“Sasebo Slashing” là vụ án gây tranh cãi tại Nhật một thời do độ tuổi của thủ phạm quá nhỏ nhưng mức độ tàn ác lại lớn, dấy lên sự lo ngại trong cộng đồng về việc các sát nhân ngày càng trẻ hóa và sự ảnh hưởng của Internet đến đời sống con người. Một số giả thuyết cho rằng, kẻ sát nhân đã bị ảnh hưởng bởi truyền thuyết đô thị “Lời nguyền căn phòng đỏ” nổi tiếng.
Vụ án Sasebo Slashing gây chấn động một thời
Vụ án mạng Sasebo hay còn được gọi là Sasebo Slashing, được gây ra bởi “Girl A” (bí danh tại Nhật dùng cho những cô gái phạm tội hình sự đang ở tuổi vị thành niên). Ngày 01 tháng 06 năm 2004, tại trường Okubo, giáo viên chủ nhiệm của “Girl A” chợt nhận ra lớp của mình vắng hai học sinh. Sau một hồi tìm kiếm, “Girl A” đã xuất hiện, trên người đầy máu và tay cầm con dao rọc giấy. Trả lời cho những lời hỏi han của mọi người, “Girl A” trấn an rằng đó không phải là máu của mình, nhưng lại chỉ về lớp học trống phía cuối hành lang. Lần theo đó, cô giáo đã phát hiện Satomi Mitarai - bạn học của "Girl A", nằm trên vũng máu và tử vong, ngay lập tức cảnh sát được gọi đến. Một cuộc điều tra tại thành phố Sasebo, nơi xảy ra vụ án mạng, đã được tiến hành, các nghi phạm có liên quan đều bị bắt giữ, trong đó có “Girl A”.
Sau khi bị tạm giam, “Girl A” đã thú nhận hành vi phạm tội của mình nhưng lại từ chối nói rõ động cơ. Khi được hỏi, cô liên tục lảng tránh, từ chối trả lời. Cuối cùng, với nghiệp vụ của cảnh sát, “Girl A” đã giải thích động cơ giết người của mình. “Girl A” đã bị bắt nạt trên mạng xã hội, với những bình luận chê bai ngoại hình của mình và người viết những lời đó là Mitarai. Nội dung của những bình luận được Mitarai để lại bao gồm việc Mitarai xúc phạm và chê bai rằng "Girl A" bị thừa cân và gọi cô bằng biệt danh "goody-goody". Bên cạnh đó, các nhà tâm lý học đã vào cuộc, họ xác nhận “Girl A” không mắc bệnh tâm thần nhưng lại có tiền sử về các vụ bao lực như đánh, dùng dao tấn công bạn học trước khi thảm kịch xảy ra. Cô cũng có dấu hiệu rút lui khỏi cuộc sống xã hội khi ngừng tham gia các câu lạc bộ dù vẫn tiếp tục chơi các môn thể thao này.
Vào ngày 15 tháng 9 năm 2004, Toàn án gia đình Nhật Bản đã ra phán quyết buộc tội “Girl A”, bỏ qua các quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tại Nhật Bản do tính chất nghiêm trọng của vụ việc. “Girl A” bị đưa vào trại giáo dưỡng tỉnh Tochigi, nơi từng giam giữ kẻ giết người tuổi teen Sakakibara. Tuy nhiên, sau một cuộc đánh giá tâm lý thì vào tháng 9 năm 2006, tòa đã điều chỉnh tăng thời gian thi hành án thêm hai năm nữa, nâng tổng mức án lên 4 năm tù giam.
Những tranh luận liên quan đến vụ án
Vụ giết người này đã làm dấy lên các cuộc tranh luận tại Nhật Bản về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, dù đã có sự thay đổi từ 16 xuống 14 vào năm 2000 do vụ việc tên sát nhân 14 tuổi Sakakibara xảy ra năm 1997. Bên cạnh đó, công bố của cảnh sát về tính cách của “Girl A” càng gây thêm tranh cãi khi cô được nhiều người nhận xét là một đứa trẻ bình thường và ngoan hiền, khiến công chúng càng lo lắng hơn. Đồng thời, truyền thông cho biết “Girl A” từng đọc cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi “Battle Royale” và xem cả bộ phim được chuyển thể. Nội dung của tác phẩm nói đến việc các học sinh trẻ tuổi phải giết lẫn nhau nhằm giành lấy sự sống cho bản thân mình.
Hiệu ứng Nevada-tan
Điều đáng cảnh báo hơn là, sau vụ việc, nhiều người trẻ bắt đầu lấy Nevada-tan làm một hình mẫu hay một biểu tượng. Có một bài hát mang tên “Cutie Nevada”, và tấm hình bị rò rỉ đã trở thành “cảm hứng” cho các cosplayer tạo ra trang phục “Girl A”. Nhiều người đã vẽ những tấm hình chibi của "Girl A", đặt tên là “Nevada-tan” – là sự kết hợp giữa "tan", một cách nói theo ngôn ngữ trẻ con của "chan" và Nevada, dòng chữ trên áo "Girl A" mặc trong tấm hình duy nhất được công bố. Vào tháng 6 năm 2005, các cửa hàng trực tuyến của trường đại học Nevada, Hoa Kỳ đã thông báo “cháy” các mặt hàng áo Nevada, buộc trường phải đi đến quyết định ngưng sản xuất mẫu áo này và gỡ khỏi trang web trường.
Truyền thuyết "Lời nguyền căn phòng đỏ"
“The Red Room Curse - Lời nguyền căn phòng đỏ” bắt đầu xuất hiện vào đầu những năm 2000 với câu chuyện về một thông báo xuất hiện trên màn hình vi tính, sau đó là đoạn âm thanh với chỉ một câu duy nhất: “Bạn có thích căn phòng đỏ không?” Ngay khi cửa sổ thông báo được đóng lại, các nạn nhân sẽ bị giết.
Đây chỉ dừng lại là một câu chuyện truyền miệng cho đến khi vụ án “Sasebo Slashing” xảy ra vào năm 2004. Trong thời gian điều tra, cảnh sát phát hiệu rằng Nevada-tan đã đánh dấu trang “Lời nguyễn căn phòng đỏ” trên máy tính của mình. Điều này đã dẫn đến sự lo ngại về việc ảnh hưởng của truyền thuyết đô thị đến với cuộc sống thực.
Xem thêm:Những vụ án mạng rùng rợn trong lịch sử Nhật Bản
kilala.vn