Dù giấy Wagasa gắn liền với vẻ đẹp truyền thống

Bài: Inako / Ảnh: PIXTAJan 18, 2018

Đã từ lâu, hình ảnh thiếu nữ Nhật Bản mặc Kimono và nâng chiếc dù giấy trên tay không còn xa lạ với du khách ngoại quốc. Người Nhật gọi chiếc dù ấy là Wagasa (和傘). Wagasa thanh lịch trên phố, Wagasa trầm mặc dưới tán hoa anh đào, Wagasa trang nghiêm trong hôn lễ Thần đạo – mọi vẻ đẹp của Wagasa đều gắn liền với vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản.

Wagasa theo dòng thời gian

Về cơ bản, Wagasa và dù hiện đại có đặc điểm chung là đều có một thanh dài để giương và cầm, có vành che mỏng có thể gập lại sau khi sử dụng. Tuy nhiên, nếu dù hiện đại chủ yếu được làm bằng vật liệu nhân tạo như bông, lụa, ni lông hoặc sợi tổng hợp Polyester, thì dù truyền thống của Nhật được làm bằng các vật liệu tự nhiên như giấy Washi, tre và gỗ.

dù giấy Nhật Bản
Ảnh: mikuratv/Pixabay)

Lịch sử của Wagasa đã kéo dài hơn 1.000 năm. Theo giả thiết phổ biến nhất hiện nay, tổ tiên của Wagasa đã ra đời tại Trung Quốc, sau đó thông qua bán đảo Triều Tiên và du nhập vào Nhật Bản trong đầu thời Heian. Wagasa bấy giờ là loại dù giấy không thể xếp gấp, được tầng lớp quý tộc sử dụng chủ yếu để che nắng, xua đuổi ma quỷ và phô bày quyền uy, sự xa hoa.

Dần dần, cùng với sự phát triển của kĩ thuật phết dầu lên giấy để chống thấm nước vào thời kì Muromachi, dù bắt đầu được dùng để che mưa. Kĩ thuật dùng ròng rọc để điều chỉnh độ mở của dù được phát minh trong giai đoạn Azuchi Momoyama là một bước tiến vượt bậc giúp Wagasa thêm hoàn thiện. Trong xã hội chính thức xuất hiện nghề chế tác Wagasa.

Vào thời Edo, Wagasa phát triển rực rỡ với sự ra đời của vô số kiểu dáng độc đáo. Bên cạnh loại dù Janomegasa được giới tăng lữ và y sĩ ưa chuộng, có cả loại dù được dùng để làm đạo cụ trên các sân khấu Kabuki, loại được thiết kế sao cho tên cửa hàng hay doanh nghiệp của người sử dụng hiện lên tán dù ngay khi thấm nước. 

Trong các bức họa còn được lưu lại từ thời này, hình ảnh thị dân cũng xuất hiện bên dưới tán dù, chứng tỏ Wagasa đã trở thành một nhu yếu phẩm được sử dụng rộng rãi trong quần chúng. Với màu sắc và họa tiết đa dạng, Wagasa cũng được nữ giới xem như phụ kiện thời trang quan trọng bên cạnh Kimono.

Đến thời Meiji, khi các loại ô dù phương Tây vừa bền vừa rẻ du nhập vào ồ ạt, Wagasa dần bị thay thế đi. Dù vậy, ngày nay ta vẫn có thể bắt gặp bóng dáng thấp thoáng của Wagasa trong các buổi lễ trà đạo, biểu diễn làn điệu dân gian, các thắng cảnh du lịch hay lữ quán truyền thống. Vẻ đẹp cổ điển của Wagasa vẫn còn được lưu giữ trọn vẹn như những ngày đầu tiên.

Đặc trưng của Wagasa

tán của dù giấy Nhật Bản làm từ giấy sơn dầu
Tán của Wagasa được làm từ giấy sơn dầu có trọng lượng khá nặng nên cần có trên 30 nan (Ảnh: Ayaka/PIXTA)

Thông thường, mỗi nghệ nhân phải mất hàng tháng để hoàn thành một chiếc Wagasa. So với dù hiện đại chỉ có 8 nan khung, tán của Wagasa được làm từ giấy sơn dầu có trọng lượng khá nặng nên cần có trên 30 nan. Sau khi tỉ mẩn vót nan và hoàn thành bộ khung thủ công này, nghệ nhân sẽ vẽ trang trí cho giấy Washi bằng các họa tiết, hoa văn truyền thống đặc trưng của Nhật như chim muông, hoa lá, chủ đề liên quan đến các điển tích cổ xưa. Đối với dù đi mưa, còn phải trải qua công đoạn cuối cùng là sơn phết các loại dầu thực vật như dầu lanh, dầu ngô đồng hay mủ hồng lên giấy để chống thấm nước.

