Xem ngày tốt ngày xấu trên các tờ lịch Nhật Bản

Bài: Aki KanouJul 16, 2020

Lịch của các quốc gia có thể sẽ mang những đặc trưng khác nhau. Nếu như lịch Việt Nam thương có ghi kèm ngày âm lịch và làm dấu những ngày lễ quan trọng thì lịch Nhật Bản cũng có một đặc trưng riêng. Ngoài những ngày lễ, ngày xuân phân,... lịch Nhật còn có thêm những Hán tự được viết dưới ngày, có chữ màu đỏ có chữ màu đen. Người ta gọi đó là Rokuyo.

Rokuyo là gì?

Rokuyo (六曜 - lục diệu) là một loại lịch 6 ngày/tuần bắt nguồn từ Trung Quốc. Trước khi lịch 7 ngày/tuần được sử dụng phổ biến như hiện nay, vào thế kỷ 14, Nhật Bản sử dụng loại lịch âm 6 ngày này.  Tuy nhiên, hiện tại Rokuyo vẫn còn được đưa vào dương lịch hiện nay của Nhật Bản dù nó không còn khớp nữa. Đó là bởi vì Rokuyo có ý nghĩa vận may - vận hạn cụ thể cho mỗi ngày và ảnh hưởng đến một số khía cạnh trong cuộc sống của người Nhật. Đó chính là điểm độc đáo của Rokuyo.

ngày tốt ngày xấu trên các tờ lịch Nhật Bản
Lịch 6 ngày Rokuyo. (Ảnh: daishin.gr.jp)

Ý nghĩa 6 ngày của Rokuyo

6 ngày trong lịch Rokuyo lần lượt là: Sensho, Tomobiki, Sakimake, Butsumetsu, Taian và Shakku.

6 ngày trong lịch rokuyo
Độ may mắn và đen đủi của 6 ngày theo lịch Rokuyo. (Ảnh: engimono.net)

Sensho (先勝)

Sensho còn được biết đến là Senkachi hay Sakigachi. Ngày Sensho được xem là một ngày không tốt cũng không xấu vì bạn sẽ gặp may mắn vào buổi sáng nhưng lại xui xẻo ở buổi chiều. Người ta cho rằng những hoạt động như kinh doanh, hợp tác… nếu rơi vào ngày Sensho thì nên tranh thủ hoàn thành trong buổi sáng. Từ 2 - 6 giờ chiều sẽ là thời gian xui xẻo nên những hoạt động mang tính chất quyết định thắng thua thì hạn chế thực hiện vào buổi chiều.

Tomobiki (友引)

Tomobiki là một ngày may mắn, ngoại trừ buổi trưa. Hán tự của từ này mang ý nghĩa “kéo bạn bè lại”. Do đó ngày này không nên dùng cho những hoạt động mang tính chất thắng thua mà thích hợp để tận hưởng khoảnh khắc cùng với bạn bè của mình hơn. Đặc biệt, ngày Tomobiki thích hợp tổ chức đám cưới, vì nó sẽ khiến mọi người xích lại gần nhau hơn. Theo thông tục, đám tang hạn chế tổ chức vào ngày này bởi quan niệm rằng bạn bè có thể bị kéo sang bên kia thế giới.

Sakimake (先負)

Sakimake còn được gọi là ngày Senmake hoặc Senbu. Đây là ngày ngược lại với ngày Sensho vì xui xẻo sẽ đến vào buổi sáng và may mắn đến vào buổi chiều. Trong ngày này, những hoạt động kinh doanh, giao dịch khẩn cấp hoặc giải quyết tranh chấp nên được dời đến buổi chiều.

Butsumetsu (仏滅)

Butsumetsu là một ngày xấu vì được cho là ngày Đức Phật qua đời. Do đó, tốt nhất là không làm chuyện gì quan trọng trong ngày Butsumetsu. Những sự kiện không quá khẩn cấp như chuyển nhà, khai trương… nếu rơi vào ngày này thì nên dời lại. Đặc biệt, kiểm tra sức khỏe cũng nên kiêng kỵ vì quan niệm cho rằng, nếu bạn bị bệnh vào ngày Butsumetsu thì căn bệnh có thể sẽ kéo dài.

Taian (大安)

Taian theo Hán tự có nghĩa là "Đại An", tức “an bình lớn”, đây là một ngày vô cùng may mắn nên thường được in màu đỏ. Ngày Taian rất thích hợp để thực hiện các sự kiện quan trọng như làm phẫu thuật, khai trương, tổ chức đám cưới…

Shakku (赤口)

Shakku còn được gọi là ngày Shakko hoặc Jakko. Trái ngược với Taian, Shakku là ngày xui xẻo nhất. Bạn có thể có được một ít may mắn trong khoảng thời gian từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều. Shaku có nghĩa là màu đỏ, người ta liên tưởng nó với màu đỏ của lửa hoặc của máu, do đó nên kiêng cử tiếp xúc với lửa trong ngày này.

thứ tự các ngày trong lịch Rokuyo
Thứ tự của các ngày trong lịch Rokuyo. (Ảnh: syukatsu-life)

Cách tính lịch Rokuyo khá phức tạp do nó có số ngày không khớp với dương lịch mà người Nhật dùng hiện nay. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng bởi hầu hết nhà phát hành lịch đã in sẵn cho vào lịch rồi, bạn không cần phải tự tính ngày đâu. Một số người cho rằng, những ngày theo lịch Rokuyo không cần thiết thế nhưng, đối với những điều thuộc về tín ngưỡng truyền thống thì nhiều người vẫn quan niệm rằng "có thờ có thiêng, có kiêng có lành".

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU