Vẻ đẹp Kimono

PHẠM CÔNG LUẬNJan 1, 2018

Buổi sáng ở Tokyo thật lạnh mát. Đêm hôm trước, tôi đến Nhật quá trễ nhưng sáng nay vẫn hăm hở dậy thật sớm. Sớm hơn cả mặt trời ở xứ Mặt trời mọc. Đã nghe tiếng rì rầm của đường phố dưới kia. Khu Ikebukuro tôi ở, nhà cao tầng không chất ngất như ở khu Shinjuku nên có thể thấy quang cảnh một góc phố nếu ở trên lầu cao.

Đã lác đác người đi qua lại trên phố. Đàn ông Nhật có lẽ hơn 80 phần trăm bận com-ple khi ra đường. Và các cô gái – khá giống trong các truyện tranh Nhật – mặc váy ngắn khoe đôi chân dài mang giày ống cao. Mái tóc đen của họ che một phần da mặt trắng tuyết. Nước da chỉ có dân châu Á xứ lạnh mới có được.

Mãi hai ngày sau, tôi mới tìm thấy được thứ mình muốn thấy. Đó là bộ áo Kimono. Trong ánh nắng thu buổi sáng ở công viên Viện Bảo tàng Hara, hai thiếu phụ chậm rãi đi trên con đường vào công viên. Bộ Kimono họ mặc trên người giản dị hơn áo các cô người mẫu trên lịch. Nhưng vẫn là vẻ đẹp ấy, kín đáo và mềm mại, cung cách nhưng không cứng nhắc trong dáng đi khoan thai của họ.

vẻ đẹp Kimono

Hình ảnh ấy – sau này tôi còn thấy nhiều lần – mang đến cho tôi những ấn tượng đầu tiên. Hình ảnh nước Nhật cổ xưa vẫn còn đó … một xã hội Nhật truyền thống, e lệ và kín đáo, trầm mặc và hãy tự soi rọi mình. Nước Nhật của các Shôgun, Samurai và Trà đạo. Nước Nhật với các thiếu nữ ngồi xếp chân, thấp thoáng sau chiếc cửa gỗ dán giấy… Tương phản với nước Nhật hiện đại đang bao quanh tôi.

So với chiếc áo dài Việt Nam khá phổ biến mặc đi làm, đi chơi, đi học …Có lẽ chiếc Kimono ít phổ biến hơn trong xã hội Nhật Bản hiện nay. Đối với người nước ngoài đến Nhật, mỗi lần nó xuất hiện lại là một điểm nhấn. Trong ga điện ngầm, giữa bao người mặc Âu phục, vẫn thấy vài cặp vợ chồng mặc Kimono, đi lại tự nhiên hoặc lên tàu điện ngầm…Và nếu may mắn được chứng kiến một đám cưới, còn dễ thấy bộ Kimono nhiều hơn.

Anh A., một Việt kiểu sống 15 năm ở Nhật cho biết trong ngày Lễ Thành nhân (15 tháng 1), bạn sẽ thấy nhiều cô gái trẻ bận bộ trang phục này trên đường phố. Có thể biết chắc đó là các cô đang tuổi 20, tuổi được xem là đủ độ trưởng thành. Trong đám cưới, lễ tiệc, Kimono không bị xem như áo dài khăn đóng của đàn ông xứ ta, không bị xem là lạc hậu. Các bà đứng tuổi vẫn thích mặc Kimono để thấy mình là quí phái, sang trọng. Kimono như mốt thời trang có thể sánh ngang nếu không muốn nói là sang hơn các loại soa-rê, đầm của Tây phương.

Kimono vẫn có giá trị, hơn nữa là có giá trị rất lớn trong cái nhìn của người Nhật. Họ không giấu vẻ tự hào về nó. Riêng đối với người nước ngoài, mua quà tặng không có hình ảnh núi Phú Sĩ hay Kimono thì coi như chưa đến Nhật.

Thế nhưng tại sao Kimono không còn phổ biến so với trước đây?

Bạn thử hình dung đang đi trên đường phố Tokyo hay Osaka. Ở lòng đường xe cộ lao vun vút. Trên hè phố, dưới ga điện ngầm, rất đông người đi bộ qua lại. Nhiều người, trong đó có rất đông các cô gái trẻ, chạy đều như đang dự thi Marathon. Chân chạy, nét mặt họ vẫn bình thản. Họ cần phải bắt kịp chuyến tàu điện kế tiếp cho kịp giờ đến công ty, cơ quan. Buổi chiều trong giờ tan sở, tàu điện đông kinh khủng. Phải có những nhân viên chuyên đẩy hành khách vào toa tàu đang nghẹt cứng. Từ 1945 đến nay, nước Nhật lao động dữ dội để phát triền lấy đâu ra chỗ cho chiếc Kimono?

Và còn những lý do khác. Cô bạn Asako bảo tôi: “Nó không phổ biến vì nhiều lý do. Công mặc không rẻ. Mỗi lần mặc phải trả số tiền tương đương 150 đô la Mỹ. Phải tốn cả tiền làm tóc. Khi mặc vào người, nó chật khít nên khó di chuyển. Vì may bằng tơ tằm, nó rất đắt”.

Chính vì vậy, trong buổi Party cuối cùng trước khi về nước, tôi không được thấy cô gái Nhật nào mặc Kimono. Sau này Asako giải thích: “Hôm đó không phải là ngày nghỉ. Rời khỏi cơ quan, chúng tôi chỉ có một thời gian ngắn để chuẩn bị đi dự Party. Anh biết không, phải mất cả hai giờ để mặc nó…Phải nhờ thợ mặc áo chuyên nghiệp. Những người ấy đã học xong khóa huấn luyện 3 tháng về cách mặc loại áo này…”

Tôi nghe nói rằng Kimono có tói 12 lớp chồng chất bên nhau, chưa kể nội y. Vài người phương Tây cảm thấy như vậy là “ướp xác bằng vải” (?!). Và cả chiếc dây nịt Obi khi thắt vào hay mở ra rất phức tạp. Giải thích về chiếc áo của dân tộc mình, nhà văn Tanizaki cho rằng: “Tổ tiên chúng tôi coi người phụ nữ như một sinh vật không thể tách rời khỏi bóng tối, giống như những vật bằng sơn mài có bột vàng hoặc cẩn xà cừ và họ cố làm cho người phụ nữ chìm đắm hoàn toàn vào bóng tối, vì vậy mới có tay áo, đuôi áo dài thật dài che kín tay chân, để cho phần duy nhất thấy được, tức là đầu và cổ nổi bật lên …”.

Đó chính là nét hấp dẫn kỳ lạ của Kimono. Cảm nhận riêng của anh A. : “Kimono kín đáo như gói bên trong một điều gì đó ta muốn tìm hiểu. Áo dài Việt Nam tuyệt đẹp và gợi cảm, khi ngắm nhìn ta cảm thấy có điều gì ấm ức. Kimono lại không kêu gọi sự ấm ức đó. Nó rất kín đáo, buộc người ta phải tôn trọng e dè …”.

Chính vì vậy, theo anh, chiếc Kimono lại gợi nhiều tưởng tượng hơn. Cái gì gói kín quá, chỉ hơi mở một tí đã thấy nhiều. Tranh xưa vẽ cô gái Phù Tang thò chút cánh tay trần, hay chiếc cổ áo hơi trễ đã thấy lộ liễu. Theo đúng tinh thần người Nhật, vài đường nét cũng đủ tượng trưng.

kimono_nhat_ban.jpg
Photo:

Áo Kimono có vạt áo trái xếp lên vạt phải và trùm lên một chiếc áo lót có cổ áo gọi là Han eri tháo ra được. Tất cả được nịt lại ở eo bằng dây thắt lưng (Obi) dài từ 3 đến 4 mét và được cột ở phía sau cùng với chiếc gối đệm.

Người mặc Kimono phải có một bộ tóc đẹp và cầu kỳ được làm một cách công phu từ tay những người thợ chuyên nghiệp.

Kimono được thực hiện rất công phu, qua nhiều khâu từ dệt, nhuộm, in, vẽ, thêu và cuối cùng khâu thành áo. Nguyên liệu để dệt vải là lụa tơ tằm Nhật không bị úa vàng và giữ được màu sắc rất tốt.

Bất kỳ một bộ Kimono nào (trừ loại dành cho trẻ em) đều tốn 12 mét vải, khổ rộng 39cm. Các họa tiết, màu sắc trên chiếc Kimono được các nghệ nhân tài hoa thể hiện rất tỉ mỉ, đầy tính nghệ thuật và phù hợp với từng mùa, từng dịp lễ trong năm.