Không thể nói Wagasa có tính bền cao. Bởi tán dù được làm bằng giấy nên dễ bị côn trùng cắn phá, chất lượng và màu sắc giấy lâu ngày dễ thay đổi, tính chống thấm cũng bị ảnh hưởng bởi môi trường ẩm thấp hay thời kì mưa kéo dài. Chính vì vậy, để đảm bảo tuổi thọ của dù, cần phải để dù ở nơi thông gió, khô ráo, tránh để bị ánh sáng trực tiếp chiếu vào.

Các loại Wagasa

Dựa trên kiểu dáng và bối cảnh sử dụng mà Wagasa được chia thành nhiều loại, chẳng hạn như Bangasa, Janomegasa, Maigasa hay Nodategasa,...

Bangasa (番傘):Đây là loại dù phổ biến nhất trong các loại Wagasa, có thiết kế cứng cáp, không trang trí hoa văn, thích hợp mặc kèm với trang phục truyền thống của nam giới. Có giả thiết cho rằng bởi dù thường được đặt ở các lữ quán và có đánh số (bango) để cho khách mượn đi dạo mà có cách gọi hiện giờ.

các loại dù giấy Wagasa ở Nhật
Dù Bangasa (Ảnh:itteki/PIXTA)

Janomegasa (蛇の目傘 – dù mắt rắn): Đây là loại dù mà tán thường được tạo thành bởi một vòng giấy màu trắng ở giữa, trong khi phần trung tâm và mép dán giấy màu đỏ hoặc xanh sẫm. Khi nhìn từ trên xuống, trông hình ảnh ấy giống như mắt rắn nên mới được đặt cho tên này. Nhờ có vẻ đẹp hoa lệ mà Janomegasa rất được nữ giới ưa chuộng.

Janomegasa - dù mắt rắn
Dù Janomegasa (Ảnh:chink/PIXTA)

Maigasa (舞傘 – dù múa): Đây là loại dù chủ yếu được dùng để che nắng. Đặc trưng của Maigasa là có hoa văn và họa tiết sặc sỡ, cầu kì, thích hợp để làm phụ kiện của Kimono. Do dù rất nhẹ nên thường được sử dụng khi biểu diễn các làn điệu truyền thống, dân ca.

dù giấy Maigasa dùng để múa
Dù Maigasa (Ảnh: M.Makoto/PIXTA)

Nodategasa (野天傘): Bạn đã từng tham gia các buổi trà đạo ngoài trời Nodate chưa? Chiếc dù khổng lồ được dùng trong tiệc gọi là Nodategasa. Chúng cũng được dùng để trang trí trong các đền thờ, chùa chiềng, lữ quán, hoặc xuất hiện trong các lễ hội truyền thống, lễ kết hôn ở Nhật.

dù giấy Nhật Bản khổng lồ Nodategasa

Dù Nodategasa (Ảnh: Kumar Nav/Flickr)

Wagasa, món quà lưu niệm duyên dáng

Tuy kể từ sau công cuộc Văn minh khai hóa thời Meiji đến nay, dù phương Tây đã hoàn toàn độc chiếm thị trường ô dù tại Nhật Bản, nhưng hiện tại vẫn còn một số cửa hàng chế tác Wagasa trụ lại trên đất Nhật như ở Gifu, Kyoto, Kanazawa, Tokushima, Yodoe (Tottori), Matsuyama (Ehime),… 

Do đó, nếu bạn đã lỡ “phải lòng” chiếc Janomegasa mong manh, duyên dáng của xứ sở Phù Tang, Wagasa ở “vương quốc Wagasa” Gifu chính là sự lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn. Còn nếu muốn mua Bangasa về làm quà lưu niệm, hãy đến các cửa hàng ở Kanazawa.

Tùy theo chất lượng mà Wagasa có nhiều mức giá khác nhau. Đối với các loại Bangasa, Janomegasa nhập khẩu từ Trung Quốc, mức giá trung bình khoảng dưới 5000 yên (1.000.000VND)/chiếc, nhưng Wagasa chính thống các loại của Nhật sẽ có mức giá thấp nhất là trên 10.000 yên.

Inako / kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU