, 36 tuổi, đang độc thân cho biết đối với anh, thời gian là một yếu tố quan trọng.

“Tôi có hai thứ chiếm hết thời gian trong đời: công việc và sở thích. Tôi không thể ngừng làm việc nên nếu kết hôn, tôi sẽ phải từ bỏ sở thích, đồng nghĩa rằng tôi sẽ không còn niềm vui. Đó là một cuộc sống khủng khiếp”, anh nhận xét.

“Tôi thích có thời gian và không gian riêng, có thể tự quyết định ăn những gì mình thích, đi những nơi mình muốn. Tôi có những người bạn đã kết hôn, giờ họ trông đã tàn tạ. Họ có vẻ không vui".

Thụ động trong việc tìm kiếm đối tượng hẹn hò

Ông cũng chỉ ra rằng chỉ có 30% đàn ông Nhật Bản chủ động trong chuyện tình cảm. Tệ hơn nữa, hầu hết phụ nữ cũng thụ động, khiến cả hai giới gặp khó khăn trong việc kết hôn.

“Tôi không biết liệu mình có muốn sống độc thân hay không,” Junichi Mishima, 31 tuổi nói. “Nhưng tôi nghĩ điều đó dễ dàng hơn. Tôi không tự tin khi nói chuyện với phụ nữ và tôi cũng có thể sống mà không cần họ. Một số người đàn ông dễ dàng tiếp cận phụ nữ, ngay cả khi họ làm điều đó một cách vụng về, và điều đó khiến tôi càng cảm thấy kém tự tin hơn.”

Độc thân không hề phiền phức

Người Nhật thuộc mọi giới tính đang ngày càng thể hiện sự ưu tiên dành cho tự do cá nhân hơn là các mối quan hệ, với sự lên ngôi của xu hướng Ohitorisama. Và các thành phố ở Nhật Bản khiến việc có cuộc sống một mình tươi đẹp trở nên vô cùng dễ dàng.

Máy bán hàng tự động xuất hiện ở mọi ngóc ngách, cửa hàng tiện lợi mở cửa suốt đêm, quầy bar đứng là nơi bạn có thể bắt chuyện với mọi người và cũng có vô số nhà hàng phục vụ những thực khách đi một mình.

ăn một mình

Nhà hàng với chỗ ngồi cho những thực khách đi một mình. Ảnh: The Jakarta Post

Thậm chí có những khách sạn con nhộng được thiết kế dành riêng cho nam giới đi du lịch một mình. Thay vì phòng tắm riêng với bồn tắm hoặc vòi sen, những nơi này thường có suối nước nóng để mọi người có thể vừa ngâm mình vừa trò chuyện với nhau.

“Gần đây, ngày càng có nhiều dịch vụ được cung cấp cho những người đi du lịch một mình. Trước kia, khách lẻ không thể thuê nhà trọ truyền thống (và điều này đã thay đổi). Khoảng 80% mọi người thường ăn trưa một mình. Các nhà hàng, địa điểm hát karaoke, sở thú và công viên giải trí đều trở nên dễ dàng hơn để tận hưởng một mình”, ông Arakawa chỉ ra.

Xem thêm:Hơn 40% phụ nữ Nhật Bản sinh vào năm 2005 có thể sẽ không sinh con

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU