Washi niềm tự hào Nhật Bản

Bài: Mayu Senda / Ảnh: Masanao Toyoshima / Hợp tác: Tesuki-Washi Tanino, Saitama Prefecture Ogawa Office, Takako ChibaApr 29, 2018

Mỗi tờ giấy với bề mặt độc đáo duy nhất đều mang đến một cảm giác khác biệt. Khi chạm vào Washi, chúng ta có thể cảm nhận rằng đây đúng thực là “Truyền thống Nhật Bản”. Trải qua nhiều năm tháng, kĩ thuật truyền thống kế thừa từ xa xưa vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Tôi đã đến thăm những người thợ tài ba của Nhật Bản, những người vẫn đang bảo vệ ngọn lửa quan trọng ấy khỏi lụi tàn.
giấy washi Nhật Bản

Lịch sử Washi

Kĩ thuật làm giấy được phát minh bởi Trung Quốc. Sau đó du nhập vào Nhật từ Hàn Quốc vào khoảng thế kỉ thứ 7, thời đại Asuka. Điều này được ghi trong những văn tự cổ xưa nhất, nhưng cũng có ghi chép rằng hoạt động làm giấy đã có từ trước đó. Hoạt động làm giấy phổ biến khắp đất nước vì người ta cần giấy để ghi chép hộ tịch, lịch sử và kinh Phật.

Thời gian đầu người ta dùng gỗ cây Kouzo sinh trưởng ở đồi núi làm nguyên liệu làm giấy. Nhờ độ bền cao, loại giấy này được sử dụng cho những văn tự quan trọng cần phải lưu giữ lâu dài. Sau đó, vào thời đại Heian, vì đặc biệt hứng thú với Hòa ca và thơ tiếng Hán, tầng lớp quý tộc đã sử dụng một loại giấy khác đẹp đẽ, bề mặt láng mịn được làm từ vỏ cây Ganpi. Đến thời Edo, giấy làm từ nguyên liệu là cây Mitsumata - một loại cây dễ trồng hơn - bắt đầu xuất hiện và dần trở thành loại giấy không thể thiếu trong đời sống nhiều người, từ những thứ gắn liền với cuộc sống như cửa kéo Fusuma, cửa kéo Shoji,... cho đến những văn hoá phẩm như sách, phim ảnh,...

Văn hoá Washi thực sự đã chín muồi vào thời Edo nhưng đến thời Meiji kĩ thuật sản xuất giấy của Tây phương được du nhập từ Mỹ vào Nhật Bản. Năm 1874, hoạt động sản xuất giấy Tây phương bằng máy móc lần đầu tiên xuất hiện tại Nhật. Năm 1889, ngay sau khi nguyên liệu bột giấy bắt đầu được chế tạo tại Nhật, hoạt động sản xuất giấy Tây phương theo phương pháp công nghiệp nhanh chóng phát triển. Giấy Tây phương được ứng dụng rộng rãi trong đời sống như báo, sách giáo khoa,... kéo theo sự suy giảm trầm trọng của ngành sản xuất giấy Washi.

Hiện tại, giấy Washi chỉ chiếm khoảng 0,3% lượng giấy sản xuất trên toàn nước Nhật.

lịch sử giấy Washi

Sức hấp dẫn từ giấy Washi

Giấy Washi và giấy Tây phương hoàn toàn khác nhau về chất liệu lẫn phương thức sản xuất. Trong khi Washi được làm bằng cách bện các sợi thực vật với nhau thì giấy Tây phương lại dùng bột nghiền từ sợi gỗ. Washi có thể tồn tại rất lâu, đến mức có cả câu nói như thế này “Washi 1.000 năm, giấy Tây phương 100 năm”. Trong Kho hoàng gia Shosoin ở tỉnh Nara còn cất giữ những văn thư bằng giấy Washi được viết cách đây hơn 1.300 năm.

Ngoài ra, giấy Tây phương dùng hóa chất để có màu trắng nên sẽ ngả vàng theo thời gian. Trong khi đó, Washi chỉ dùng chất liệu tự nhiên nên ban đầu có màu vàng rất nhạt, theo thời gian sẽ dần trở nên trắng sáng dưới tác động của ánh sáng. Thời gian sử dụng càng lâu, nét đẹp tinh tế của Washi càng bộc lộ rõ rệt.

Từng tờ giấy ra đời dưới bàn tay người thợ, không một tờ nào giống nhau. Một tờ giấy Washi được làm từ đôi tay của bạn nhất định là tờ Washi độc nhất vô nhị trên thế giới.

sức hấp dẫn từ giấy Washi

Washi và người thợ Hiroko Tanino

Nhật Bản vào tháng 2 đang là giữa mùa Đông. Tôi đã đến thăm xưởng Washi của Hiroko Tanino - người thợ Hosokawashi của tỉnh Saitama. Từ ga Ogose đi khoảng 10 phút bạn sẽ đến nơi được bao bọc bởi thiên nhiên sông núi này. Ở đó, nổi bật một ngôi nhà gỗ trông xinh xắn. Mặc dù bây giờ chỉ còn rất ít, khi xưa nơi đây từng có rất nhiều cửa hàng nội thất và Washi, tạo nên một con phố mua bán tấp nập.

Tháng 2 là mùa cao điểm của việc làm Washi vì thời gian thu hoạch cây Kouzo là từ cuối tháng 11 kéo dài đến tháng 1. Hơn nữa, vào mùa nóng, nhiệt độ cao sẽ làm mất chất kết dính của loài thực vật Tororoaoi - một trong những nguyên liệu làm Washi, nước cũng sẽ bị nóng. Khoảng thời gian này, cũng có một số ngày ấm áp dễ chịu bất chấp đang là tháng 2 nhưng với bà Hiroko đó lại là những ngày không đạt điều kiện làm Washi. Dung dịch làm giấy Washi phải mát lạnh dịu dàng, giấy phải được làm vào những ngày lạnh mùa Đông, đây thực sự là một công việc rất nghiêm túc.

thợ giấy Washi

Tôi đã được cho tham quan quá trình làm giấy Washi thực tế. Dung dịch trộn từ sợi cây Kouzo, Tororoaoi và nước được cho vào một khay lớn. Đầu tiên, người thợ nhúng Suketa - dụng cụ giống như một cái khuôn có căng lưới với mắt rất nhỏ - một lần qua dung dịch trên. Lớp đầu tiên này quyết định độ nhẵn mịn của bề mặt giấy Washi nên được gọi là “Keshomizu”, tiếng Nhật nghĩa là “Nước trang điểm”. Dung dịch sau khi dàn trải toàn bộ sẽ được đổ xuống ngay và hình thành một tấm màng mỏng trên lưới. Tiếp theo người thợ lại nhúng khuôn vào dung dịch, lấy lên và chao đều sao cho dung dịch dàn trải ngang dọc khắp tấm lưới. Bằng cách này, những sợi giấy sẽ đan chặt vào nhau. Nhúng khuôn lấy dung dịch lên rồi lại chao đều tay, lặp lại khoảng 3 - 4 lần, cuối cùng thêm một lớp Keshomizu lên là tờ giấy Washi cơ bản đã hình thành. Sau khi gỡ khỏi khuôn, những tờ Washi còn đẫm nước sẽ được xếp chồng lên nhau như đậu hũ rồi hong khô là hoàn thành.

Hiroko ngày xưa làm việc tại một công ty không có liên quan gì đến Washi. Lần đầu gặp gỡ Washi ở làng Higashi-chichibu, tỉnh Saitama, bà đã phải lòng nét đẹp của kĩ thuật làm giấy thủ công ngay từ cái nhìn đầu tiên và nuôi ý nguyện trở thành người thợ Washi sau khi qua tuổi 30. Khi xưa, vì không thể canh tác hoa màu vào mùa Đông nên người Nhật thu hoạch cây Kouzo thay vì rau củ và bắt đầu làm Washi. Chính vì là thứ cần thiết cho đời sống và gần gũi với thiên nhiên, bốn mùa của Nhật Bản nên Washi mới tồn tại đến bây giờ.

giấy Washi vừa xeo xong

Giấy Washi vừa xeo xong được xếp chồng lên nhau. Vào mùa bận rộn, một ngày có thể xeo đến hơn 200 tấm
tấm Washi đã ráo nước
Cẩn thận tách riêng từng tấm Washi đã ráo nước và dán lên bảng thép
iểm tra xem Washi
Dưới tấm bảng thép là lớp nước nóng được đun bằng củi. Washi được trải lên đó và chải mịn bề mặt bằng bàn chải. Người thợ chủ yếu dùng tay để cảm nhận và kiểm tra xem Washi đã khô hay chưa
trường dạy nghề Kyoto
Từ trái sang, Kyoko - bạn của bà Hiroko, ông Akira chồng Hiroko, bà Hiroko, Yoko - học viên đến từ đảo Miyako-jima, em trai Yusaku tốt nghiệp khoa Thủ công Washi của trường dạy nghề Kyoto

Mayu Senda / kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU