Các tác phẩm tự xuất bản, lưu hành với quy mô nhỏ gọi là "zine" hiện đang âm thầm thu hút sự chú ý ở Nhật Bản khi ngày càng nhiều tác giả và nghệ sĩ rời xa việc trưng bày các tác phẩm của họ trên mạng xã hội, tập trung tạo ra nhiều nội dung dành cho cộng đồng hơn.
Thường được sản xuất với số lượng hạn chế bởi các tác giả và nghệ sĩ sáng tạo hướng đến đối tượng quy mô nhỏ, zine bao gồm nhiều thể loại: nghệ thuật, thơ ca, nhiếp ảnh, văn chương và các hình thức biểu đạt khác để chia sẻ ý tưởng và chủ đề phổ biến.
Từ "zine" bắt nguồn từ Hoa Kỳ trong thập niên 40 sau khi những người yêu thích khoa học viễn tưởng bắt đầu sử dụng thuật ngữ này viết tắt cho "fan magazine” (tạp chí dành cho người hâm mộ). Loại hình này đã phát triển đáng kể từ những năm 60 tại Nhật – nơi có lịch sử và văn hóa tự xuất bản phong phú.
Khác biệt rõ ràng so với tạp chí thông thường có liên quan đến truyện tranh, zine đã phát triển nhanh chóng tại các cửa hàng và sự kiện đặc biệt trong 5 năm qua nhờ vào tính linh hoạt của chủ đề.
Keisuke Nagura (29 tuổi), một nhân viên sống ở Tachikawa, phía tây Tokyo, vào năm ngoái đã xuất bản một tập sách ghi lại thời gian một năm anh làm nhân viên pha chế ở Melbourne, Úc. "Tôi không muốn kết thúc nó chỉ bằng cách đăng lên mạng xã hội, thay vào đó, tôi muốn trao cho mọi người thứ gì đó mà họ có thể cầm trên tay", anh nói.
Không có kinh nghiệm biên tập trước khi thực hiện dự án, Nagura đã phải bỏ ra nhiều giờ để hoàn thành công việc. Bởi vì sử dụng giấy in đắt tiền và các vật liệu khác để xuất bản nên cuối cùng đây là một dự án kinh doanh không có lãi, nhưng anh Nagura đã bán được khoảng 50 bản.
Đối với Nagura, chi phí không quan trọng bằng việc bản thân đã tạo ra thứ gì đó hữu hình có thể chia sẻ và chứng tỏ tình yêu của anh đối với văn hóa cà phê.
Trong sáu năm qua, Takako Masuki (49 tuổi), một nhà thiết kế đồ họa sống ở Akishima, Tokyo, đã tạo ra các tạp chí bằng cách biên soạn hình minh họa về ẩm thực châu Á để bán tại các sự kiện trong và ngoài nước.
Masuki nói rằng mình thích sự tự do mà loại hình zine mang lại, cho phép cô tự quyết định tất cả nội dung, không giống như xuất bản thông thường – gồm nhiều quy trình sáng tạo được thực hiện theo đề xuất xuất bản ban đầu.
Akiko Horii (51 tuổi) ở Misato, tỉnh Saitama đã xuất bản tạp chí về các board game từ khắp nơi trên thế giới. Mặc dù Horii đã từng đăng tác phẩm của mình lên mạng xã hội, nhưng cô không thấy được lợi ích của việc trưng bày nội dung của mình cho một lượng lớn người ngẫu nhiên trên internet.
Trong khi đó, xuất bản ấn phẩm zine là một trải nghiệm hoàn toàn khác, cho phép cô nhìn thấy chân dung độc giả và tận mắt chứng kiến tác phẩm của mình đến tay họ.
Những năm gần đây tại "Bungaku Furima" - tổ chức điều hành các sự kiện hội chợ văn học, nơi các tác giả có thể bán tác phẩm của chính họ, đã có sự gia tăng các tạp chí với chủ đề phù hợp và độc đáo.
Tomohiko Mochizuki (42 tuổi), giám đốc đại diện ban tổ chức sự kiện của Bungaku Furima cho biết, khi mọi người trở nên hoài nghi hơn về mạng xã hội và ngày càng mất lòng tin vào các định dạng truyền thông truyền thống, zine ngày càng trở nên phổ biến ở Nhật Bản.
Theo tổ chức này, kỷ lục 1.400 gian hàng trưng bày zine đã được xác lập tại một sự kiện triển lãm văn học ở Tokyo với sự tham dự của 8.400 người vào tháng 5 năm nay.
kilala.vn