Điệu nhảy thổi bay gian khó, gieo mầm niềm vui
Năm 1954, lễ hội mang tên Yosakoi ra đời tại thành phố Kochi (tỉnh Kochi) nhằm cầu nguyện cho người dân nhiều sức khỏe và phục hồi kinh tế sau chiến tranh. Yosakoi được tổ chức vào thời điểm này vì đã có nhiều sự việc không may liên tiếp xảy ra. Năm 1945 sau chiến tranh, do quân đội Mỹ đánh bom, thành phố Kochi gần như hoang tàn. Chỉ một năm sau, trận động đất Nankai đã tấn công toàn bộ vùng đất này.
Thứ đã vực dậy tinh thần người dân Kochi chính là lễ hội (Matsuri). Yosakoi ra đời như một “lễ hội của thành phố” nhằm thổi bay cơn khủng hoảng kinh tế, vực dậy tinh thần, niềm vui và sự hy vọng của người dân. Năm đầu tiên, Yosakoi được tổ chức vào hai ngày 10, 11 của tháng 8 – thời gian ít mưa nhất trong năm. Khi đó có khoảng 750 vũ công tham gia. Đến lần tổ chức thứ 30, số người tham gia lên tới 10.000 người. Và hiện nay, từ Kochi, điệu nhảy đã lan rộng ra toàn nước Nhật và nhiều nơi trên thế giới, đem niềm vui, tiếng cười đến mọi người.
Không thua lễ hội Awa Odori
Một lễ hội khác cũng được tổ chức cùng thời điểm với Yosakoi là Awa Odori tại tỉnh Tokushima, ra đời từ năm 1586. Vào năm đầu tiên lên kế hoạch triển khai lễ hội Yosakoi, một người trong ban tổ chức đã đến tỉnh láng giềng Tokushima, nhìn thấy lễ hội Awa Odori thì nói: “Chúng ta sẽ tổ chức một lễ hội không thua Awa Odori”.
Người đó đã thỉnh cầu bậc thầy của 5 trường phái múa truyền thống Nhật Bản (Hanayagi, Wakayagi, Fujima, Bandou và Yamamura) làm biên đạo và nhờ người quen là nhạc sĩ Eisaku Takemasa viết bài hát dùng trong lễ hội. Nếu ở Awa Odori, vũ công nhảy múa với tay không thì Yosakoi sẽ dùng đạo cụ là chiếc naruko. Naruko được làm bằng gỗ có tay cầm như tay vợt, phía trên gắn ba thanh gỗ nhỏ để khi lắc sẽ phát ra tiếng. Và đặc biệt, Yosakoi không thể thiếu nụ cười của người nhảy – đặc điểm nhận diện của lễ hội, thứ khơi dậy tinh thần, sức sống cho người xem.
Theo thời gian, lễ hội Yosakoi đã trở nên nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Bất cứ ai cũng có thể tham gia Yosakoi; không phân biệt độ tuổi, giới tính hay quốc tịch; chỉ cần cầm chiếc naruko và nhảy múa cùng đám đông. Bài hát, trang phục, vũ đạo và đạo cụ cũng được biến hóa một cách tự do, khiến cho điệu nhảy của Yosakoi trở nên đa dạng, đầy sắc màu, vừa mang nét truyền thống vừa thể hiện cá tính riêng của từng đội múa tham gia Yosakoi. Có lẽ chính sự linh hoạt này đã giúp Yosakoi “chiếm” được lòng yêu mến của mọi người.
Nhật Bản, Yosakoi và thế giới
Kochi được xem như “thánh địa” của Yosakoi vì đây là quê hương sinh ra lễ hội sôi động này. Ngoài ra, Hokkaido, Tokyo, Miyagi hay Nagasaki cũng là những nơi tổ chức Yosakoi lớn, thu hút đông đảo du khách đến tham gia. Ra ngoài biên giới, “vũ điệu gieo mầm niềm vui” cũng mang đến nụ cười cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại thành phố Penang (Malaysia), lễ hội Yosakoi được tổ chức hàng năm vào tháng 3. Ở Châu Âu, người ta có thể học và nhảy Yosakoi tại Hà Lan, Thụy Điển, Pháp, Đức hoặc Anh. Sinh viên các trường đại học tại Mỹ, Canada hay Pháp đã thành lập các nhóm nhảy Yosakoi và biểu diễn tại các sự kiện văn hóa và các hội chợ liên quan đến Nhật Bản.
Tại Việt Nam, Yosakoi lần đầu tiên ra mắt ở lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản (Japan Sakura Matsuri) do Japan Foundation Việt Nam tổ chức vào năm 2007 nhằm giới thiệu văn hóa xứ Phù Tang. Từ đó, nhiều đội Yosakoi ra đời và phát triển ngày càng mạnh mẽ. Các đội lớn tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM: Hà Nội Sennen Yosakoi, Núi Trúc Sakura Yosakoi (Hà Nội), Yosago (TPHCM), FuFuYo (TPHCM)… Nhiều đội đã có cơ hội đến Nhật Bản tham dự các cuộc thi Yosakoi hoặc tham gia chương trình Đại sứ Yosakoi do tỉnh Kochi tổ chức.
kilala.vn