Vết chai Mikoshi: “Khối u” đầy tự hào của những người vác đền

Bài: Ái ThươngJun 11, 2023

Tại các lễ hội truyền thống địa phương của nước Nhật, có thể bạn sẽ hiếu kỳ khi thấy trên vai những người đàn ông vác kiệu có những cục bướu lớn nổi lên, phình ra trông như bướu của lạc đà vậy. Đó chính là vết chai Mikoshi, “huy chương” đáng tự hào của người sở hữu nó.

Trong đời sống tâm linh ở Nhật có một nét văn hóa độc đáo là “thờ cúng di động”. Tại các lễ hội diễn ra xuyên suốt hằng năm trên khắp đất nước mặt trời mọc, những đền thờ di động được người dân rước vòng quanh khu phố trong bầu không khí tưng bừng, hò reo của ngày lễ.

Đền thờ di động - được gọi là “Mikoshi - 神輿” rất nặng, đè lên đôi vai của những người khiêng kiệu, tạo nên “Mikoshi dako - 神輿だこ” hay vết chai Mikoshi.
vết chai mikoshi
Mikoshi dako - những khối u trên vai người vác đền. Ảnh: ogionsaa

Văn hóa thờ cúng di động

Trong Thần đạo, người Nhật quan niệm rằng vị thần của địa phương ngự trong đền thờ và chỉ có thể di chuyển bằng cách đặt thần linh trong một cấu trúc tương tự. Vì vậy Mikoshi ra đời. Đây là một chiếc kiệu tôn giáo linh thiêng, được hiểu như đền thờ di động, đóng vai trò phương tiện di chuyển một vị thần từ đền thờ này đến đền thờ khác.

Mikoshi được dựng nên như phiên bản thu nhỏ của ngôi đền địa phương. Đền thờ có hình dạng giống như một cái kiệu nhỏ, thường có hình chữ nhật, lục giác hay bát giác. Phần mái chạm khắc công phu và phần thân trang trí lộng lẫy theo truyền thống của mỗi vùng miền. Phía dưới Mikoshi sẽ gắn cọc dài để người khiêng kiệu vác trên vai, diễu hành qua các khu vực diễn ra lễ hội.

đền thờ di động
Mikoshi trong lễ hội. Ảnh: flickr

Mikoshi được trang trí long trọng, hoành tráng để thể hiện đầy đủ nhất những tinh hoa văn hóa tín ngưỡng của người Nhật. Do đó, những chiếc kiệu đền thờ này có cân nặng lên đến hàng trăm kí, thậm chí là cả tấn.

Katsugite - những người vác đền

“Katsugite - 担ぎ手” là từ để chỉ những người khiêng, vác Mikoshi. Vì kiệu rất nặng nên cần một nhóm từ 20 hoặc 30 người tình nguyện, hầu hết là trai tráng thanh niên trong vùng.

Có nhiều phương pháp khiêng kiệu tùy theo tục lệ của mỗi vùng. Phương pháp phổ biến nhất là hira-katsugi, người khiêng kiệu hô “wasshoi” và có thể lắc hoặc không lắc Mikoshi. Kiểu Edomae với việc lắc nhanh Mikoshi lên xuống hay sang phải và trái, phong cách này có thể thấy ở Lễ hội Asakusa Sanja, Tokyo.

Ở vùng Shonan thuộc tỉnh Kanagawa thì có kiểu vác Dokkoi với việc Mikoshi được di chuyển lên xuống nhịp nhàng và chậm hơn so với kiểu Edomae. Còn có kiểu khiêng khác là Odawara, đây là một cách vác Mikoshi đặc biệt, trong đó nhiều đoàn vác Mikoshi gặp nhau và cùng chạy đua.

rước kiệu
Nghi lễ rước kiệu tại lễ hội Yushima Tenjin. Ảnh: spunktitud3

Đội Katsugite sẽ mặc trang phục truyền thống theo quy định của lễ hội, họ khiêng Mikoshi trên vai từ đền thờ chính rồi đi khắp các khu vực thờ cúng lân cận. Một số vùng miền còn có phong tục nhúng Mikoshi vào nước của hồ, sông hoặc biển gần đó, được gọi là o-hamaori.

Các Katsugite sẽ liên tục reo hò, hô vang khi vác kiệu, họ còn liên tục lắc lư Mikoshi, nhảy múa và hòa vào không gian lễ hội vui vẻ với người dân xung quanh. Điều này thể hiện việc “làm hài lòng" vị thần đang trú ngụ bên trong Mikoshi.

Những người khiêng kiệu cần chuẩn bị và giữ thể lực thật tốt trước khi lễ vác Mikoshi diễn ra. Họ uống rượu gạo khoảng từ 6 hoặc 8 giờ sáng, trước khi bắt đầu lộ trình và sẽ luân phiên nhau đảm nhận nhiệm vụ để đảm bảo không có ai kiệt sức.

Những vết chai là niềm tự hào

Những người khiêng Mikoshi đều tự nguyện tham gia và xem đây là một đặc ân thể hiện lòng thành đến thần linh. Nhiệm vụ này rất gian khổ và đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại vì các Katsugite phải vác theo một cấu trúc nặng nề trên vai và di chuyển trong suốt một quãng đường dài. Bên cạnh đó họ còn phải hô hào, nhảy múa hoặc ca hát để thể hiện tinh thần lạc quan, vui tươi.

Sức nặng của Mikoshi đè lên vai Katsugite nhiều giờ sẽ khiến vai bị căng và gây viêm, sưng lên thành một khối u chứa dịch bên trong. Dịch này sẽ rút đi sau đó bằng cách chườm lạnh hay mát xa, nhưng nếu việc khiêng kiệu diễn ra thường xuyên thì khối u sẽ chai cứng lại.

vác kiệu mikoshi
Ảnh: ameba

Sau nhiều năm làm Katsugite, vết chai dần phát triển thành bướu phình ra do lớp da cứng tích tụ qua năm tháng. Nhiều du khách  nước ngoài khi trông thấy sẽ cảm thấy ái ngại, xót xa thay cho những người khiêng kiệu nhưng thực ra chính khối u phình to lại giúp giảm đau cho Katsugite khi mang đền thờ di động trên vai.

Với người Nhật, vết chai Mikoshi là “huy hiệu”, biểu tượng cho sự cống hiến của họ đến thần linh và cộng đồng. Vì vậy, họ luôn cảm thấy tự hào và vinh dự khi sở hữu những vết chai này.

Một số người còn đặc biệt không sử dụng bất kỳ lớp lót nào để giữ cho vết chai của họ phát triển, phình to hơn. Điều này như một cam kết với đức tin, bày tỏ lòng thành kính trước thần linh cũng như góp phần giữ gìn bản sắc truyền thống của dân tộc.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU