Vốn coi trọng quyền riêng tư nhưng trước cửa nhà hoặc căn hộ của người Nhật đều có bảng tên (Hyousatsu) của gia chủ. Vì sao lại như vậy?
Hyousatsu là gì?
Hyousatsu (表札 - Biểu Trát) là bảng tên được đặt ở cổng nhà hay Genkan (sảnh đón khách ngay cửa ra vào) của người Nhật. Trên Hyousatsu thể hiện họ tên của chủ nhà, nhưng chủ yếu vẫn là họ, và cũng có khi thêm tên của một số thành viên khác trong gia đình.
Bảng tên này trở thành dấu hiệu để dễ dàng nhận biết ngôi nhà thuộc sở hữu của ai, nhất là giúp cho bưu tá xác định được địa chỉ chính xác của người nhận và trao thư từ tận nhà. Bên cạnh đó, nó cũng đồng thời khẳng định vị thế gia tộc. Do vậy, người Nhật thường rất kỹ lưỡng trong việc thiết kế Hyousatsu cho gia đình mình.
Trước đây, bảng tên được làm từ chất liệu gỗ và tên chủ nhà được viết dọc từ trên xuống dưới theo văn phong tiếng Nhật. Tuy nhiên, chất liệu và cách thiết kế Hyousatsu ngày nay đã trở nên rất đa dạng, từ kim loại, gỗ, gốm, đá cẩm thạch đến nhựa, còn chữ cũng được viết ngang bằng tiếng Nhật hoặc tiếng La tinh theo bất kỳ kiểu chữ nào mà gia chủ yêu thích.
Lịch sử ra đời Hyousatsu
Mặc dù đã xuất hiện vào thời Edo (1603-1868), tuy nhiên bấy giờ Hyousatsu không phổ biến mà chỉ được nhìn thấy ở các dinh thự Samurai. Đầu tiên là bởi dân thường thời này chỉ có tên mà không sở hữu họ chính thức. Tầng lớp thường dân bao gồm nông dân, nghệ nhân và thương nhân muốn có họ riêng thì phải chi một khoản tiền cho lãnh chúa của miền mà họ đang sinh sống.
Tiếp theo, người dân Edo thường ở cố định một chỗ lâu dài, ít khi chuyển đến các thị trấn khác nên chỉ cần một cái tên là đã đủ. Đặc biệt là ở các khu trọ, danh sách cư dân được dán ở lối vào, chủ nhà và người thuê được xem như người một nhà nên dù không có biển tên vẫn có thể liên lạc thông qua người chủ.
Do vậy, ít ai sẵn lòng chi một khoản tiền không nhỏ để có được họ riêng
nhưng ít dùng tới. Trong trường hợp trùng tên, chỉ cần nêu rõ tên thôn
làng đang cư ngụ thì có thể dễ dàng xác nhận danh tính, còn nếu là
thương nhân thì nói ra tên cửa hàng.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau khi Luật đăng ký hộ khẩu được ban hành vào năm 1872, từ đây, dân thường cũng được sở hữu họ như các Samurai. Tương tự như vậy, khi hệ thống bưu chính được thành lập vào năm 1872, với việc thư từ được gửi theo địa chỉ và tên, bảng tên bắt đầu được sử dụng như một dấu hiệu nhận biết ai đang sinh sống trong ngôi nhà.
Trong thời Taisho (1912-1926), cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, hệ thống giao thông công cộng như đường sắt, đường cao tốc được hình thành, hệ thống bưu chính của Nhật cũng đưa ra những quy định khắt khe hơn về địa chỉ người nhận.
Với những người đăng ký cùng địa chỉ nhận, người chuyển phát buộc phải đi gõ cửa từng nhà. Do vậy, để phân biệt từng hộ gia đình, người Nhật bắt đầu treo bảng tên Hyousatsu trước nhà để giúp cho bưu tá thuận tiện giao thư hơn.
Đặc biệt, sau trận Đại động đất Kanto vào ngày 01/09/1923, Hyousatsu mới thật sự trở nên phổ biến khi giúp xác định ai vẫn còn tiếp tục ở lại, cũng như ai đã chuyển đi nơi khác do nhà cửa tan tát vì thảm họa.
Những quan niệm mê tín xoay quanh bảng tên
Bên cạnh công dụng định danh chủ nhân của một căn nhà, Hyousatsu còn giúp thể hiện vị thế gia tộc, chẳng hạn như bảng tên của Tập đoàn Itochu hay các gia tộc kinh doanh khác được đặt theo họ của người sáng lập.
Thêm nữa, nhiều người Nhật còn tin rằng 70% sự may mắn của gia đình xuất phát từ chất liệu của Hyousatsu. Theo đó, hai vật liệu được cho là đem lại nhiều tài lộc nhất là gỗ cây Hinoki thuộc họ Thông, tượng trưng cho “tuổi thanh xuân”, “mùa xuân” tràn đầy nhựa sống, và thép không gỉ nổi bật với độ bền cao.
Ngoài ra, màu sắc, chữ viết và hướng treo của Hyousatsu cũng ảnh hưởng đến vận may của gia đình. Bảng tên gỗ sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho những ngôi nhà truyền thống. Hầu hết Hyousatsu thường đặt cao hơn một chút so với tầm mắt để hợp phong thủy và chữ viết màu đen với nét rõ ràng để thu hút được nhiều tài lộc nhất.
Hyousatsu còn gắn liền với hai quan niệm mê tín khác. Trong cuốn “Phong tục kỳ lạ của Nhật Bản” (日本のヘンな風習), người Nhật cũng có tục treo mặt nạ khỉ bên cạnh Hyousatsu để cầu nguyện vượt qua kỳ thi thành công, giống như việc khỉ chẳng bao giờ rơi khỏi cây.
Tại Nhật, trộm Hyousatsu là một trong những cách để cầu nguyện đậu kỳ thi. Theo đó, người Nhật cho rằng nếu lấy trộm lấy 4 bảng tên từ 4 ngôi nhà khác nhau thì sẽ làm chủ được kỳ thi, xuất phát từ cách chơi chữ “4軒盗る – Shiken toru” (lấy trộm của 4 nhà), giống cách đọc với “試験通る – Shiken tooru – Vượt qua kỳ thi”. Sau khi đã đỗ kỳ thi, sĩ tử sẽ quay trở lại những ngôi nhà mà mình lấy Hyousatsu để đặt thư và món quà cảm tạ ở trước Genkan.
Trong hồi ký của tiểu thuyết gia Ibuse Masuji, ông từng kể rằng mình cũng đã bị trộm bảng tên nhà, sau cùng phải chuyển sang dùng bảng tên bằng giấy. Hay Ishida Kazuo, kỳ thủ cờ Shogi cửu đẳng cũng từng bị mất trộm Hyousatsu trong suốt mùa thi cử của học sinh.
Có bắt buộc đặt Hyousatsu trước cửa nhà?
Không thể phủ nhận những lợi ích mà Hyousatsu mang lại như giúp việc nhận thư từ thuận tiện, không xảy ra sự cố nhầm lẫn, tạo sự tin cậy với hàng xóm và nhất là mọi người sẽ nhớ đến bạn để hỗ trợ kịp thời nếu thiên tai xảy ra.
Tuy nhiên, thông qua Hyousatsu, người lạ có thể dễ dàng biết được địa chỉ nhà của bạn, dễ rơi vào nguy hiểm nếu bị kẻ gian lợi dụng, nhất là với những phụ nữ sống một mình.
Để phòng ngừa rủi ro, nhiều người Nhật đã chọn cách viết chữ La tinh lên bảng tên thay vì chữ Kanji để che giấu đi họ tên của mình. Sau cùng, quyết định có đặt Hyousatsu trước cổng nhà hoàn toàn không phải điều bắt buộc ở Nhật mà tùy vào từng gia đình.
kilala.vn