Cho dù ngày nay người Nhật không mặc áo Kimono thường xuyên, các cô gái vẫn giữ cho mình chiếc Kimono truyền thống. Ở cố đô Kyoto, người viết thấy nhiều phụ nữ mặc Kimono hơn cả. Ở đâu cũng vậy, có lẽ người dân cố đô khéo giữ truyền thống dân tộc nhất. Trong các gia đình, bà mẹ chắt chiu chiếc áo của mình (đã được hưởng thụ từ mẹ của bà) rồi tặng cho con gái. Anh A. cho biết giá một chiếc Kimono thấp nhất ở Nhật cũng đã 1500 đô Mỹ cho đến … vô giá. Nhân kỷ niệm 1200 năm thành lập Kyoto, người ta biết có bộ lên tới 200 ngàn đô la, đã được thực hiện suốt hai năm ròng… Và tất nhiên, chỉ có các nhà sưu tập Kimono cỡ bự mới mua nổi. Cô bạn Asako cho biết chiếc Kimono của cô độ 5000 đô la (lương trung bình ở Nhật là 3 ngàn đô) và chiếc thắt lưng Obi do mẹ cô truyền lại. Tất nhiên trên đây là các loại đúng tiêu chuẩn. Các loại rẻ hơn, dễ mặc hơn, được làm từ các xí nghiệp ở Việt Nam hay Trung Quốc rồi nhập khẩu vào Nhật Bản.

Có lẽ cũng nên biết lịch mặc chiếc áo này ở Nhật: Ngày Tết (gantan), nhiều người Nhật mặc Kimono đến đền thờ. Ngày 15 tháng 1, lễ thành nhân của các cô gái 20 tuổi. Ngày 15 tháng 11 dương lịch, các bé gái lên 3, lên 7, bé trai lên 5 mặc Kimono đến đền thờ. Trong hơi thu lạnh mát, thật thích thú khi nhìn một bé gái Nhật Bản má đỏ hồng xúng xính trong chiếc áo mỹ miều này. Ngoài các đám cưới, lễ tết, người ta cũng mặc Kimono khi biểu diễn võ thuật (áo có cải tiến chút ít) và khi dự tiệc trà …

Và khi ngày lễ tết đã qua, các cô gái, các thiếu phụ đem cất chiếc Kimono quý giá. Nhà nào khá giả lại có nhiều Kimono (mười chiếc đã là nhiều), cố sắm cho được chiếc tủ bằng gỗ đồng (Kiri) trị giá khoảng 10 nghìn đô la. Nhìn bên ngoài, chiếc tủ ấy giống như chiếc tủ bình thường, có mùi hương thoảng nhẹ. Nhưng chỉ có tủ gỗ đồng  mới giữ được bộ Kimono không bị biến dạng, khô cứng trong thời tiết khắc nghiệt trên đất đảo với mùa hè ẩm ướt, mùa đông khô qua mức… Ông Imamura Nobukatsu, nguyên là tùy viên văn hóa Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh kể thêm: “Ngày xưa nhà nào vừa sinh con gái liền trồng bên nhà cây Kiri để khi cô gái lớn lên, cây này sẽ được hạ xuống, lấy gỗ đóng tủ để cất giữ chiếc Kimono của chính cô”. Và cứ thế, Kimono truyền qua bao thế hệ phụ nư, luôn óng ả, kiêu sa, rất đặc trưng Nhật Bản, không thể lẫn vào đâu được.

Nếu có dịp đến Nhật, được thấy cô gái Nhật bới đầu cao mặc chiếc áo huyền thoại này, đi lướt chân trên đất tựa như thiên nga lướt trên mặt hồ bạn dễ ngỡ rằng mình đang lạc vào một bức tranh.

Ghi chép trong sổ tay

Kimono được phụ nữ sử dụng không phải để thể hiện mà là dấu đi những đường nét thiên nhiên của mình. Thắt lưng rộng bản cùng với chiếc nơ trên lưng được buộc cao hơn eo làm cho cô gái Nhật bằng phẳng phía trước và gù ở đằng sau lưng.

Cô gái Nhật có thể đi dạo phố trong bộ đồ Kimono của bà cố mình. Và bộ đồ đó chẳng ai coi là lạc hậu và không mốt, hơn nữa nó lại còn rất hợp nếu như cô gái cao hơn một cái đầu và mảnh mai hơn người chủ cũ của nó… Vạt áo không được cài lại bằng cúc mà là khép lại, Kimono bao giờ cũng dài cho nên mỗi khi mặc cô gái lại như mặc đồ mới.

Không những hình dáng bên ngoài mà cả cách cư xử của người phụ nữ Nhật phụ thuộc vào cách ăn mặc của họ. Trong bộ Kimono, người phụ nữ  Nhật bao giờ cũng tuân thủ theo những luật cư xử cổ điển. Còn trong bộ đồ hiện đại, họ chỉ tuân thủ theo lối cũ trong những lúc long trọng …

(Vơxevơlốt Ôvơchinnhicốp –

Cành Sakura – NXB Mũi Cà Mau 1987)

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU