Mùa hè ở Nhật Bản là mùa của những câu chuyện ma quái. Phim kinh dị, sách và các phương tiện truyền thông ma quái khác thường được phát hành vào mùa hè, đồng thời các tạp chí và chương trình truyền hình cũng có những chương trình đặc biệt về các sự kiện và hiện tượng kỳ lạ.
Vì sao mùa hè lại gắn với những câu chuyện ma quỷ?
Đối với người Nhật, mùa này mang đến cảm giác giống như Halloween ở các nước phương Tây. Sự liên tưởng giữa mùa hè với những câu chuyện lạnh sống lưng có nguồn gốc từ truyền thống Phật giáo.
Theo tín ngưỡng
Tuy nhiên, không phải tất cả các linh hồn quay trở lại vào thời điểm này đều là người thân mà còn có cả những sinh vật khác có ý đồ nham hiểm hơn cũng có thể lạc vào thế giới của chúng ta. Nếu một người chết một cách đột ngột, không theo tự nhiên, cho dù đó là do tự sát hay bị giết, hoặc nếu nghi lễ chôn cất thích hợp không được tiến hành thì người đó được cho là sẽ biến thành “Yurei - 幽霊” hồn ma của những người đã chết chịu uẩn ức nào đó.
Theo Haruo Suwa, một giáo sư tại Gakushiun Univeristy, những câu chuyện ma đầu tiên được ghi nhận có từ thời Heian vào đầu thế kỷ thứ tám. Một trong những linh hồn được ghi chép đầu tiên đã xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết “Câu chuyện về Genji”. Vào thời điểm này, Yurei được coi là những linh hồn vô hại. Trên thực tế, một số người tin rằng nhìn thấy Yurei là dấu hiệu may mắn.
Trong khi nhiều tôn giáo phương Tây tin vào sự tồn tại của một vị thần tối cao, thì người Nhật cổ đại lại tin vào việc thần thánh có mặt khắp nơi. Điều này bao gồm ý tưởng rằng con người có thể biến đổi thành những sinh vật siêu nhiên sau khi chết. Vì vậy, trong khi các hồn ma phương Tây có thể được coi là linh hồn của chính mình thì Yurei được cho là giống như các vị thần.
Tuy nhiên, khi niềm tin tôn giáo của Nhật Bản bắt đầu thay đổi, những ý tưởng xung quanh tình trạng của linh hồn con người sau khi chết cũng đổi thay. Và Yurei dần trở thành biểu hiện của những linh hồn báo thù.
Xem thêm: Người Nhật xua đuổi hồn ma như thế nào?
Theo thời tiết
Một niềm tin phổ biến khác là vào mùa hè thời tiết nóng ẩm hơn nên cần những câu chuyện ma đáng sợ khiến người nghe nổi da gà, lạnh sống lưng để hạ nhiệt.
Vào thời Edo (1603 - 1868), niềm tin này đã dẫn đến một xu hướng phổ biến là tổ chức các cuộc tụ tập kể truyện ma vào mùa hè và nhiều câu chuyện kinh điển của thời đại đó vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay. Cách truyền thống để kể chuyện tại những buổi tụ họp này là thắp sáng một trăm ngọn đèn, sau đó thay phiên nhau kể hàng trăm câu chuyện rùng rợn.
Những câu chuyện này được gọi là “Kaidan - 怪談” có nghĩa là những câu chuyện kỳ lạ, ma quái. Khi mỗi Kaidan kết thúc, người kể chuyện sẽ tắt một ánh đèn, và khi những người tham gia ngày càng sợ hãi, căn phòng sẽ ngày càng tối hơn khiến không khí trở nên rùng rợn. Đa phần những câu chuyện sẽ xoay quanh linh hồn báo thù của những người phụ nữ bị đày đọa, phản ánh vị thế xã hội yếu ớt của phụ nữ trong thời kỳ đó.
Vì vậy, mùa hè cao điểm ở Nhật Bản là thời điểm mà chúng ta nên đề phòng những linh hồn lạc lối, những linh hồn bất an và những hồn ma báo thù!
Phân loại các linh hồn
Với mỗi loại linh hồn thì người Nhật có cách gọi khác nhau, tùy thuộc vào cách họ chết và tồn tại ở thế giới:
- Onryo - 怨霊: Oán linh, những linh hồn mang mối hận trước khi chết và sau đó trở thành linh hồn báo thù, có khả năng gây hại cho người khác.
- Ubume - 産女: : Hồn ma của một người mẹ chết trong quá trình sinh nở, hoặc chết để lại những đứa con của mình. Thay vì mang theo cơn thịnh nộ, Yurei này mang theo đồ ngọt và mang khát khao được chăm sóc các con của mình. Những người qua đường sẽ thấy cô ấy như một người phụ nữ bình thường đang bế một đứa trẻ. Cô ấy thường sẽ cố gắng đưa cho người qua đường đứa con của mình sau đó biến mất. Nhưng sau đó họ phát hiện ra đó chỉ là một bó lá hoặc tảng đá lớn.
- Goryo - 御霊: Những hồn ma thù hận thuộc tầng lớp quý tộc, đặc biệt là những người đã tử vì đạo.
- Funayurei - 船幽霊: Thuyền thần, là hồn ma của những người chết trên biển. Họ sẽ thường cố gắng làm cho nước tràn vào tàu, khiến tàu chìm xuống.
- Zashiki-warashi - 座敷童子: Bóng ma của trẻ em. Những kẻ này thường tinh quái hơn là nguy hiểm vì chúng thường thực hiện những trò chơi khăm.
- Bóng ma Samurai: Bóng ma của những người lính đã ngã xuống trong trận chiến, đặc biệt là chiến tranh Genpei (cuộc chiến giữa hai gia tộc Taira và Minamoto vào cuối thời kỳ Heian của Nhật Bản).
- Hồn ma dụ dỗ: Hồn ma của một người đàn ông hoặc phụ nữ báo thù trở lại để quyến rũ con người, được đề cập trong truyền thuyết Botan Doro (Lồng đèn mẫu đơn).