Yakuza - Sự mất dần chỗ đứng trong xã hội Nhật Bản

Bài: SAMSep 24, 2020

Yakuza là một biểu tượng cho tầng lớp xã hội đen tại Nhật Bản. Nhắc đến thời kỳ đỉnh cao những năm 1960, Yakuza có hơn 180.000 thành viên. Đó là thời điểm xã hội tồn tại quan điểm viển vông về những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, mang lại nỗi khiếp sợ cho toàn xã hội. Thế hệ của các thanh niên trẻ thời đó mơ ước trở thành những thành viên băng đảng cấp cao, được phụ nữ vây quanh, có tiền và lái xe sang, tuy nhiên thời thế đã thay đổi: giới trẻ ngày nay không thích bị ràng buộc vào một băng nhóm cùng với đó là sự già hóa dân số khiến cho bộ phân xã hội đen ngày càng bị thu hẹp lại.

Số lượng thành viên sụt giảm nhanh chóng

Theo thống kê của cục Cảnh sát Nhật Bản, thời điểm cuối năm 2019, Yakuza có khoảng 28.200 thành viên với số lượng thành viên chính thức là 14.400 người và số lượng thành viên dự bị là 13.800 người. So với cùng kỳ năm trước thì đã giảm 2.300 người. Dấu hiệu suy giảm này đã diễn ra liên tục trong suốt 15 năm qua và đây chính là thời điểm số lượng thành viên Yakuza xuống thấp nhất kể từ sau năm 1958.

thống kê số thành viên các tổ chức xã hội đen
Thống kê số thành viên các tổ chức xã hội đen (Nguồn: Nippon.com)

Trong đó, Tổ chức xã hội đen đứng đầu tại Nhật Bản là băng Yamaguchi với 8.900 thành viên so với cùng kỳ năm 2018 đã giảm 600 người. Ngoài ra, số lượng Yakuza cũng tập trung tại một số tổ chức lớn như băng Sumiyoshi với 4.500 thành viên và băng Inagawa có 3.400 thành viên.

Số lượng xã hội đen bị bắt trong năm 2019 là 14.281, giảm 2.600 so với năm trước. Trong số đó có 3.592 đối tượng bị bắt do sử dụng chất kích thích và 1.823 đối tượng bị bắt do gây thương tích với người khác. 36% số người bị bắt liên quan tới băng Yamaguchi.

Yakuza Nhật Bản
Kenichi Shinoda (ở giữa), ông trùm của tổ chức Yamaguchi sau khi mãn hạn tù vào năm 2011. (Ảnh: cnn.com)

Thời đại thay đổi nên Yakuza mất dần chỗ đứng

Sự già hóa dân số cũng đã dần thâm nhập vào cộng đồng tội phạm Nhật Bản kéo theo số lượng thành viên tham gia giảm liên tục trong những năm qua. Hiện tại chưa tới 5% Yakuza ở tuổi 20, trong khi nhóm thành viên trên 70 tuổi chiếm hơn 10%, nhóm khoảng 30 tuổi cũng chiếm 10% và hơn 50% Yakuza từ 50 tuổi trở lên.

Bên cạnh đó, việc thắt chặt luật pháp cùng với những cuộc đàn áp từ các cơ quan cảnh sát buộc các băng đảng Nhật Bản phải vật lộn để tuyển thêm thành viên. Đồng thời việc mạo hiểm hứng chịu tội cho các ông chủ mà không có hy vọng nhận khoản đền bù hợp lý trong thời kỳ bất ổn kinh tế khiến Yakuza rất khó dùng những lợi ích tiền bạc để lôi kéo các thanh niên gia nhập.

Yakuza Nhật Bản
Một tổ chức Yakuza (Ảnh minh họa - Ảnh: qz.com)

Luật pháp ngày càng nghiêm khắc hơn khiến cuộc sống phạm tội ngày càng trở nên “kém hấp dẫn”: Yakuza bị cấm mở tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, rút các hợp đồng bảo hiểm, thậm chí là ký giấy tờ mua điện thoại di động. Các bản án dài hơn, bao gồm cả chung thân vì giết người, có nghĩa là phần thưởng cho lòng dũng cảm và trung thành không còn được đảm bảo, nên nếu vào tù cuộc đời của Yakuza đó sẽ được coi là kết thúc.

Ngoài ra, tham gia Yakuza thì các thành viên khó tránh khỏi dây dưa với các tệ nan khác như hút thuốc, xăm, sử dụng chất kích thích và những cuộc ăn chơi thâu đêm hàng chục năm đồng nghĩa với việc tàn phá sức khỏe của bản thân, nhiều ông trùm xã hội đen khi về hưu chỉ sống cô đơn trong căn hộ giá rẻ không lương, không gia đình. Điều này, khiến các thanh niên không còn mặn mà với các tổ chức Yakuza.

Nhìn vào bối cảnh hiện tại, Yakuza đã và đang bước vào thời kỳ không còn phù hợp trong xã hội, tuy nhiên Yakuza vẫn là hình tượng đáng sợ nhất ở Nhật Bản.

Yakuza Nhật Bản
Yakuza thường gắn liền với hình ảnh hình xăm kín cả người. (Ảnh: cnn.com)

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU