Việc thiếu nguồn nhân lực và tài nguyên đã khiến người Nhật tìm đến những phương pháp thờ tự, chôn cất mới cho người thân đã khuất. Và một trong những xu hướng thịnh hành nhất đó là nghĩa trang sử dụng công nghệ. Những nghĩa trang này có gì đặc biệt?
Theo truyền thống ở Nhật Bản, sau khi qua đời, hài cốt của người thân sẽ được đặt trong các khu mộ của dòng họ và do con trai trưởng trong gia đình chăm nom.
Tuy nhiên, với việc già hóa dân số, các gia đình ngày càng di chuyển đến các khu vực đô thị xa nghĩa địa của tổ tiên, và nhiều người già không có con trai để đảm đương việc thờ tự... đã tạo ra sự mất cân bằng giữa số lượng mộ mới cần chăm sóc và những người có thể làm điều đó.
Nhà sư Tomohiro Hirose từng chịu trách nhiệm điều hành một nghĩa trang truyền thống nhưng “Khoảng một nửa số ngôi mộ không có ai trong gia đình trông coi” – ông chia sẻ với AFP.
Để giải quyết vấn đề thiếu người chăm sóc, cơ sở nghĩa trang trong nhà hiện đại mang tên Kuramae-ryoen đã xuất hiện, cung cấp dịch vụ lưu giữ hài cốt trong một khoảng thời gian nhất định, thường lên đến ba thập kỷ.
Tro cốt được chuyển đến các đài tưởng niệm tập thể, nhưng tên hoặc mã QR sẽ được khắc trên các tấm thẻ để nhận biết danh tính người đã khuất. Các nhà sư tại đây cam kết sẽ tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn của người quá cố.
Nhà sư Hirose quyết định xây dựng địa điểm này sau khi tòa nhà cũ của chùa bị hư hại nặng trong trận động đất năm 2011. Nghĩa trang sử dụng máy móc được phát triển bởi Daifuku, một công ty chuyên về hệ thống lưu trữ, vận chuyển và thu gom cho các nhà máy và nhà kho.
Hidenobu Shinnaka, đại diện của Daifuku cho biết kể từ khi ra mắt dịch vụ này, công ty đã xây dựng hệ thống cho khoảng 60 địa điểm tổ chức tang lễ ở Nhật Bản, và hiện một số quốc gia châu Á khác cũng đang bày tỏ sự quan tâm.
Việc cho ra đời những nghĩa trang 4.0 không chỉ giúp người còn sống dễ dàng thăm viếng người đã khuất, mà gia đình còn có thể tiết kiệm một khoản tiền tương đối. Theo Kamakura Shinsho, một công ty giúp kết nối khách hàng với nghĩa trang, cho biết trung bình dịch vụ trên có giá khoảng 7.100 USD, gần bằng một nửa so với chi phí của mộ phần truyền thống.
Bà Masayo Isurugi, 60 tuổi là một trong số ngày càng nhiều người ở Nhật Bản chọn cách tách khỏi các nghi thức mai táng truyền thống với những nghĩa trang nằm xa trung tâm và ủng hộ các cơ sở như Kuramae-ryoen.
Trong khi bà Isurugi đứng đợi trong cabin, những cánh cửa trượt bằng gỗ tinh tế mở ra giống như thang máy của một khách sạn sang trọng, để lộ một bàn thờ bằng đá đen với bình đựng tro cốt, và hình ảnh người chồng quá cố của bà xuất hiện trên màn hình điện tử.
“Lúc đầu, tôi nghĩ rằng loại hình dịch vụ này có thể thiếu đi sự ấm cúng và có lẽ tôi thích ý tưởng về một ngôi mộ truyền thống hơn. Nhưng bây giờ, thật tốt khi có thể đến thăm và cầu nguyện bất cứ khi nào mình muốn, hơn là có một ngôi mộ gia đình nhưng hiếm khi có thể viếng thăm."
Gia đình bà từng nghĩ đến việc đặt mộ phần trong một nghĩa trang truyền thống, cách hai giờ đi tàu. Còn Kuramae-ryoen chỉ cách nhà Isurugi một quãng đi xe buýt ngắn và bà có thể đến viếng thăm chồng sau giờ làm việc.
Tại một ngôi chùa khác ở Tokyo - Kokokuji, hơn 2.000 bức tượng Phật được đặt trong các kệ âm tường. Mỗi bức tượng đại diện cho một người quá cố có tro cốt được lưu giữ tại đây. Bức tượng sẽ sáng lên khi người thân đến thăm và quét mã ID hoặc nhập tên của gia đình.
Toàn bộ không gian cũng có thể được chiếu sáng theo yêu cầu, hoặc tạo ra các màu sắc dịu nhẹ khác nhau cho việc thiền định.
Nhà sư Taijun Yajima cho biết việc thờ phượng sẽ không thay đổi ngay cả khi lưu giữ tro cốt ở những nghĩa trang hiện đại. "Con cái nên trông nom phần mộ và linh hồn của cha mẹ. Nhưng trong thực tế, đối với một số người, điều đó không đơn giản", ông chia sẻ.
"Tôi đã suy nghĩ làm thế nào để những người đó có thể được an nghỉ ở một nơi ấm áp, và nghĩa trang hiện đại là câu trả lời", ông kết luận.
kilala.vn